Thứ 2, 20/05/2024 16:32:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 07:26, 26/02/2020 GMT+7

Tổ quốc nơi đầu sóng - Bài 6

Tấn Phong
Thứ 4, 26/02/2020 | 07:26:00 156 lượt xem
BPO - 20 ngày trên biển và được đặt chân lên những hòn đảo ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, được gặp gỡ giao lưu với những người lính biển tuy thời gian không dài nhưng đây là kỷ niệm đẹp và rất khó phai trong lòng chúng tôi, những người làm báo đến từ mọi miền Tổ quốc. Mỗi đảo có nét riêng, kỷ niệm riêng để mỗi khi nhắc lại vẫn trào dâng niềm cảm xúc. Đặc biệt với Sinh Tồn Đông, điểm cuối của chặng hành trình, chúng tôi đã thấy sức sống mãnh liệt và sự can trường của cán bộ, chiến sĩ trong điều kiện hết sức khắc nghiệt...

VỮNG VÀNG SINH TỒN ĐÔNG

Chúng tôi đến đảo nhỏ Sinh Tồn Đông vào thời điểm bắt đầu nắng gắt, hơi nóng của đá, cát, san hô kèm theo vị mặn của biển nên có cảm giác rất rát mặt. Tuy vậy, hàng quân danh dự vẫn trang nghiêm đứng chào đón những vị khách quý tại “bến cảng” không có bất kỳ biểu hiện mệt mỏi nào. Có lẽ các anh đã được tôi luyện trong giông bão nên rất vững vàng dưới nắng lửa trùng khơi. Đảo nhỏ Sinh Tồn Đông cách Cam Ranh (Khánh Hòa) khoảng 330 hải lý nhưng xung quanh khu vực này hết sức phức tạp nên cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã rất nỗ lực để trở thành điểm sáng trong bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước.

“Pháo đài” giữa biển cả

Theo cán bộ, chiến sĩ trên đảo, trước ngày giải phóng, Sinh Tồn Đông chỉ là một cồn cát nổi giữa biển khơi do Việt Nam quản lý. Cuối những năm 70 của thế kỷ trước, một số nước trong khu vực đã dòm ngó và có ý định chiếm đóng trái phép Sinh Tồn Đông của ta. Trước tình hình này, một số đơn vị của Hải quân nhân dân Việt Nam được cấp trên giao nhiệm vụ tăng cường bảo vệ đảo bằng mọi giá. Sau hơn 40 năm xây dựng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ ở Sinh Tồn Đông đã biến hòn đảo khô cằn năm xưa thành pháo đài vững vàng giữa biển cả mênh mông. Hiện trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp và trước những âm mưu toan tính của thế lực nước ngoài, Sinh Tồn Đông vững vàng như bức thành đồng của Tổ quốc.

Một góc đảo Sinh Tồn Đông

Tính theo vĩ tuyến, Sinh Tồn Đông nằm ngang với thành phố Ngã Bảy của tỉnh Hậu Giang nhưng lại trong vùng biển gần các hòn đảo do Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Vì vậy, Sinh Tồn Đông có vị trí chiến lược rất quan trọng trong hệ thống phòng thủ của ta tại quần đảo Trường Sa. Thiếu tá Đinh Ngọc Sang, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn Đông cho biết: Do đặc thù của vị trí đóng quân nên Ban chỉ huy đảo luôn quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, nêu cao tinh thần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu cao trong mọi tình huống. Không những vậy, cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn Đông luôn chủ động huấn luyện, thuần thục các phương án sẵn sàng chiến đấu, làm chủ các loại vũ khí, khí tài và trang bị hiện có, không để xảy ra các tình huống bất ngờ, bị động. Trước yêu cầu, nhiệm vụ được giao, cán bộ, chiến sĩ toàn đảo luôn quyết tâm, đoàn kết giữa ý chí và hành động, chủ động khắc phục mọi khó khăn, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới. Còn Trung tá Trần Văn Quế, Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông nói: Những năm qua, qua kiểm tra của Lữ đoàn, Vùng 4 và Bộ Quốc phòng về mọi công tác..., đảo đều đạt loại khá và giỏi. Từ năm 1981 đến nay, Sinh Tồn Đông đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó có Huân chương Chiến công hạng Nhất vào năm 1982...

Tận mắt chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trên đảo, chị Nguyễn Thị Xuyến đến từ thủ đô Hà Nội, thành viên Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương (Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) chia sẻ: Ở đất liền tôi chỉ biết Trường Sa qua sách, báo và truyền hình. Khi được ra tận các hòn đảo, trong đó có Sinh Tồn Đông, tận mắt chứng kiến cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ ở đây, tôi rất cảm động trước sự hy sinh thầm lặng của những người lính Trường Sa trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Trở về đất liền, tôi sẽ cùng câu lạc bộ tiếp tục tuyên truyền, vận động các tổ chức đoàn thể xã hội ủng hộ vật chất và tinh thần hướng về Trường Sa để người lính biển thêm vững chắc tay súng bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc thân yêu.

Thắm mãi Sinh Tồn Đông

So với nhiều đảo nổi khác ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, Sinh Tồn Đông vừa nhỏ bé hơn về diện tích, đồng thời lại trong vùng có điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên cuộc sống trên đảo còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng ý chí và nghị lực phi thường của người lính Cụ Hồ, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã xây dựng Sinh Tồn Đông một màu xanh tươi thắm của những vườn rau, giàn bầu, bí, mướp và cây xanh che bóng mát.

Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành, sự chung tay góp sức của các đoàn thể, chính trị - xã hội và nhân dân trong cả nước, nhiều công trình trên đảo được xây dựng. Hệ thống nhà ở, nơi làm việc, sinh hoạt giải trí được xây dựng khang trang, vững chắc hơn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Và đảo đã trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển, đánh bắt trong vùng biển Trường Sa.

Thiếu tá Đinh Ngọc Sang, Chỉ huy trưởng  đảo Sinh Tồn Đông

Là đảo nhỏ, không có đất, thiếu nước ngọt trầm trọng nên khi xây dựng các công trình ở Sinh Tồn Đông phải tính đến yếu tố thu gom nước mưa và hệ thống bể chứa. Vì vậy, nguồn nước ngọt được tích trữ trong mùa mưa ở Sinh Tồn Đông hiện đủ cho toàn đảo sử dụng, không còn tình trạng thiếu như trước. Nhờ chủ động được nguồn nước ngọt nên các thế hệ cán bộ, chiến sĩ ở Sinh Tồn Đông đã mang đất từ đất liền ra để tăng gia sản xuất. Bộ đội trên đảo tận dụng những nơi khuất gió, hoặc dùng các tấm tôn nhựa quây thành nhà kính để trồng rau và làm giàn bầu, bí, mướp... ở phía trên. Nước tưới rau tận dụng từ nước vo gạo, nước tắm, rửa rau, rửa mặt..., nhờ đó, đảo nhỏ đã có đủ rau xanh ăn hằng ngày cho bộ đội. Ngoài ra, nuôi gà, vịt, heo và đánh bắt hải sản cũng đã góp phần cải thiện thực phẩm cho bộ đội trên đảo. Không chỉ dừng lại ở rau xanh, vườn hoa, cây cảnh ở Sinh Tồn Đông cũng là điều rất đáng ngưỡng mộ trước bàn tay chăm sóc tài tình của người lính biển. Các loại hoa lan được nhân dân Lâm Đồng gửi tặng đã khoe sắc cùng gió biển. Những cây quất miền Bắc cũng xanh phơi phới trong nắng gió Sinh Tồn Đông, rồi hoa giấy, hoa sứ hay hoa súng... cũng thi nhau đâm chồi, nở hoa góp phần làm giảm sự “ngột ngạt” của nắng gió biển Đông.

Bên cạnh đó, hoạt động trồng cây gây rừng của đảo được đẩy mạnh với các loại cây như phong ba, tra, phi lao, bàng vuông... được thực hiện thường xuyên. Chính nhờ sự cố gắng không mệt mỏi của cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã vượt lên trên mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt làm cho Sinh Tồn Đông thắm mãi màu xanh giữa trùng khơi.

Những tình cảm nối liền đảo xa

Thời gian lưu lại Sinh Tồn Đông không nhiều nhưng sự có mặt của đoàn công tác, đội ngũ phóng viên báo chí trong cả nước đã góp phần nối liền tình cảm, sự quan tâm của cán bộ, nhân dân nơi đất liền luôn hướng về đảo xa. Đặc biệt, những món quà của các cơ quan, tổ chức, cá nhân từ thực phẩm, áo ấm, cây xanh, dụng cụ tập luyện thể thao, những lá thư của học sinh trên mọi miền đất nước... đến những lá cờ Tổ quốc trao tận tay, tạo thêm niềm phấn chấn cho cán bộ, chiến sĩ ngoài đảo.

Chia tay Sinh Tồn Đông, ngoài những cái ôm từ biệt thật chặt, những món quà của đảo nhỏ như vỏ ốc, nhánh san hô, quả bàng vuông hay những cây bàng vuông non được cán bộ, chiến sĩ tặng đoàn công tác càng thêm trân quý tấm lòng người lính biển. Đặc biệt, thời gian cuối buổi càng trở nên gấp gáp khi Ban chỉ huy đảo ký tặng đoàn công tác những lá cờ Tổ quốc từng tung bay trong nắng và gió biển Trường Sa. Món quà của các anh từ Sinh Tồn Đông như lời khẳng định với đất liền rằng, dù bất kỳ hoàn cảnh nào, những người lính trên đảo Sinh Tồn Đông vẫn chắc tay súng bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc để Sinh Tồn Đông mãi là lá chắn thép vững vàng giữa trùng khơi.

  • Từ khóa
111460

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu