Thứ 2, 20/05/2024 17:20:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 07:24, 21/02/2020 GMT+7

Tổ quốc nơi đầu sóng - Bài 3

Tấn Phong
Thứ 6, 21/02/2020 | 07:24:00 153 lượt xem
BPO - Trong số các đảo phía Bắc quần đảo Trường Sa thì Đá Nam là một trong những địa chỉ khó khăn nhất. Bởi đây là đảo chìm, nhỏ nằm giữa muôn trùng sóng vỗ. Nhìn từ xa, Đá Nam chỉ là 2 ngôi nhà nhỏ bé nổi lên giữa biển cả mênh mông. Khi biển động, những con sóng hung hãn tràn qua như muốn nuốt chửng 2 căn nhà xuống lòng đại dương. Thế nhưng, bằng ý chí và nghị lực phi thường của người lính biển, Đá Nam trở thành “lá chắn thép” nơi tiền tiêu của Tổ quốc để bảo vệ Trường Sa và điểm tựa vững chắc cho ngư dân ra khơi bám biển.

ÐÁ NAM - NIỀM KIÊU HÃNH GIỮA BIỂN KHƠI

Chúng tôi đặt chân lên Đá Nam trong một chiều đầu năm 2020. So với các đảo nổi, Đá Nam còn rất nhiều khó khăn nhưng bằng nghị lực và ý chí, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã xây dựng một cuộc sống mới. Đặc biệt, sự chung tay góp sức của cả nước đã làm cho Đá Nam trở thành niềm kiêu hãnh của Tổ quốc giữa muôn trùng sóng gió.

“Lá chắn thép”

Từ trên boong tàu kiểm ngư 490, phóng tầm mắt ra xa Đá Nam hiện dần ra như một con tàu hiên ngang giữa ngàn trùng sóng vỗ. Trong bản đồ hành chính nước ta, Đá Nam nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, nơi hội tụ của 2 dòng hải lưu nên khí hậu ở đây rất khắc nghiệt, thường xuyên đối mặt với gió to, sóng lớn. Mùa biển động diễn ra từ tháng 5 đến tháng 2 năm sau; riêng những tháng cuối năm, Đá Nam phải đối chọi với nhiều cơn bão biển hung dữ.

Đảo Đá Nam

Trước đây, Đá Nam là bãi cát, san hô chỉ nổi lên mặt biển khi thủy triều rút. Bộ đội trên đảo ở nhà chòi chật hẹp, nằm trơ trọi giữa biển khơi nên rất khó khăn. Năm 1995, nhân dân 3 tỉnh Bình - Trị - Thiên đã chung tay góp sức gửi về Đá Nam xây dựng một căn nhà cấp I. Đến năm 2019, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh xây tặng Đá Nam 1 nhà văn hóa với 4 tầng lầu đã cải thiện điều kiện sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Từ khi có nhà văn hóa, đảo được trang bị thêm trạm thu phát tín hiệu vệ tinh, tivi, phòng karaoke, phòng tập thể dục, thư viện, phòng truyền thống... Đặc biệt, từ khi có nhà văn hóa, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã tận dụng những khoảng không gian khuất gió và mang đất từ đất liền ra để trồng rau xanh. Ngoài ra, đảo còn mở rộng diện tích nuôi heo và đánh bắt hải sản cải thiện bữa ăn hằng ngày. Đời sống vật chất, sinh hoạt tinh thần được cải thiện, nhận thức về trách nhiệm của người lính trong bảo vệ chủ quyền và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Nam ngày một nâng cao. Do ở vị trí địa lý khá đặc biệt nên ngoài việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, cán bộ, chiến sĩ Đá Nam luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng chống thiên tai và công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Nhờ sự đoàn kết một lòng vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, những năm qua cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Nam đã được Lữ đoàn 146, Quân chủng Hải quân, UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ Quốc phòng tặng nhiều bằng khen, giấy khen và các danh hiệu cao quý khác. 

Tâm tình người lính đảo

Trung úy Hoàng Văn Cương (SN 1986, quê Lệ Thủy, Quảng Bình) nhập ngũ năm 2006 tại Vùng 3 Hải quân đóng tại Đà Nẵng. Tháng 5-2019, Trung úy Cương được điều động vào Vùng 4 Hải quân để ra công tác tại đảo Đá Nam. Tuy là lính hải quân nhưng đây là lần đầu tiên Trung úy Cương được ra đảo xa công tác. Ngày lên đường ra Đá Nam, một cảm xúc rất khó tả đã tràn ngập trong người chiến sĩ này. Khi đặt chân lên đảo, giữa bốn bề sóng biển, Trung úy Cương không khỏi ngỡ ngàng. Tuy nhiên chỉ sau thời gian ngắn, Trung úy Cương đã cảm thấy yêu quý hòn đảo nhỏ này. Trong câu chuyện, Trung úy Cương chia sẻ tâm tư của mình là muốn gắn bó lâu dài với Đá Nam, với đồng đội trên đảo để được cống hiến một phần sức lực cho sứ mệnh bảo vệ biển trời quê hương và chủ quyền của đất nước.

Công tác cứu nạn cứu hộ ngư dân trên biển là việc làm thường xuyên của cán bộ, chiến sĩ Đá Nam. Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đá Nam luôn sát cánh bên nhau, không quản ngại khó khăn, gian khổ chống chọi với sóng gió để phát huy truyền thống “Chiến đấu anh dũng, đoàn kết chủ động, khắc phục khó khăn, giữ vững chủ quyền” của Đoàn Trường Sa anh hùng.

Thượng úy Hoàng Văn Nhuận, Chính trị viên đảo Đá Nam

Rời xa chốn phồn hoa đô hội, chiến sĩ trẻ Trần Hoàng Thiện, quê Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh) ra làm nhiệm vụ tại đảo Đá Nam. Thiện chia sẻ: “Sau thời gian gắn bó với đồng đội, với đảo nhỏ và những ngư dân trên biển, em càng thấy mình phải có trách nhiệm với đất nước. Để làm được điều này, đòi hỏi bản thân phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đồng thời tăng cường sự đoàn kết gắn bó và yêu thương đồng đội. Em sẵn sàng ở lại đảo làm nhiệm vụ nếu được cấp trên tin tưởng giao trọng trách...”.

Thời gian trên đảo tuy không nhiều nhưng chúng tôi cũng kịp cảm nhận được những tình cảm, tâm tình của người lính biển. Không chỉ Trung úy Cương, chiến sĩ Thiện mà chúng tôi còn được nghe nhiều câu chuyện của cán bộ, chiến sĩ ở Đá Nam kể về đồng đội, về những phiên gác, những lần cứu giúp ngư dân gặp nạn, nỗi nhớ đất liền, gia đình và tâm sự về trách nhiệm của người lính đối với đất nước. Hầu hết, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trên Đá Nam đều rất trẻ nhưng qua những câu chuyện cho thấy bản lĩnh và ý chí của các anh đã được tôi luyện qua sóng gió Trường Sa. Và Đá Nam tuy nhỏ bé nhưng rất vững vàng, kiên trung giữa muôn trùng sóng gió.

Chia tay những chiến sĩ giữ đảo, dù biết khó khăn vẫn còn đó nhưng sự kiên trung và tư thế luôn sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ biển đảo quê hương, đất nước của các anh sẽ không bao giờ đổi thay...

Hậu phương luôn “tiếp lửa”

Thượng úy Hoàng Văn Nhuận, Chính trị viên đảo Đá Nam chia sẻ: Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân trong cả nước, đảo đã đón tiếp nhiều đoàn đại biểu dân chính Đảng ra thăm, động viên và tặng quà. Đây là động lực vô cùng to lớn để cán bộ, chiến sĩ trên đảo nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Hôm nay, tại Đá Nam, tôi đã trao hàng trăm lá thư và những phần quà của người dân Sơn La nói riêng và của câu lạc bộ cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Thay mặt tuổi trẻ Bắc Yên và câu lạc bộ, tôi khẳng định, đất liền luôn là hậu phương vững chắc và sẵn sàng “tiếp lửa” để cán bộ, chiến sĩ Trường Sa cũng như Đá Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Chị Hoàng Thị Huệ, Bí thư Huyện đoàn Bắc Yên (Sơn La), thành viên Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương

Chị Hoàng Thị Huệ, Bí thư Huyện đoàn Bắc Yên (Sơn La), thành viên Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương (Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) cho hay: Quê tôi ở vùng cao Tây Bắc, nơi mà người dân chỉ biết Trường Sa, Đá Nam qua báo chí, truyền hình nhưng luôn hướng về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vì vậy, khi câu lạc bộ phát động hướng về Trường Sa thân yêu thì người dân và tuổi trẻ Sơn La tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã dành nhiều tình cảm, quà tặng cho cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa. Đặc biệt, học sinh Sơn La đã có những bức thư thấm đẫm nghĩa tình gửi cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa.

Bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ngành, tỉnh, thành..., cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Nam cũng nhận được những phần quà nghĩa tình từ hậu phương như những gói trà Shan Tuyến từ Hà Giang, những chậu quất từ Bắc Giang, hạt điều Hà Mỵ của Bình Phước... Những món quà tuy nhỏ bé nhưng là nguồn động viên lớn, làm ấm lòng người chiến sĩ giữa biển đảo và chính những món quà nặng nghĩa tình này đã xóa nhòa khoảng cách giữa đất liền với nơi đầu sóng ngọn gió.

Rời Đá Nam trong buổi chiều lộng gió, sau những cái bắt tay thật chặt, chúng tôi lại tiếp tục hành trình đến với các đảo khác trong quần đảo Trường Sa. Trong sâu thẳm tâm hồn mình và từ cuộc sống, chiến đấu trên đảo nhỏ, chúng tôi thấy Đá Nam xứng đáng là bức tường thép, chỗ dựa vững chắc cho ngư dân, là niềm kiêu hãnh của đất nước giữa muôn trùng sóng gió.

  • Từ khóa
111457

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu