Thứ 2, 20/05/2024 19:26:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 09:36, 11/02/2020 GMT+7

Bảo tồn đa dạng sinh học quần thể Hòn Yến

Thanh Trà (tổng hợp)
Thứ 3, 11/02/2020 | 09:36:00 170 lượt xem
BPO - Quần thể Hòn Yến thuộc địa bàn thôn Nhơn Hội, xã An Hòa, huyện Tuy An, cách tỉnh Phú Yên khoảng 18km về phía Bắc là thắng cảnh cấp quốc gia. Quần thể gồm: Hòn Yến, Hòn Đụn, Bàn Than, Gành Yến, Hòn Choi, Vũng Choi tạo thành thắng cảnh tự nhiên bên bờ biển. Trong đó, Hòn Yến là điểm nhấn nổi bật, rất có giá trị tự nhiên từ địa chất đến hệ động - thực vật, đa dạng sinh học.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, quần thể Hòn Yến có nhiều rạn san hô đẹp và đa dạng, phong phú về chủng loại. Bờ biển ở đây còn giữ nét nguyên sơ với những cây bàng, phi lao, xương rồng mọc lên cùng nắng gió. Với vẻ tuyệt đẹp tạo hóa ban tặng, hằng năm Hòn Yến thu hút đông du khách từ mọi miền đến thưởng ngoạn. Quần thể còn kết nối các danh thắng và di tích lịch sử khác dọc tuyến đường ven biển Phú Yên như: Gành Đá Đĩa, Cù lao Mái Nhà, đảo Hòn Chùa, Bãi Xép, Bãi Môn - Mũi Điện và Vũng Rô, tạo thành tour du lịch biển hấp dẫn du khách.

Hòn Yến khi thủy triều xuống để lộ rạn san hô rất đẹp - Ảnh internet

Tuy nhiên, hiện danh thắng quốc gia Hòn Yến bị xâm hại, ô nhiễm. Các nhà khoa học đánh giá quần thể Hòn Yến có khoảng 180 loài san hô. Song, chúng đã và đang bị hủy hoại do nhiều yếu tố, cả tự nhiên lẫn con người. Trong đó, các rạn san hô tại khu vực Hòn Yến đang trong tình trạng bị tác động nghiêm trọng nhất. Trước thực trạng này, tỉnh Phú Yên vừa phê duyệt Đề án Bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường quần thể Hòn Yến đến năm 2025, tầm nhìn 2035. Theo đó, quần thể Hòn Yến được xác định khu vực bảo vệ I có diện tích 100.275m2, khu vực bảo vệ II có diện tích 246.270,35m2. Trước khi phê duyệt đề án, UBND tỉnh Phú Yên đã mời các chuyên gia thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tổ chức khảo sát, đánh giá tình hình thực tế về đa dạng sinh học, quần thể san hô tại Hòn Yến và một số khu vực khác. Theo Đề án Bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường quần thể Hòn Yến đến năm 2025, tầm nhìn 2035, việc bảo vệ, bảo tồn quần thể Hòn Yến được tiến hành trên nguyên tắc phát triển bền vững, quản lý tổng hợp và liên ngành, kết hợp giữa quản lý nhà nước với nâng cao ý thức, trách nhiệm và sự tham gia của cộng đồng. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm phối hợp, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ngành, đoàn thể liên quan, UBND huyện Tuy An tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nhằm chặn đứng mức độ gia tăng ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; hướng đến khai thác sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên; bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan quần thể Hòn Yến phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội huyện Tuy An nói riêng, tỉnh Phú Yên nói chung.

Đề án tập trung vào 5 nhóm mục tiêu, gồm: Hoàn thành điều tra, thống kê, đánh giá toàn diện về đa dạng sinh học quần thể Hòn Yến, làm cơ sở cho công tác quản lý và thành lập khu bảo tồn; tăng cường năng lực, thể chế, chính sách; phòng ngừa, kiểm soát khắc phục tình trạng ô nhiễm khu vực quần thể Hòn Yến; bảo tồn đa dạng sinh học khu vực quần thể Hòn Yến; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm và thu hút sự quan tâm của cộng đồng về bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường quần thể Hòn Yến.

Theo các chuyên gia, nhiệm vụ bảo vệ rạn san hô, đa dạng sinh học tại quần thể danh thắng quốc gia Hòn Yến là vô cùng cấp bách nhằm bảo tồn phục hồi, bảo tồn nguồn gen và bảo tồn gắn với phát huy giá trị, đầu tư phát triển du lịch.

  • Từ khóa
111454

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu