Thứ 5, 09/05/2024 23:12:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 14:02, 17/12/2019 GMT+7

Vùng tiếp giáp lãnh hải

Thanh Trà (tổng hợp)
Thứ 3, 17/12/2019 | 14:02:00 1,986 lượt xem
BP - Vùng tiếp giáp lãnh hải là một trong 7 vùng biển được quy định quy chế pháp lý trong Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), gồm: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, vùng và biển cả.

Trước khi có UNCLOS, theo Công ước Geneva về lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải năm 1958 (CTS), vùng tiếp giáp lãnh hải là một phần của biển cả và không được vượt quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở. Đến hội nghị UNCLOS III, các quốc gia đồng ý lãnh hải rộng 12 hải lý và xác lập thêm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), do đó đẩy biển cả ra xa khỏi đường cơ sở tối đa 200 hải lý. Điều này dẫn đến quy định vùng tiếp giáp lãnh hải rộng không quá 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải tại Điều 33 UNCLOS. Tuy nhiên, có điểm đáng lưu ý là về bản chất pháp lý, vùng tiếp giáp lãnh hải theo quy định tại Công ước Geneva là một phần của biển cả; còn vùng tiếp giáp lãnh hải theo quy định tại UNCLOS trong vùng đặc quyền kinh tế, không phải là một vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia và cũng không phải là vùng biển có quy chế tự do biển cả. Theo đó, vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển có phạm vi chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Công ước Geneva về lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải năm 1958 (CTS) tại Điều 24 quy định quốc gia ven biển có quyền tiến hành các hoạt động kiểm soát cần thiết tại vùng tiếp giáp lãnh hải nhằm: (i) Ngăn ngừa những vi phạm đối với các luật và quy định về hải quan, thuế khóa, y tế hay nhập cư trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình; (ii) Trừng trị những vi phạm đối với các luật và quy định nói trên xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải của mình.

Biên đội tàu Cảnh sát biển Việt Nam tuần tra, thực thi pháp luật trên biển - Ảnh tư liệu

UNCLOS chỉ có 3 điều quy định thực chất đến quy chế của vùng tiếp giáp lãnh hải là điều 33, 111 và 303. Tại Điều 33 UNCLOS cũng quy định các nội dung như tại Điều 24 Công ước Geneva về lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải năm 1958 (CTS) đối với vùng tiếp giáp lãnh hải. Tuy nhiên, UNCLOS đã mở rộng thêm quyền của quốc gia ven biển đối với các hiện vật có tính lịch sử và khảo cổ trong vùng tiếp giáp lãnh hải (Điều 303). Theo đó, UNCLOS quy định mọi sự trục vớt các hiện vật này từ đáy biển thuộc vùng tiếp giáp lãnh hải mà không được phép của quốc gia ven biển đều được coi là vi phạm xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải của quốc gia đó.

Theo quy định của UNCLOS, quốc gia ven biển có thẩm quyền ngăn chặn và trừng phạt hành vi vi phạm pháp luật quốc gia trong lãnh thổ hay lãnh hải của mình đối với 4 lĩnh vực là hải quan, thuế khóa, y tế, nhập cư. Thẩm quyền này giới hạn về lĩnh vực, phạm vi lãnh thổ và các biện pháp ngăn chặn hay trừng phạt chỉ có thể thực hiện nếu vi phạm đã xảy ra hay chuẩn bị xảy ra trong lãnh thổ hay lãnh hải của quốc gia ven biển. Điều này cho thấy mục đích của việc xác lập vùng tiếp giáp lãnh hải khác hẳn với lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế. Quy định về vùng tiếp giáp lãnh hải nhằm mục đích tăng cường phạm vi hoạt động của lực lượng thực thi pháp luật quốc gia ven biển.

Theo quy định tại Điều 111 UNCLOS, quốc gia ven biển có thể truy đuổi tàu thuyền vi phạm trong các lĩnh vực trên vượt xa hơn hẳn phạm vi vùng tiếp giáp lãnh hải, với điều kiện việc truy đuổi bắt đầu xa nhất là trong vùng tiếp giáp lãnh hải. Quyền truy đuổi này chỉ áp dụng khi quốc gia ven biển có cơ sở hợp lý để tin rằng rằng tàu đã vi phạm pháp luật và quy định của quốc gia đó.

Điều 303 UNCLOS quy định, việc trục vớt các hiện vật khảo cổ và lịch sử khỏi đáy biển trong vùng tiếp giáp lãnh hải mà không có sự chấp thuận của quốc gia ven biển sẽ được giả định dẫn đến vi phạm các quy định trong các lĩnh vực nêu tại Điều 33 UNCLOS trong lãnh thổ hay lãnh hải của quốc gia ven biển. Như vậy, UNCLOS trao cho quốc gia ven biển quyền đối với việc trục vớt các hiện vật khảo cổ và lịch sử để bảo vệ các cổ vật này trước việc trục vớt và mua bán không phù hợp.

Đối với Việt Nam, trong tuyên bố ngày 12-5-1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nêu rõ: Vùng tiếp giáp lãnh hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là vùng biển tiếp liền phía ngoài lãnh hải Việt Nam có chiều rộng 12 hải lý hợp với lãnh hải Việt Nam thành vùng biển rộng 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Chính phủ Việt Nam thực hiện sự kiểm soát cần thiết trong vùng tiếp giáp lãnh hải của mình, nhằm bảo vệ an ninh, bảo vệ các quyền lợi về hải quan, thuế khóa, bảo đảm sự tôn trọng các quy định về y tế, về di cư, nhập cư trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam. Tuyên bố của Chính phủ nước ta về vùng tiếp giáp lãnh hải năm 1977 và tiếp tục được khẳng định, cụ thể hóa trong Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật Biển Việt Nam năm 2012 là hoàn toàn phù hợp các quy định của UNCLOS về vùng tiếp giáp lãnh hải.

  • Từ khóa
111438

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu