Thứ 5, 09/05/2024 15:28:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 14:41, 26/11/2019 GMT+7

Cột mốc trên biển Đông

Thứ 3, 26/11/2019 | 14:41:00 1,293 lượt xem
BP - Đó là đảo Hòn Hải thuộc huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận). Đảo được ghi tên trên hải đồ quốc tế là Poulo Sapate, cách đảo Phú Quý 60km về phía Đông Nam, là điểm A6 trên đường cơ sở để tính lãnh hải Việt Nam, điểm xa nhất của đường viền nội thủy nước ta ở vùng Nam biển Đông.

Hòn Hải có hình dạng độc đáo như một chiếc hài (còn gọi là Hòn Hài) với chiều dài khoảng 130m, bề ngang chỗ rộng nhất khoảng 60m, điểm cao nhất 113m tính từ mặt biển. Vách đảo dựng đứng, liên kết đá bị thiên nhiên tác động nên nơi đây thường xuyên có đá rơi, đá lở. Xung quanh đảo chủ yếu là vách hụt và đá ngầm tạo ra loại sóng chồm, sóng nhảy, liên tục xô đập vào bờ. Cả năm chỉ 3 tháng thuận lợi (tháng 4 đến tháng 7) để tàu ra đảo.

Hòn Hải không chỉ là điểm xa nhất của đường viền nội thủy ở vùng Nam biển Đông, mà còn mang ý nghĩa chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam

Tuy gọi là đảo nhưng Hòn Hải chỉ là một khối đá khổng lồ nằm giữa biển khơi, không có người dân ở tập trung như những đảo khác. Ngư dân khi ra đánh cá mùa biển lặng cũng chỉ ngước nhìn khối đá khổng lồ giữa biển, không có nước ngọt, cây cối và kể với nhau về “hòn đá khổng lồ” là nơi sinh sống của các loài chim biển... Năm 1999, Bộ Quốc phòng giao Bộ Tư lệnh Công binh khảo sát và xây dựng hạ tầng trên đảo Hòn Hải. Đoàn công tác của Công binh, Đoàn đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển (Quân chủng Hải quân) ra Hòn Hải phải bơi vào đảo và căng bạt, làm lán trại để thực hiện nhiệm vụ. Gần 5 năm, những người lính công binh đã hoàn thành căn nhà kiên cố dưới chân đảo, bến cập tàu rộng và nhất là đường hầm lên đảo. Ban đầu, công binh định làm đường chạy thẳng lên đảo, tuy nhiên do vách núi dựng đứng nên phải chuyển sang phương án đào hầm. Ròng rã khoan đá, ăn ngủ trong lòng núi với những phương pháp thi công “độc nhất vô nhị”, đường hầm dài 170m đã hoàn thành và tiếp tục được gia cố bằng bê tông cốt thép có mái vòm chống đá rơi. Ngay sau đó, từng xẻng cát, viên gạch, bao xi măng, can nước ngọt cũng được gùi cõng trên lưng bộ đội lên xây dựng con đường bê tông trên mặt đảo dài 107m và các công trình phục vụ ngọn hải đăng có kết cấu bền vững, cao vút...

Cuối năm 2004, trạm hải đăng Hòn Hải được chuyển giao Công ty bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung Bộ (Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải) quản lý, vận hành với tháp đèn cao 10,4m, tầm nhìn sáng 20-27 hải lý trên biển. Mỗi ca trực trạm thường 5 người trong 3 tháng. Để lên ngọn hải đăng Hòn Hải phải đi qua hầm xuyên trong lòng núi đá cả ngàn bậc tam cấp. Trong hầm có 2 ngách đâm ngang. Một ngách là nơi cửa dùng để tiếp tế hàng vào mùa biển động. Một ngách là hầm trú ẩn khi sóng gió quật lên nhà ở, nơi làm việc của “người gác đèn”. Đến nay, các công nhân hải đăng làm việc, sinh hoạt trên đảo với thời hạn từ 6 tháng đến 1 năm. Mọi lương thực thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt cho cán bộ, công nhân đều phải chuyển ra từ đất liền theo các tàu tiếp tế hậu cần.

Bên cạnh ý nghĩa quan trọng về vị trí địa lý, lãnh thổ, lãnh hải, Hòn Hải còn là vùng đất lành với hàng chục ngàn con chim về sinh sống. Do bề mặt đảo là đá nên hấp thụ nhiệt và giữ nhiệt tốt. Đây là môi trường thuận lợi cho các loài chim đẻ trứng không ấp như nhạn biển. Hằng năm cứ tầm tháng 6 và 7, chim nhạn kéo về đảo đông nghẹt kêu vang một góc trời...

Vào những ngày biển lặng trời êm, Hòn Hải hiện lên sừng sững giữa đất trời, biển khơi. Đây không chỉ là điểm xa nhất của đường viền nội thủy của nước ta ở vùng Nam biển Đông mà còn mang ý nghĩa chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam. Với những điểm nhấn đặc biệt, đảo Hòn Hải đang được đề cử kỷ lục: Cột mốc lãnh thổ xa nhất của đường viền nội thủy Việt Nam.

Thanh Trà (tổng hợp)

  • Từ khóa
111435

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu