Thứ 5, 09/05/2024 12:03:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 17:42, 08/10/2019 GMT+7

Vị thế, tiềm năng các đảo ven bờ

Thứ 3, 08/10/2019 | 17:42:00 1,242 lượt xem
BP - Vùng biển nước ta có hơn 3.000 hòn đảo và 2 quần đảo lớn là Hoàng Sa, Trường Sa, với khoảng 1.000 bãi đá ngầm. Đảo của Việt Nam chia thành hệ thống các đảo ven bờ và đảo xa bờ. Hệ thống đảo ven bờ gồm 2.773 hòn đảo lớn nhỏ, với diện tích 1.720km2, có tiềm năng rất lớn về phát triển kinh tế, xã hội, du lịch và quốc phòng, an ninh. Để đặt tên gọi các đảo biển ven bờ, nhân dân ta đã có ít nhất 5 từ khác nhau, tùy theo vị trí phân bố, diện tích, hình thái của chúng, đó là: Hòn, đảo, cồn, cù lao và đá.

VỊ THẾ CỦA ĐẢO VEN BỜ

Do điều kiện tự nhiên, cấu tạo địa chất, địa hình và cảnh quan nên mỗi hòn đảo ven bờ biển có những nét riêng, nhưng có chung một điểm là nơi lý tưởng để phát triển kinh tế - sinh thái và du lịch. Hầu hết đảo ven bờ đều có khí hậu mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông nhờ sự điều hòa nhiệt của nước biển. Hệ thống đảo ven bờ biển nước ta có vị trí đặc biệt quan trọng, là cơ sở pháp lý về mặt lãnh thổ để xác định chủ quyền vùng biển và thềm lục địa, làm cơ sở để giải quyết tranh chấp ở các vùng chồng lấn. Ngoài ra, đảo ven bờ là những tiền đồn, điểm chốt cố định vững chắc, khống chế hầu hết vùng biển quan trọng, tạo thành bức tường kiểm soát các tuyến giao thông biển; là những nơi triển khai, bố trí lực lượng quốc phòng rất thuận lợi để bảo vệ an ninh vùng biển Tổ quốc.

Đảo Hòn Bà của biển Vũng Tàu tuy là đảo nhỏ nhưng có nhiều di tích lịch sửĐảo Hòn Bà của biển Vũng Tàu tuy là đảo nhỏ nhưng có nhiều di tích lịch sử

Hệ thống các đảo ven bờ có vị trí chiến lược rất quan trọng, đặc biệt là các đảo, cụm đảo thuộc tuyến đảo tiền tiêu, biên giới. Từ các đảo, cụm đảo này, chúng ta có thể đặt trạm ra đa kiểm soát hoạt động ra vào, đi lại của tàu thuyền, cũng như xây dựng các trạm trung chuyển, dừng chân cho tàu bè lưu thông trên biển. Ngoài ra, hệ thống các đảo, cụm đảo ven bờ còn là nơi để bố trí mạng lưới phòng thủ, bảo vệ, kiểm soát vùng biển, vùng trời trên biển quốc gia. Với đường bờ biển dài trên 3.260km, diện tích biển lớn gấp nhiều lần diện tích đất liền, do đó các đảo, quần đảo được ví như mặt tiền, cửa ngõ của quốc gia từ biển Đông hướng vào đất liền, tạo thành chiến lũy với nhiều tầng, nhiều lớp. Chúng được phân bố, sắp xếp thành các tuyến biển, đảo phòng thủ liên hoàn, vững chắc, bảo vệ quốc gia từ phía biển.

TIỀM NĂNG KINH TẾ, XÃ HỘI

Khí hậu vùng biển nước ta luôn ôn hòa, thuận lợi cho việc tắm biển và nghỉ dưỡng quanh năm tại các đảo và quần đảo ven bờ (riêng các tỉnh phía Bắc do có mùa đông lạnh nên chủ yếu hoạt động diễn ra trong các tháng mùa hè). Đó là tài nguyên du lịch và là một trong những tiềm năng riêng biệt của hệ thống đảo ven bờ biển. Cùng với đó, các vùng ven biển còn được thừa hưởng những di tích lịch sử văn hóa phong phú, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, thể thao. Biển bao quanh các hòn đảo không khí trong lành, bãi cát trắng mịn cùng hệ sinh thái san hô là nguồn tài nguyên du lịch sinh thái biển của các địa phương. Đây là nơi có môi trường trong lành nhất, là thiên đường của những ai muốn tránh xa cuộc sống ồn ào và ô nhiễm của đô thị. Một số đảo có điều kiện tự nhiên thích hợp nghỉ ngơi, dưỡng bệnh, phục hồi sức khỏe nhờ không khí mát mẻ như Cát Bà, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý... Bãi biển của hầu hết các đảo ven bờ đều đẹp nổi tiếng, thuận lợi cho du lịch nghỉ dưỡng và tắm biển. Cảnh quan nhiều vịnh của Việt Nam rất nổi tiếng, trong đó vịnh Hạ Long 2 lần được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Vịnh biển Nha Trang được công nhận là một trong 29 vịnh biển đẹp nhất của câu lạc bộ các vịnh biển đẹp nhất thế giới. Hệ thống đảo và quần đảo trên biển đã tạo thành một bộ phận thống nhất của lãnh thổ Việt Nam, có vai trò quan trọng trong thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, đất nước ta đang đứng trước những thách thức gay gắt về bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo; về khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; về tình trạng ô nhiễm môi trường biển... Vì vậy, việc bảo vệ an ninh biển, đảo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta thể hiện rõ quan điểm phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ biển, đảo; chủ trương gắn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Quan điểm đó đã thể hiện rõ trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đức Hồng

  • Từ khóa
111429

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu