Thứ 5, 09/05/2024 22:24:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 14:17, 24/09/2019 GMT+7

Bảo vệ vững chắc biên giới biển

Thứ 3, 24/09/2019 | 14:17:00 667 lượt xem
BP - Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có diện tích biển trên 1 triệu kilômét vuông, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích biển Đông. Vùng biển nước ta có khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa, Trường Sa. Các đảo được phân bố khá đều theo chiều dài bờ biển và có vị trí đặc biệt quan trọng như một tuyến phòng thủ tiền tiêu để bảo vệ sườn phía Đông đất nước. Một số đảo ven bờ còn có vị trí quan trọng được sử dụng làm các điểm mốc quốc gia trên biển để thiết lập đường cơ sở ven bờ lục địa và biên giới biển Việt Nam.

BIÊN GIỚI BIỂN

Biên giới quốc gia được tạo thành từ 4 bộ phận gồm: Biên giới quốc gia trên đất liền, biên giới quốc gia trên biển, biên giới quốc gia trong lòng đất và biên giới quốc gia trên không. Cách xác định biên giới quốc gia trên biển nước ta là một trong những nội dung trọng tâm được quy định tại Khoản 3, Điều 5, Luật Biên giới Quốc gia 2003 và được hướng dẫn cụ thể tại Điều 5, Nghị định số 140/2004/NĐ-CP ngày 25-6-2004 của Chính phủ.

Theo đó, biên giới quốc gia trên biển được hoạch định và đánh dấu bằng các tọa độ trên hải đồ là ranh giới phía ngoài lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, lãnh hải các quần đảo của Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan. Các đường ranh giới phía ngoài vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa xác định quyền chủ quyền, quyền tài phán của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các điều ước quốc tế giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan. Biên giới quốc gia trong lòng đất là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển xuống lòng đất. Ranh giới trong lòng đất thuộc vùng biển là mặt thẳng đứng từ các đường ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa xuống lòng đất xác định quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan.

Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cắm mốc khu vực biên giới biển tại Cỏ Ống, huyện Côn ĐảoBộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cắm mốc khu vực biên giới biển tại Cỏ Ống, huyện Côn Đảo

Ngày 3-9-2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2015/NĐ-CP về “Quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Theo nghị định này, khu vực biên giới biển nước ta tính từ biên giới quốc gia trên biển vào hết địa giới hành chính xã, phường, thị trấn giáp biển và đảo, quần đảo. Việc quy định “Khu vực biên giới biển” nhằm quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong xây dựng, quản lý, bảo vệ khu vực biên giới biển của Việt Nam. Theo Nghị định số 71/2015/NĐ-CP, tất cả 28 tỉnh, thành phố giáp biển của Việt Nam đều có biên giới biển, gồm 675 xã, phường, thị trấn của 136 huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

BẢO VỆ BIêN GIỚI BIỂN

Bảo vệ và gìn giữ biên giới quốc gia nói chung và biên giới biển nói riêng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt. Theo Thông tư số 162/2016/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định thực hiện một số điều của Nghị định số 71/2015/NĐ-CP, bộ đội biên phòng chủ trì, phối hợp các địa phương liên quan khảo sát, xác định phạm vi, vị trí cắm biển báo trong khu vực biên giới biển, khu vực cửa khẩu cảng biển phù hợp với địa giới hành chính từng địa bàn. Bộ đội biên phòng được giao nhiệm vụ chuyên trách quản lý, kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh tại 246 cửa khẩu và cảng biển Việt Nam. Trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, thời gian qua, các đơn vị biên phòng phối hợp lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng tổ chức tuần tra song phương; thường xuyên bảo vệ biên giới vùng biển, đảo; phát hiện, xử lý hàng chục ngàn lượt tàu thuyền nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam. Bộ đội biên phòng ven biển phối hợp chính quyền địa phương và lực lượng liên quan huy động các phương tiện, nhân lực tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biên giới biển. Bộ đội biên phòng còn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật xảy ra ở khu vực cảng biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đồng thời quản lý chặt chẽ người, phương tiện xuất, nhập cảnh, hàng hóa nhập khẩu từ đường biển.

Biên giới biển, đảo, chủ quyền quốc gia không chỉ có vai trò là phên giậu, cửa ngõ của Tổ quốc mà còn là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có ý nghĩa to lớn trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Hiện nay, nước ta đang đứng trước những thách thức về bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo; về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và tình trạng ô nhiễm môi trường biển... Vì vậy, bảo vệ an ninh biển, đảo, giữ vững biên giới biển, ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, quân đội và toàn dân ta. 

Đức Hồng

  • Từ khóa
111427

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu