Thứ 5, 09/05/2024 12:58:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 09:42, 16/07/2019 GMT+7

Vai trò của cảng biển Đông Nam bộ

Thứ 3, 16/07/2019 | 09:42:00 2,230 lượt xem
BP - Cảng biển đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia và địa phương. Đối với cảng biển quốc tế, lợi ích mang lại còn có tác động đến các nước trong khu vực và trên thế giới. Hệ thống cảng biển quyết định hoạt động giao thương hàng hải và sự vươn ra toàn cầu của mỗi quốc gia có biển. Việt Nam có 3.260km bờ biển, là lợi thế lớn để phát triển hệ thống cảng biển, trong đó cảng khu vực Đông Nam bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi đây là cửa ngõ xuất, nhập hàng lớn nhất cả nước.

CẢNG BIỂN Ở ĐÔNG NAM BỘ

Bờ biển Đông Nam bộ thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh. Ven biển khu vực này có nhiều bãi tắm rất đẹp, là khu nghỉ dưỡng, du lịch nổi tiếng thuộc thành phố Vũng Tàu. Vùng biển Đông Nam bộ ngư trường rộng, hải sản phong phú, có tiềm năng lớn trong phát triển ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là vùng biển gần tuyến đường biển quốc tế, thềm lục địa nông nhưng khá rộng, giàu tiềm năng về dầu khí. Nhóm cảng biển ở Đông Nam bộ có vai trò quan trọng hàng đầu trong 6 nhóm cảng trên phạm vi cả nước. Hằng năm, cảng biển ở đây đảm nhận khoảng 45% tổng khối lượng hàng hóa và trên 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam. Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải chính thức hoạt động từ năm 2009. Đây là cụm cảng nước sâu duy nhất ở Việt Nam có thể đón được tàu hàng trên 100.000 tấn và trở thành một trong 19 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận tàu siêu trọng. Theo thống kê, nguồn thu nộp về ngân sách Trung ương của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải từ năm 2009-2017 là 79.000 tỷ đồng. Những con số cho thấy, hiệu quả hoạt động của cụm cảng này có ý nghĩa quyết định tới toàn bộ hệ thống cảng biển Việt Nam. Cảng Sài Gòn là cảng biển có sản lượng và năng suất xếp dỡ hàng đầu của quốc gia. Nơi đây đóng vai trò là cửa ngõ trong hoạt động xuất nhập khẩu của cả khu vực miền Nam, bao gồm cả Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Cảng gồm các khu bến cảng tổng hợp và cảng container như cảng Hiệp Phước trên sông Soài Rạp, cảng Cát Lái trên sông Đồng Nai... Cảng Vũng Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là một cụm cảng biển tổng hợp cấp quốc gia, đầu mối quốc tế của Việt Nam. Cảng Sài Gòn và Vũng Tàu là 2 trong 10 cảng biển lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Một góc cảng biển Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) - Ảnh tư liệu

QUY HOẠCH CẢNG KHU VỰC

Với vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thông qua hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội khu vực phía Nam và cả nước, thời gian qua cảng biển khu vực Đông Nam bộ được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương quan tâm đầu tư phát triển cả về kết cấu hạ tầng cảng biển, hạ tầng giao thông kết nối và các công trình phụ trợ. Tuy vậy, trong quá trình hoạt động khai thác, nhóm cảng biển Đông Nam bộ đã bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là tình trạng mất cân đối cung, cầu giữa các cảng. Vai trò cửa ngõ quốc tế của các cảng khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu khai thác chưa đạt kết quả như mong muốn. Từ thực tế đó, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt quy hoạch chi tiết Đề án nhóm cảng biển Đông Nam bộ (nhóm 5) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 bao gồm TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và các cảng bến trên sông Soài Rạp, Long An. Theo quy hoạch chi tiết, Bộ Giao thông vận tải xác định, nhóm cảng biển Đông Nam bộ có 4 cảng biển, gồm cảng TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vũng Tàu (bao gồm Côn Đảo) và cảng Bình Dương. Một trong những mục tiêu của đề án là nhằm điều chỉnh, cân đối cung - cầu hàng hóa và bến cảng để nâng cao hiệu quả khai thác những bến cảng đã được đầu tư. Từ đó, thu hút hàng hóa trung chuyển về các bến cảng nhằm tận dụng khả năng tiếp nhận tàu lớn để thực hiện dịch vụ trung chuyển quốc tế. Giải pháp quan trọng của đề án là khuyến khích tập trung hàng hóa từ khu vực TP. Hồ Chí Minh sang khu vực cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Trong những năm gần đây, Nhà nước đã tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới nhiều cảng biển quy mô quốc gia và quốc tế trên phạm vi cả nước, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế biển. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ rõ: “Quy hoạch, xây dựng, tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển quốc tế, cảng chuyên dùng gắn với các dịch vụ hỗ trợ; xây dựng hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế”. Đây là những định hướng mà nghị quyết của Đảng chỉ rõ để Chính phủ, các cấp, ngành triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Đức Hồng

  • Từ khóa
111412

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu