Thứ 5, 09/05/2024 20:21:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 06:16, 02/07/2019 GMT+7

Ngư dân không đánh bắt ở vùng biển nước ngoài

Thứ 3, 02/07/2019 | 06:16:00 277 lượt xem
BP - Trong những năm qua, tình trạng ngư dân nước ta đánh bắt cá trên các vùng biển nước ngoài diễn ra khá phức tạp. Việc thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) nhằm gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) vẫn còn nhiều khó khăn. Ngày 21-6-2019, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo 28 tỉnh, thành phố ven biển nhằm tiếp tục triển khai các biện pháp ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp trên các vùng biển nước ngoài.

TỪ NHỮNG CON SỐ...

Ngay sau khi bị “thẻ vàng” của EC, công tác tuyên truyền đến ngư dân của các cấp, ngành và các địa phương đã được triển khai đồng bộ. Cùng với đó là những biện pháp mạnh thực thi luật pháp trên biển cũng được các ngành chức năng triển khai. Tuy vậy, tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài vẫn có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, trong năm 2018, các tỉnh, thành phố ven biển ghi nhận đã xảy ra 85 vụ, gồm 137 tàu, với 1.162 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài; so với năm 2017 tăng 28 vụ, với 46 tàu và 379 ngư dân vi phạm. Trong 5 tháng đầu năm 2019, tình trạng ngư dân vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp và đã xảy ra 41 vụ, với 69 tàu và 271 ngư dân. Các tỉnh có nhiều tàu cá vi phạm gồm: Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Cà Mau, Bình Định, Bình Thuận... Trong các vụ vi phạm có một số tàu cá sử dụng biển số giả để khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản trên biểnTàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản trên biển

Tàu cá Việt Nam khai thác, đánh bắt trái phép trên các vùng biển nước ngoài cho dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì việc vi phạm đều để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng. Khi bị nước ngoài bắt không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho ngư dân mà còn ảnh hưởng xấu tới hình ảnh Việt Nam đối với các nước trong khu vực và quốc tế, tác động nghiêm trọng đến việc xuất khẩu thủy sản của đất nước. Do đó, ngăn chặn tình trạng đánh bắt hải sản trái phép của ngư dân trên vùng biển nước ngoài là vấn đề cấp thiết, đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều ngành, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

ĐẾN BIỆN PHÁP QUYẾT LIỆT

Tại hội nghị vừa qua, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo 28 tỉnh, thành phố ven biển cần xác định nhiệm vụ chống khai thác IUU là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu hiện nay. Nếu không gỡ được “thẻ vàng”, hoặc bị nâng lên “thẻ đỏ” sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thủy sản và đời sống nhân dân. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì, chịu trách nhiệm về việc ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Các địa phương kiểm soát chặt chẽ tàu khi xuất, nhập bến; phối hợp tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển, kiên quyết xử lý các tàu cá có hành vi vi phạm. Bộ Công an tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài. Phát hiện, ngăn chặn ngư dân sử dụng biển số giả, tự ý sơn tàu cá giống tàu cá nước sở tại để đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Bộ Ngoại giao chủ động trong công tác bảo hộ ngư dân, kiên quyết đấu tranh với các nước sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực khi bắt giữ tàu và ngư dân Việt Nam; xử lý việc bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân Việt Nam trên vùng biển Việt Nam, vùng biển chưa phân định, chồng lấn.

Đối với UBND 28 tỉnh, thành ven biển tiếp tục triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để khắc phục các khuyến nghị của EC tại địa phương; ngăn chặn tàu cá ngư dân của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài. Ngành chức năng của tỉnh xác định, cập nhật thường xuyên danh sách tàu cá được xác định là có khả năng tham gia vào hoạt động khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài để kiểm soát chặt chẽ nhóm tàu này. Yêu cầu ngư dân thực hiện việc ghi nhật ký khai thác thủy sản theo quy định pháp luật. Xử lý nghiêm đối với tàu cá đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng không mở máy khi hoạt động khai thác thủy sản. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Chính phủ nếu không ngăn chặn được tình trạng ngư dân địa phương vi phạm khai thác hải sản trái phép trên các vùng biển nước ngoài.

Ngư dân là lực lượng mưu sinh, ngày đêm bám biển làm ăn và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Thời gian qua, các lực lượng chức năng như cảnh sát biển, kiểm ngư, bộ đội biên phòng đã tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, vận động bà con chấp hành các quy định pháp luật, không xâm phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản. Nếu tàu cá ngư dân khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài sẽ bị tước giấy phép vĩnh viễn và có thể sẽ bị xử lý hình sự. Khi xuất bến, tàu phải bật thiết bị 24/24 giờ kết nối với trạm bờ của cơ quan chức năng để theo dõi... Ngư dân chấp hành nghiêm pháp luật là hành động thiết thực giúp các cơ quan chức năng nhanh chóng gỡ bỏ “thẻ vàng” của EC.

Đức Hồng

  • Từ khóa
111410

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu