Thứ 2, 20/05/2024 18:40:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 08:12, 09/04/2019 GMT+7

Điểm tựa của ngư dân trên biển

Thứ 3, 09/04/2019 | 08:12:00 125 lượt xem
BP - Lênh đênh trên sóng nước, ngư dân ít khi có những giờ phút thanh thản, chỉ khi tàu thuyền đầy ắp cá tôm, bình yên cập bến mới mang lại cho họ niềm vui. Những người đi biển hằng ngày luôn phải đối mặt với nhiều tai ương, bão tố và có thể bị tước đi sinh mạng bất kỳ lúc nào. Vì vậy, mỗi lần ra biển đối với ngư dân là một lần đặt cược tính mạng mình trên “đầu sóng ngọn gió”. Từ thực tế đó, những dịch vụ hậu cần ra đời nhằm làm điểm tựa cho bà con ngư dân trong quá trình hoạt động, đánh bắt trên biển, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

NHỮNG ĐỊA CHỈ TIN CẬY

Cách bờ gần 400km, ít ai biết rằng, giữa biển khơi bao la có những đơn vị làm nhiệm vụ hậu cần hỗ trợ tích cực ngư dân. Ngoài nhiệm vụ trực bảo vệ chủ quyền các vùng biển đảo được giao, cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn 129 Hải quân (nay trực thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn) còn đảm trách nhiệm vụ đặc biệt là phát triển kinh tế biển đảo gắn với quốc phòng, an ninh. Tháng 11-2016, Quân chủng Hải quân bàn giao cho Hải đoàn 129 tiếp nhận, vận hành Trung tâm Dịch vụ hậu cần - kỹ thuật đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa và 2 làng chài đảo Tốc Tan, Núi Le. Ngoài ra còn có âu tàu đảo Song Tử Tây do Hải đoàn 128 quản lý và đặc biệt là âu tàu đảo Đá Tây của Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá, Công ty TNHH MTV dịch vụ khai thác hải sản biển Đông, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... Đó là những địa chỉ tin cậy, hỗ trợ thiết thực và là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân trong những chuyến đi biển.

Toàn cảnh Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây - Ảnh tư liệu

Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây thành lập tháng 5-2005, hiện đã trở thành người đồng hành thân thuộc của ngư dân. Không chỉ cứu chữa tàu thuyền, trung tâm còn được bà con gọi là “siêu thị” giữa đại dương. Những mặt hàng thiết yếu như gạo, mì ăn liền, nước ngọt, dầu ăn... tại trung tâm bán cho ngư dân đều bằng giá ở đất liền. Cùng với đó, Đội dịch vụ hậu cần nghề cá tại âu tàu đảo Song Tử Tây cũng là đơn vị thực hiện dịch vụ cung ứng nhiên liệu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm; dịch vụ y tế, khai thác hải sản và cứu hộ, cứu nạn; dịch vụ sửa chữa tàu thuyền; dịch vụ thu mua và sơ chế hải sản, cung cấp vật tư nghề cá; dịch vụ khai thác âu tàu và nuôi trồng hải sản. Đến các địa chỉ này, tàu thuyền của ngư dân ta sẽ được cung ứng nhiên liệu, nước ngọt, chăm sóc y tế... theo giá quy định của Nhà nước như trong đất liền. Nếu gặp sự cố, tàu thuyền được sửa chữa miễn phí tiền công; được hỗ trợ về lương thực, thực phẩm và dịch vụ vận chuyển sản phẩm vào đất liền tiêu thụ theo giá thỏa thuận. Khi bão gió, tàu thuyền của ngư dân được hướng dẫn vào âu neo đậu tránh trú miễn phí và được cứu hộ, cứu nạn kịp thời.

HIỆU QUẢ DỊCH VỤ HẬU CẦN

Kể từ khi hoạt động đến nay, Trung tâm Dịch vụ hậu cần - kỹ thuật đảo Sinh Tồn và 2 làng chài tại đảo Núi Le, Tốc Tan đã tiếp nhận, hướng dẫn giúp đỡ hơn 2.200 lượt tàu cá của ngư dân các tỉnh ven biển tránh, trú, neo đậu. Đơn vị cũng đã sửa chữa hơn 35 tàu hỏng hóc; tiếp tế lương thực thực phẩm, nước ngọt, bổ sung nhiên liệu, khám chữa bệnh... để ngư dân yên tâm tiếp tục đánh bắt hải sản. Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá của Công ty TNHH MTV dịch vụ khai thác hải sản biển Đông được giao nhiệm vụ cung ứng các dịch vụ hậu cần phục vụ tàu thuyền của ngư dân Việt Nam. Đội tàu gồm 10 chiếc của công ty còn tổ chức thu mua hải sản của ngư dân theo giá thỏa thuận, đưa về đảo bảo quản, sơ chế, rồi chuyển về đất liền.

Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại quần đảo Trường Sa, đến năm 2020 sẽ có 6 khu neo đậu kết hợp cảng cá tại các đảo Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Phan Vinh, Đá Tây và Nam Yết. Bộ sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần cho các đảo, sau đó làm cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tại duyên hải Nam Trung bộ. Như vậy, bên cạnh sự giúp đỡ của bộ đội hải quân đồn trú tại các đảo, nhà giàn, hoạt động của các khu neo đậu kết hợp cảng cá ở Trường Sa là nguồn tiếp sức lớn cho những chuyến vươn khơi, làm chủ biển Đông của ngư dân nước ta.

Thực tế cho thấy, những trung tâm dịch vụ hậu cần trên biển đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho ngư dân, giảm chi phí nhiên liệu đi về, đồng thời kéo dài được thời gian đi biển, tiết kiệm thời gian và tiền bạc, tăng thêm thu nhập cho ngư dân. Hoạt động của các trung tâm là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân khai thác hải sản trên các ngư trường xa bờ. Nhờ những điểm tựa vững chắc đó, ngày càng có nhiều tàu thuyền của ngư dân kiên trì bám biển Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam, phát huy nghề truyền thống của người dân ven biển, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đức Hồng

  • Từ khóa
111388

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu