Thứ 2, 20/05/2024 18:41:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 08:49, 02/04/2019 GMT+7

Để ngư dân vươn khơi bám biển

Thứ 3, 02/04/2019 | 08:49:00 230 lượt xem
BP - Ngư dân với con tàu đánh cá được coi như những “cột mốc sống” chủ quyền trên các vùng biển của Tổ quốc. Để những con tàu đánh cá trên biển và ngư dân thực sự là “cột mốc” cứng rắn, vững mạnh đủ sức chống chọi với sóng to, gió lớn vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó rất cần sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước. Hiện nay, trong số trên 110 ngàn tàu cá trong cả nước thì có đến 95% tàu vỏ gỗ, công suất máy nhỏ, hoạt động trong phạm vi hẹp. Ngư dân rất mong muốn chuyển đổi từ tàu gỗ sang tàu vỏ sắt hoặc composite để vươn ra khơi.

KHÓ KHĂN CỦA TÀU VỎ GỖ

Theo phản ánh của các chủ chuyên đóng tàu vỏ gỗ cung cấp cho ngư dân, để hoàn thành 1 con tàu công suất 400CV cần khoảng 100m3 gỗ, chủ yếu thuộc nhóm 2 có giá trị cao như kiền kiền, sến, sao, căm xe,... Giá 1m3 gỗ loại này hiện lên đến 20-25 triệu đồng, tăng gấp đôi so với cách đây 3 năm. Hiện các loại gỗ kém hơn như chò, dẻ trong nước cũng thiếu nghiêm trọng và tăng giá từ 3 triệu lên 10 triệu đồng/m3. Thiếu nguyên liệu để đóng tàu vỏ gỗ đang là thực trạng chung ở nhiều địa phương ven biển nước ta. Tình trạng thiếu gỗ dùng đóng mới tàu cá đã và đang khiến nhiều ngư dân lẫn doanh nghiệp đóng tàu loại này gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu gỗ đóng tàu như thời gian qua là do một số nước trong khu vực đã hạn chế xuất khẩu gỗ tự nhiên. Ở trong nước, việc đóng cửa rừng đã được thực hiện nhiều năm qua nên càng khó khăn hơn. Hiện các loại gỗ chính để đóng tàu như kiền kiền, sến mủ, trâm, sao cát... có nguồn gốc từ Lào hay Campuchia đều rất khó mua. Trước những khó khăn này, nhiều ngư dân nghĩ đến phương án là bọc composite lên tàu vỏ gỗ cũ với hy vọng sẽ kéo dài tuổi thọ, tiết giảm được chi phí. Tuy vậy, để bọc composite bên ngoài thân vỏ tàu là không dễ vì chi phí rất lớn. Mặc dù giá gỗ đóng tàu rất đắt nhưng thực tế cho thấy, tàu vỏ gỗ thường có công suất nhỏ, khả năng đi biển ngắn ngày, hiệu quả kinh tế không cao so với tàu vỏ thép, hoặc vỏ composite. Thế nhưng, việc tiến đến xóa bỏ tàu cá vỏ gỗ đang gặp không ít khó khăn, do tập quán khai thác thủy sản lâu đời của ngư dân nước ta vẫn là tàu đánh bắt vỏ gỗ.

Hoàng Anh 01 là một trong những tàu vỏ sắt đầu tiên của ngư dân - Ảnh tư liệu

Từ thực tế đó, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ và Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 7-10-2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67) ra đời, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đóng tàu vỏ thép và vỏ composite. Việc dừng đóng tàu cá vỏ gỗ nhằm hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ là một chủ trương đúng, không chỉ giúp ngư dân vươn xa bám biển, mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

BẤT CẬP CỦA TÀU VỎ SẮT

Để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đóng được tàu có công suất lớn giúp đi biển dài ngày, vươn khơi xa và yên tâm hơn, sau những năm thực hiện Nghị định 67 và Nghị định 89 của Chính phủ đã giúp ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng tàu vỏ thép và tàu vỏ composite. Ưu điểm của tàu vỏ thép là độ bền cao, kín nước, dễ tạo dáng, hầm bảo quản hải sản hiện đại và có khả năng làm nhiều nhiệm vụ trên biển. Còn tàu composite có tuổi thọ đến 30 năm, chịu hà tốt, hầm bảo quản hải sản hiện đại, dễ tạo dáng. Mặt khác, ngoài những ưu điểm về kỹ thuật các tàu này mang lại, thì hiệu quả kinh tế đánh bắt thực tế cũng rất cao. Nhờ ưu thế vượt trội về độ an toàn, chắc chắn, các tàu vỏ sắt, tàu vỏ composite ngoài nhiệm vụ khai thác thủy hải sản còn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân đánh bắt trên biển bởi khả năng cứu nạn, cứu hộ trong điều kiện thời tiết xấu.

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực tàu vỏ sắt và composite cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập và không ít khó khăn cần khắc phục. Trước hết là kinh phí đầu tư cho 1 chiếc tàu rất lớn. Đối với ngư dân, một con tàu đánh cá là cả gia tài khổng lồ. Hiện một tàu cá vỏ thép trung bình có công suất 800CV, kinh phí từ 14-15 tỷ đồng, công suất 829CV với vốn đầu tư khoảng trên 20 tỷ đồng/tàu. Giá thành cao nhưng một số tàu vỏ sắt hoàn thành ra khơi thời gian qua cho thấy hiệu quả sử dụng còn thấp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc thiết kế tàu cá vỏ thép chưa phù hợp với hoạt động sản xuất của ngư dân dẫn đến việc phải điều chỉnh nhiều lần, chất lượng một số tàu chưa đảm bảo. Việc đầu tư các thiết bị đánh bắt trên tàu chưa phù hợp với ngư trường đánh bắt, cũng như trình độ của ngư dân chưa đáp ứng các thiết bị hiện đại trên tàu.

Việt Nam có diện tích biển hơn 1 triệu kilômét vuông. Nếu ngư dân đánh bắt bằng tàu gỗ có kích thước nhỏ thì mọi người trên tàu có cảm giác biển Đông là vô bờ bến. Nhưng khi lên tàu vỏ thép lớn thì có thể khám phá mọi ngõ ngách trên biển. Tàu vỏ sắt cơ động đường dài rất tốt, vì vậy ngư dân có thể đánh cá xuôi ngược trong vùng biển của Việt Nam. Ngư dân rất muốn sở hữu tàu vỏ thép, vỏ composite hiện đại, vững chãi để khai thác thuận lợi hơn. Thế nhưng, họ vẫn còn nghi ngại giá trị kinh tế thu được không cao sau khi con tàu hoàn thành đi vào hoạt động, nhất là trước thực tế không ít tàu vỏ thép đóng mới hoạt động kém hiệu quả, gặp rắc rối như thời gian vừa qua.

Đức Hồng

  • Từ khóa
111386

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu