Thứ 2, 20/05/2024 18:45:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 08:10, 17/03/2019 GMT+7

Bức tường thép giữa biển Đông

Chủ nhật, 17/03/2019 | 08:10:00 105 lượt xem

BP - Đảo Trường Sa Đông là một bãi cát nằm trên một rạn san hô thuộc cụm đảo Trường Sa của quần đảo Trường Sa. Trường Sa Đông là đảo cấp 2 trong khu vực 1 thuộc quần đảo Trường Sa, cách Cam Ranh (Khánh Hòa) khoảng 230 hải lý. Đảo nằm trên bãi san hô ngập nước, bề mặt san hô không bằng phẳng nên độ nông - sâu thất thường, dễ gây nguy hiểm cho tàu ra vào. Đảo dài khoảng 200m, nơi rộng nhất khoảng 60m. Phía Nam đảo Trường Sa Đông cách 7 hải lý là đảo Đá Tây, cách 30 hải lý là đảo Trường Sa; hướng Đông Nam cách 18 hải lý là đảo Đá Đông; hướng Đông cách đảo 29 hải lý có đảo Châu Viên; hướng Đông Bắc cách khoảng 52 hải lý có đảo Chữ Thập do Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Đảo Trường Sa Đông có vị trí quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thời tiết và khí hậu ở đảo Trường Sa Đông vô cùng khắc nghiệt, mùa khô hạn thì nắng nóng kéo dài, mùa mưa thì suốt mấy tháng gió bão mạnh cứ liên tiếp nối nhau. Đó là chưa kể những ngày gió bão kết hợp với triều cường dâng cao thì cuộc sống và sinh hoạt của bộ đội cũng như cảnh quan môi trường trên đảo bị đảo lộn. Trong khi đó, nhiệm vụ yêu cầu xây dựng đảo và bảo vệ chủ quyền ngày càng cao. Song, với tinh thần đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cụ thể, cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về công tác sẵn sàng chiến đấu, xác định rõ đối tượng, đối tác, nhất là âm mưu, hành động của nước ngoài trên biển Đông. Đồng thời, bổ sung đầy đủ các kế hoạch chiến đấu, tổ chức luyện tập thuần thục phương án tác chiến và đề cao tinh thần cảnh giác, kịp thời phát hiện các loại mục tiêu trên không, trên biển, báo cáo, xử trí đúng đối sách, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.

Đảo Trường Sa Đông nhìn từ biển

Đặc biệt, trước khi bước vào huấn luyện, chỉ huy đảo tổ chức tập huấn cho cán bộ các cấp phải xây dựng kế hoạch và soạn thảo giáo án đầy đủ theo phân cấp. Trong năm 2018, cán bộ huấn luyện trên đảo đã chủ động làm mới 225 mô hình học cụ phục vụ nội dung huấn luyện và kiểm tra trong năm thường xuyên bảo quản hệ thống công sự trận địa phục vụ tốt cho huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ luôn nhận thức sâu sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong tình hình mới, đề cao tính chủ động trong huấn luyện, làm chủ các loại vũ khí, thiết bị có trong biên chế. Kết quả huấn luyện năm 2018, 100% cán bộ, chiến sĩ trên đảo đều đạt loại khá, giỏi ở tất cả các khoa, mục và được Bộ tư lệnh Hải quân tặng danh hiệu “Đơn vị huấn luyện giỏi”.

Một trong những nhiệm vụ được cán bộ, chiến sĩ trên đảo đặc biệt quan tâm là công tác dân vận. Năm 2018 và hơn 2 tháng đầu năm 2019, đảo đã hướng dẫn 687 lượt tàu cá của ngư dân ra đánh bắt hải sản ven đảo. Trong đó, tàu cá Bình Định 309 lượt chiếc, Quảng Ngãi 76 lượt chiếc, Bình Thuận 139 lượt chiếc, Phú Yên 100 lượt chiếc, Khánh Hòa 33 lượt chiếc, Tiền Giang 19 lượt chiếc, Quảng Nam 11 lượt chiếc. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền vận động ngư dân trong khai thác, đánh bắt hải sản, không làm ảnh hưởng đến môi trường biển. Lực lượng y tế trên đảo còn giúp đỡ khám bệnh, cấp thuốc cho 36 lượt người dân; mổ cấp cứu 4 ca (mổ ruột thừa) bảo đảm an toàn.

Đơn vị còn thường xuyên duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng giúp đỡ ngư dân khi có yêu cầu. Hải sản ở khu vực này khá phong phú về số lượng và chủng loại, như: cá ngừ, hải sâm, rùa biển và nhiều loại ốc có giá trị dinh dưỡng cao... Có ngư trường thuận lợi về khai thác nên hằng năm nhiều ngư dân ở các vùng Nam - Trung bộ ra đánh bắt hải sản khá nhiều. Đặc biệt vài năm gần đây, khi quần đảo Trường Sa được Nhà nước đầu tư sửa chữa, nâng cấp các âu tàu ở một số đảo lân cận, đã tạo thuận lợi về nơi tránh, trú bão cho các loại tàu cá được an toàn. Kèm theo đó là các đảo thuộc quần đảo Trường Sa do Việt Nam quản lý đã thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, ưu đãi ngư dân như trong việc khám chữa bệnh, cung cấp nước ngọt, sửa chữa tàu hư hỏng không tính tiền, giá bán dầu chỉ tính bằng đất liền..., nên số lượng tàu ngư dân khai thác ở khu vực này đã tăng lên nhiều lần, điều này tạo thuận lợi cho ngư dân vươn khơi bám biển và góp phần tích cực bảo vệ ngư trường cũng như vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cột mốc chủ quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên đảo Trường Sa Đông

Ngoài công việc nêu trên, cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng trên đảo luôn đề cao trách nhiệm trong cải tạo cảnh quan môi trường. Năm 2018 và đầu năm 2019, đã chiết và trồng mới 185 cây tạo màu xanh cho đảo, chủ yếu là bàng vuông, dừa và tra phát triển tốt. Đơn vị cũng tích cực đẩy mạnh tăng gia sản xuất bằng việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt hải sản và trồng các loại rau xanh để cải thiện đời sống. Điều làm tôi hết sức bất ngờ là dù thời tiết và khí hậu ở đây khắc nghiệt như vậy, nhưng cán bộ, chiến sĩ trên đảo trồng được nhiều loại rau xanh, như: Rau muống, mồng tơi, dền cơm, cải xanh các loại, cúc tần,... các loại rau thơm như ngò gai, ngò rí, húng quế,... và các loại cây gia vị ớt, sả, riềng, lá mơ, chanh, hành, tỏi... Năm 2018, đơn vị đã tăng gia được 4.100kg rau xanh, 200kg đậu phụ, 1.593kg thịt các loại và 2.867kg hải sản. Nhờ đó, đơn vị được cấp trên tặng danh hiệu “Nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”. Việc xây dựng được khối đoàn kết quân dân đã để lại ấn tượng và tình cảm tốt đẹp cho các đoàn khi đến thăm đảo.

Điều làm tôi ngỡ ngàng nữa là trên đảo Trường Sa Đông có hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt với công suất khoảng 600 lít/ngày, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của quân và dân trên đảo, đảm bảo vấn đề an ninh, quốc phòng. Dự án do Tạp chí Trí thức và Phát triển (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội) phối hợp Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện. Tôi được biết, hiện nay ở hầu hết các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã có hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt. Riêng hệ thống lọc ở đảo Song Tử Tây do Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và thiết bị công nghiệp, Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh tư vấn và thiết kế. Trung bình một ngày, hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt trên đảo Song Tử Tây có thể lọc được 18.000 lít nước ngọt, đảm bảo phục vụ nhu cầu trên đảo trong ngày. Đặc biệt, hệ thống lọc nước biển trên đảo Song Tử Tây sử dụng điện năng lượng mặt trời và điện gió. Máy lọc còn có hệ thống lưu trữ điện năng để duy trì hoạt động ngay cả khi đảo không có nắng, gió trong 2 ngày liên tục.

Bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Đông được Ban chỉ huy đảo quan tâm, lãnh đạo đảo còn thường xuyên sâu sát nắm bắt tư tưởng bộ đội kịp thời, những gia đình cán bộ, chiến sĩ khó khăn đều được giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần. Trên đảo có hàng ngàn đầu sách, báo, 1 tủ sách pháp luật. Tại các phân đội chiến đấu đều có tivi 32inch, đầu karaoke, trạm thu phát tín hiệu vệ tinh của Đài Truyền hình Việt Nam..., giúp cán bộ, chiến sĩ trên đảo cập nhật kịp thời thông tin thời sự trong nước và thế giới, cũng như tình hình phát triển kinh tế, xã hội trong đất liền.

Tạm biệt Trường Sa Đông, bước trên con đường dẫn ra cầu cảng để tiếp tục cuộc hành trình đến với các đảo khác, hình ảnh của những cán bộ, chiến sĩ vẫn mãi đọng lại trong tâm trí tôi. Một ngày mới đang về trên khắp các đảo tiền tiêu - bức tường thép của Tổ quốc giữa biển khơi và làn gió nhẹ của bình minh, tôi cảm nhận rõ và không thể nào quên mùi mặn mòi của biển, hương thơm ngan ngát của các loài hoa phong ba, bàng vuông, tra, muống biển...

N.V

  • Từ khóa
111378

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu