Thứ 2, 20/05/2024 18:05:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 09:01, 19/02/2019 GMT+7

Định hướng khai thác hải sản

Thứ 3, 19/02/2019 | 09:01:00 150 lượt xem
BP - Phát triển kinh tế biển, trong đó có lĩnh vực nuôi trồng và khai thác hải sản đã được Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW) chỉ rõ: “Chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao…”. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm bảo vệ tốt nguồn lợi từ biển, định hướng tổ chức khai thác hải sản, đồng thời đẩy mạnh phát triển ngành thủy, hải sản theo hướng công nghiệp và công nghệ cao.

TỪ NGUỒN LỢI HẢI SẢN

Nước ta có diện tích vùng biển rộng hàng triệu kilômét vuông. Vùng nội thủy và lãnh hải với các đảo lớn nhỏ đã tạo nên 12 vịnh, đầm phá với tổng diện tích 1.160km2 được che chắn tốt, dễ trú đậu tàu thuyền; cùng với hệ thống sông ngòi dày đặc rất thuận lợi phát triển hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản. Sản lượng thủy, hải sản Việt Nam đã duy trì tăng trưởng liên tục trong nhiều năm qua, với mức tăng bình quân trên 9%/năm. Đặc trưng nổi bật nhất về mặt nguồn lợi hải sản ở vùng biển nước ta là quanh năm đều có cá sinh sản. Cá ở biển nước ta thường phân theo đàn nhưng không lớn. Vì vậy, nghề cá Việt Nam được coi là “nghề cá đa loài”, gắn bó chặt chẽ với sinh kế của người dân ven biển và trên các đảo gần bờ. Tiềm năng nguồn lợi hải sản là tiền đề quan trọng, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia có đủ khả năng phát triển ngành thủy, hải sản ngang tầm quốc tế.

Tàu cá của ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) ra khơi đánh cáTàu cá của ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) ra khơi đánh cá

Kết quả điều tra nguồn lợi hải sản được các đơn vị thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện trong phạm vi toàn vùng biển Việt Nam cho biết, biển nước ta có tổng 1.081 loài hải sản, gồm 881 loài cá, 115 loài giáp xác, 41 loài động vật chân đầu và 44 loài thuộc nhóm khác. Các loài có giá trị kinh tế cao ở vùng biển vịnh Bắc bộ bao gồm cá nục sồ, cá sòng Nhật, cá ngân, mực ống, cá bánh đường. Vùng biển Trung bộ và giữa biển Đông có cá nục sồ, cá hố, cá úc, cá bánh đường, cá mối thường, cá mối vạch, cá ngừ vằn, cá vền, cá ngừ chù. Vùng biển Đông Nam bộ có cá mối hoa, cá mối thường, cá mối vạch... Biển Tây Nam bộ có cá bạc má, cá ba thú, sồ, cá cơm, cá đù đầu to, cá phèn khoai. Tổng trữ lượng cá trên toàn vùng biển cả nước được điều tra ước tính khoảng 4,36 triệu tấn, khả năng khai thác 1,67 triệu tấn/năm.

NGĂN CHẶN KHAI THÁC TẬN DIỆT

Theo Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giai đoạn 2011-2015, có tới 83 loài không còn xuất hiện ở vùng biển Việt Nam, chủ yếu là nhóm hải sản có giá trị kinh tế. Đáng chú ý, trữ lượng các nhóm nguồn lợi hải sản chủ yếu gồm: cá, tôm, cua, ghẹ, mực, bạch tuộc... cũng giảm gần 14%. Nhóm hải sản tầng đáy giảm trên 41%. Sự suy giảm nguồn lợi hải sản cho thấy, nếu không thay đổi cách khai thác hiện nay thì không lâu nữa sẽ không còn gì để khai thác. Việc ngày càng nhiều loại hải sản biến mất khỏi vùng biển Việt Nam chính là hệ quả của việc đánh bắt theo kiểu tận diệt, khai thác quá mức cho phép. Tình trạng đánh bắt bất hợp pháp diễn ra phổ biến nhiều nơi, nhất là sử dụng lưới mắt nhỏ; các nghề xâm hại nguồn lợi như: te, xiệc điện, xung điện, giã cào ở vùng biển ven bờ và cả vùng lộng. Đây chính là hành động tự hại mình của ngư dân, khiến nguồn hải sản cạn kiệt dần. Nếu tình trạng này kéo dài và không có biện pháp xử lý, nguồn hải sản sẽ bị tận diệt, dẫn đến mất cân bằng hệ sinh thái. Ngày 1-1-2019, Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực. Theo đó, mức xử phạt vi phạm đối với các nghề cấm khai thác rất cao, với tổ chức là 2 tỷ đồng, cá nhân 1 tỷ đồng, thậm chí là xử lý hình sự nếu ngư dân không chấm dứt các hình thức đánh bắt tận diệt. Thời gian gần đây, cùng với nỗ lực gỡ bỏ “thẻ vàng” của EU, ngành chức năng và các địa phương ven biển đã, đang vào cuộc quyết liệt, chắc chắn sẽ lập lại trật tự kỷ cương trong khai thác nguồn lợi hải sản.

Nghị quyết số 36-NQ/TW với quyết tâm “...Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ và viễn dương phù hợp với từng vùng biển và khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển đi đôi với thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân...” sẽ là động lực mới nhằm phát triển mạnh mẽ kinh tế biển theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho ngư dân. (*)  

       Đức Hồng (*) Bài viết tham khảo nguồn Viện Nghiên cứu hải sản

  • Từ khóa
111373

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu