Thứ 2, 20/05/2024 23:51:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 13:31, 09/10/2018 GMT+7

Lịch sử và tiềm năng biển, đảo Tây Nam

Thứ 3, 09/10/2018 | 13:31:00 990 lượt xem

BP - Biển, đảo Tây Nam bộ có bề dày lịch sử hơn 300 năm, nằm ở phía cực Nam Tổ quốc. Đây là vùng đất, vùng biển được thiên nhiên ưu đãi, đất đai rộng và trù phú, bờ biển dài với hàng ngàn loài thủy hải sản phong phú. Các đảo và quần đảo trong vùng biển này mang đậm những dấu ấn lịch sử của cư dân Nam bộ. Trải qua thời gian, cư dân trong vùng đã có nhiều kinh nghiệm biển khơi, lấy sông to biển rộng làm ngư trường sinh sống và từ đó hình thành nên cá tính nổi bật mang phong cách Nam bộ.

VÀI NÉT LỊCH SỬ

Năm 1802, vương triều Nguyễn được thành lập. Với tư cách là triều đại phong kiến Việt Nam đầu tiên thống nhất đất nước, triều đình nhà Nguyễn đã xây dựng chiến lược để quản lý lãnh thổ, lãnh hải biển đảo từ Móng Cái đến Hà Tiên. Tầm quan trọng của khu vực biển đảo Tây Nam được các đời vua ý thức rõ ràng. Nhà Nguyễn đã xây dựng lực lượng thủy quân hùng mạnh và thực hiện nhiều hoạt động xác lập, thực thi chủ quyền hiệu quả đối với các vùng biển, đảo phía Nam đất nước. Quá trình thụ đắc vùng đất Nam bộ của chúa Nguyễn chủ yếu thông qua khai phá hòa bình kết hợp đàm phán ngoại giao để khẳng định chủ quyền. Đó là phương thức được thừa nhận phù hợp với thông lệ lịch sử và các văn bản quốc tế hiện hành. Điều này đã được ghi chép lại trong các châu bản và tư liệu khác của triều đình nhà Nguyễn. Suốt hơn 50 năm, chính quyền nhà Nguyễn đã hoàn thành nhiệm vụ trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tây Nam. Đó là tiến hành phân chia đơn vị hành chính, quản lý dân cư, đẩy mạnh quản lý các hoạt động kinh tế, trấn áp cướp biển, đẩy lùi các cuộc xâm lăng của quân Xiêm. Những ghi chép từ địa bạ triều Nguyễn cho thấy rõ việc phân chia đơn vị hành chính và quản lý dân cư được thực hiện khá chặt chẽ. Chính sự kết hợp giữa chính quyền và nhân dân đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, đảm bảo cho công cuộc xác lập và thực thi chủ quyền biển, đảo đạt hiệu quả cao nhất.

Sớm mai trên cảng cá Dinh Cậu, Phú Quốc (Kiên Giang) - Ảnh: K.B

BIỂN ĐẢO TÂY NAM NGÀY NAY

Vùng biển Tây Nam của nước ta có hơn 150 đảo, quần đảo lớn nhỏ liên kết với nhau, trở thành những căn cứ tiền tiêu chiến lược vô cùng quan trọng để bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, biển đảo cũng là cửa ngõ để chúng ta hòa nhập với thế giới, kết giao với bạn bè. Vùng biển này có đường bờ biển phía đông nam tiếp giáp với biển Đông và bờ biển tây nam giáp với vịnh Thái Lan. Vùng biển phía đông nam có quần đảo Côn Sơn và Hòn Khoai. Ở vùng biển tây nam có đảo Phú Quốc với diện tích lớn nhất trong các đảo của cả nước (593km2) và nhiều quần đảo nhỏ ven bờ như quần đảo Hà Tiên, Bà Lụa, Nam Du, An Thới, quần đảo Thổ Chu... Địa hình bờ biển chủ yếu là dạng bồi tụ với nhiều cửa sông lớn tạo nên các bãi bồi và bãi triều rộng lớn, phù sa màu mỡ, là môi trường thuận lợi cho rừng ngập mặn phát triển. Đồng thời đây cũng là khu vực có rừng ngập mặn vào loại hàng đầu thế giới. Nơi đây có 3 vườn quốc gia ở trên biển và ven biển là Vườn quốc gia Côn Đảo, Phú Quốc và Mũi Cà Mau. Khu bảo tồn thiên nhiên Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) cũng được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đáng chú ý trên vùng biển Nam bộ còn có các hệ sinh thái biển rất đặc thù là hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái cỏ biển với các loại động vật đặc hữu quý hiếm như đồi mồi, rùa biển, bò biển.

Đánh bắt cá là nghề truyền thống vốn có từ lâu đời của nhân dân ven biển Nam bộ. Trong những năm gần đây, sản lượng hải sản khai thác tăng trung bình 5%/năm. Tuy vậy, năng suất và sản lượng khai thác ở khu vực gần bờ (độ sâu dưới 30m nước) và khu vực ven bờ (có độ sâu dưới 20m nước) đã giảm đi rõ rệt. Vì vậy, khai thác thủy hải sản xa bờ tới các ngư trường xa trên biển Đông đã được ngư dân chú trọng phát triển. Việc nuôi trồng, chế biến thủy hải sản đang phát triển mạnh và có những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nổi tiếng của ngành thủy hải sản nước ta như tôm đông lạnh, cá basa. Nghề chế biến hải sản nổi tiếng với thương hiệu nước mắm Phú Quốc, chế tác các sản phẩm mỹ nghệ, trang sức đắt tiền như đồi mồi, ngọc trai... Vùng biển, đảo Tây Nam bộ là khu du lịch biển có tầm cỡ quốc gia và quốc tế, tạo đà cho những bước phát triển mới cho du lịch Nam bộ nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung. Cùng với đó, ngành giao thông vận tải biển có truyền thống phát triển từ hơn 100 năm nay cũng đang được đầu tư, tạo động lực phát triển cho các khu công nghiệp, các khu đô thị ven biển.(*)

Đức Hồng
(*) Bài viết có tham khảo và sử dụng các tài liệu

  • Từ khóa
111352

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu