Thứ 2, 20/05/2024 22:43:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 07:07, 11/09/2018 GMT+7

Vị trí và tiềm năng biển Việt Nam

Thứ 3, 11/09/2018 | 07:07:00 241 lượt xem

BP - Nước Việt Nam có vùng biển đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền. Biển Việt Nam là một bộ phận quan trọng của biển Đông, bao gồm vùng nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, theo quy định của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biển, đảo có vai trò, vị trí rất quan trọng, gắn bó mật thiết và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường của nước ta.

VÀI NÉT VỀ BIỂN VIỆT NAM

Vùng biển rộng lớn của Việt Nam nối liền tuyến giao thông vận tải đường biển quan trọng giữa Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương. Biển Việt Nam chia thành 4 khu vực: Biển Đông Bắc (một phần vịnh Bắc bộ), nằm ở phía đông bắc Việt Nam, tiếp giáp Trung Quốc; biển Bắc Trung bộ (một phần biển Đông) ở phía đông Việt Nam; biển Nam Trung bộ (một phần biển Đông) ở phía đông nam và vùng biển Tây Nam (một phần vịnh Thái Lan) ở phía tây nam của Việt Nam, tiếp giáp Campuchia và Thái Lan. Dải đất hình chữ S của nước Việt Nam nằm trải dọc theo bờ biển, với chiều dài 3.260km, 28 tỉnh, thành phố có biển, chiếm tới 42% diện tích và 45% dân số cả nước. Cả nước có khoảng 15,5 triệu người sống gần bờ biển và trên 160 ngàn người sinh sống ở các hòn đảo.

Khách du lịch tắm biển Vũng Tàu

Trong khu vực biển Việt Nam có khoảng 4.000 đảo lớn nhỏ, gần và xa bờ, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tạo thành một phòng tuyến bảo vệ kiểm soát vùng biển, hải đảo. Dọc bờ biển của nước ta có nhiều mũi đá nhô ra sát biển tạo nên các “hoành sơn” thiên nhiên, như đèo Ngang, đèo Hải Vân, đèo Cả và những vách đá hùng vĩ ở mũi Đá Vách, mũi Đại Lãnh...

Do đặc điểm kiến tạo địa chất khu vực, các dãy núi đá vôi vươn ra sát bờ biển hình thành những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Những vụng, vịnh, bãi cát trắng, hang động, các bán đảo và đảo lớn, nhỏ liên kết với nhau thành quần thể du lịch hiếm có trên thế giới, tiêu biểu là di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Điều kiện tự nhiên của biển Việt Nam có tiềm năng to lớn cho ngành giao thông hàng hải. Dọc bờ biển có 10 điểm có thể xây dựng cảng biển nước sâu và nhiều cảng trung bình.

TIỀM NĂNG BIỂN VIỆT NAM

Ngày 10-4-1956, tại hội nghị cán bộ cải cách miền biển, Bác Hồ đã nói: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế nó sẽ vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển... Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”.

Biển Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, tạo điều kiện cho sinh vật biển tồn tại và phát triển. Vì vậy, biển nước ta có tài nguyên sinh vật và khoáng sản phong phú đa dạng, quý hiếm. Theo các điều tra về nguồn lợi tài sản, tính đa dạng sinh học trong vùng biển Việt Nam đã phát hiện được khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú, trong đó có 6.000 loài động vật đáy, 2.400 loài cá (trong đó có 130 loài cá kinh tế), 653 loài rong biển, 657 loài động vật phù du, 537 loài thực vật phù du, 225 loài tôm biển... Trữ lượng cá biển ước tính trong khoảng 3,1-4,1 triệu tấn, khả năng khai thác gần 2 triệu tấn. Nguồn lợi hải sản phong phú đã góp phần đưa ngành thủy, hải sản trở thành một trong những ngành kinh tế chủ đạo với giá trị xuất khẩu đứng thứ 3 cả nước. Dầu khí là tài nguyên lớn nhất ở thềm lục địa nước ta và có tầm chiến lược rất quan trọng. Đến nay, chúng ta đã thăm dò xác định được nhiều bể trầm tích như các bể Cửu Long, Nam Côn Sơn... có triển vọng dầu khí lớn nhất và khai thác thuận lợi. Tổng trữ lượng dự báo địa chất của toàn thềm lục địa Việt Nam xấp xỉ 10 tỷ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khai thác 4-5 tỷ tấn. Trữ lượng khí dự báo khoảng 1.000 tỷ mét khối.

Đặc biệt, biển, đảo Việt Nam có tiềm năng và điều kiện tốt để phát triển du lịch, ngành công nghiệp không khói, hiện đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế đất nước. Từ bao đời nay biển, đảo không chỉ là nơi cung cấp nguồn sống, mà còn là không gian để cộng đồng người Việt tạo lập nên một nền văn hóa với những di sản đặc sắc. Đó là hệ thống di tích lịch sử - văn hóa liên quan đến môi trường biển, hệ thống thần linh biển, những bậc tiền bối có công trong công cuộc chinh phục biển, xác lập và thực thi chủ quyền quốc gia trên biển... Cùng với đó là các lễ hội dân gian của cư dân miền biển; tín ngưỡng, phong tục tập quán liên quan đến biển; văn hóa sinh kế, văn hóa cư trú, văn hóa ẩm thực, diễn xướng dân gian, tri thức bản địa... Đây chính là nguồn tài nguyên giàu có để phát triển du lịch biển, đảo bền vững. (*) 

Đức Hồng
(*) Bài viết tham khảo nguồn Petro Times

  • Từ khóa
111348

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu