Thứ 2, 20/05/2024 23:14:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 07:28, 28/08/2018 GMT+7

Tầm quan trọng của biển Đông trong khu vực và thế giới

Thứ 3, 28/08/2018 | 07:28:00 1,747 lượt xem

BP - LTS: Biển có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển và an ninh của các nước có biển nói riêng và thế giới nói chung. Thế kỷ XXI được các nhà chiến lược xem là “thế kỷ của biển và đại dương”. Thực hiện Đề án tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam giai đoạn 2018-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28-7-2018 tại Quyết định số 930/QĐ-TTg, trên cơ sở các tài liệu, Báo Bình Phước sẽ lần lượt tổng hợp, giới thiệu đến bạn đọc các nội dung về biển Đông; biển, đảo Việt Nam; pháp luật về biển, đảo, sự phát triển kinh tế biển...

Biển Đông là một biển nửa kín, có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, trải rộng từ 3-26o vĩ bắc và từ 100-121o kinh đông. Biển Đông được bao bọc bởi 9 quốc gia là Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Campuchia và vùng lãnh thổ là Đài Loan. Biển Đông không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng đối với các nước trong khu vực mà còn là của cả thế giới. Biển Đông được coi là một trong 5 bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Hiện nay, hầu hết các nước trong khu vực đều đang khai thác và sản xuất dầu khí từ biển như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia, Thái Lan..., trong đó Indonesia là thành viên của OPEC. Ngoài ra, biển Đông còn là vùng biển nước sông rộng lớn, có nhiều tiền đề thuận lợi cho việc hình thành và tích tụ băng cháy (còn gọi là khí hydrate), đang được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai. Chính tiềm năng dầu khí chưa được khai thác này là một yếu tố quan trọng làm tăng thêm các yêu sách chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển quanh 2 quần đảo này.

Tàu đánh bắt cá cập cảng Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận - Ảnh K.B

Biển Đông có nhiều tên gọi khác nhau. Những tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở biển Đông cũng thể hiện số lượng tên gọi được sử dụng để chỉ vùng biển này. Trung Quốc thường hay gọi tắt biển này là Nam Hải. Trước đây, Philippines gọi biển này là biển Luzón, đến ngày 12-9-2012, thông qua Lệnh hành chính 29 (AO) chính thức gọi là “biển Tây Philippines” trên bản đồ hành chính của nước này. Đối với Việt Nam, hầu hết lãnh thổ hướng chính ra biển là hướng đông, do đó tên tiếng Việt của biển này mang nghĩa là vùng biển Đông Việt Nam. Biển Đông Việt Nam còn ghi dấu ấn vào văn hóa và lịch sử lâu đời, thể hiện qua các câu tục ngữ “Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn; Thuận bè, thuận bạn tát cạn biển Đông”, hay thành ngữ “Dã tràng xe cát biển Đông”...

Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á. 5 trong 10 tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến biển Đông và được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Khu vực Đông Nam Á có khoảng 536 cảng biển, trong đó có 2 cảng vào loại lớn và hiện đại nhất thế giới là cảng Singapore và Hồng Kông. Đây là mạch đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama. Khu vực biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, với 4 trong 16 con đường chiến lược của thế giới nằm trong khu vực Đông Nam Á (đó là Malacca, Lombok, Sunda, Ombai - Wetar). Đặc biệt, eo biển Malacca là eo biển nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới, chỉ sau eo biển Hormuz.

Nạn cướp biển và khủng bố trên biển Đông luôn ở mức cao, nhất là sau vụ tấn công khủng bố tự sát vào tàu chở dầu của Pháp tháng 10-2002. Do đó, vùng biển này hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực về địa chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế, nhất là đối với Mỹ và Nhật Bản. Biển Đông còn có liên hệ và ảnh hưởng đến khu vực khác, nhất là Trung Đông. Vì vậy, nếu biển Đông bị một nước hoặc một nhóm nước liên minh nào khống chế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích an ninh, chính trị, kinh tế của khu vực và thế giới. Đối với Việt Nam, biển Đông đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.(*)

Đức Hồng
(*) Bài viết sử dụng tư liệu nguồn biendong.net

  • Từ khóa
111347

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu