Thứ 2, 20/05/2024 18:13:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 06:07, 16/05/2018 GMT+7

Nghĩa tình đồng đội ở Trường Sa

Thứ 4, 16/05/2018 | 06:07:00 84 lượt xem
BP - Trở thành thông lệ đối với Hải quân nhân dân Việt Nam, cứ mỗi lần có tàu từ đất liền ra thăm quân và dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tất cả cán bộ, chiến sĩ và thành viên các đoàn đều dự lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Ngày 13-3-1988 đã xảy ra trận hải chiến trên các đảo: Gạc Ma, Côn Lin, Len Đao. Chẳng ai muốn nhắc đến quá khứ bi thương, song nỗi đau ngày ấy mãi mãi nằm trong lòng dân tộc, mà mỗi lần nhắc đến 2 tiếng Trường Sa, đã là người Việt Nam thì dù ở bất cứ nơi đâu, dù chưa một lần đặt chân đến nơi đây, nhưng từ trong huyết quản vẫn dâng tràn cảm xúc xen lẫn tình yêu biển đảo đến vô cùng. 30 năm đã trôi qua, nhưng nước biển ở vùng Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao vẫn mặn đắng bởi máu đào của 64 liệt sĩ. Xương máu và thịt da các anh vĩnh hằng nằm trong lòng biển mẹ, hóa thành sóng, thành gió, thành đá san hô.

Tháng 12-1990, cơn lốc tố lúc nửa đêm đã đánh sập Nhà giàn Phúc Tần 3, cuốn xuống biển 8 cán bộ, chiến sĩ. Trong trận bão tố này, 3 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Sau đó 1 tháng, tháng 1-1991, thuyền phó quân sự Phạm Tảo và máy trưởng Lê Tiến Cường thuộc tàu HQ-666 đã bị những con sóng lừng lững nhấn chìm tại Nhà giàn Tư Chính 1A khi tàu này đang làm nhiệm vụ trực tại đây. Đêm 12-12-1998, cơn bão Fathes đã đánh sập Nhà giàn Phúc Nguyên 2A, cuốn xuống biển 9 cán bộ, chiến sĩ và 3 người trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi. 3 năm sau, đêm 21-4-2001, tại Nhà giàn DK1/16, chiến sĩ Tạ Ngọc Tú hy sinh trong cơn đau thắt đột ngột khi đang theo dõi, bám sát mục tiêu lạ giữa màn đêm.

Trong không khí trang nghiêm, xúc động, với lòng thành kính tri ân, đoàn công tác đã thắp nén tâm nhang, thả vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Tháp tùng cùng đoàn cán bộ của Bình Phước cùng các tỉnh: An Giang, Tây Ninh, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa trong hải trình lần thứ 4 năm 2018 ra thăm quân và dân Trường Sa, phóng viên Báo Bình Phước đã ghi lại những hình ảnh vô cùng xúc động trên con tàu 561.

Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở Trường Sa lớn không chỉ là công trình tâm linh tiêu biểu cấp quốc gia mà còn là nơi “hóa thân” của 150 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, để lại máu xương giữa lòng biển đảo.

Ngày 8-4-2018, tất cả cán bộ, chiến sĩ trên tàu 561 và thành viên trong đoàn công tác dự lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa

Sau lễ tưởng niệm, các đồng chí: Chuẩn đô đốc Phạm Xuân Điệp, Phó tư lệnh Quân chủng hải quân, trưởng đoàn công tác; Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh đưa lễ vật từ boong tàu để thả xuống biển.

Thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc có một “nghĩa trang xanh” - nơi yên nghỉ của 10 cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 hy sinh từ năm 1990 đến tháng 10-2014. Gọi là “nghĩa trang xanh” vì tất cả các anh hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Trong ảnh: Các thành viên trong đoàn công tác thả lễ vật và vòng hoa tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh tại thềm lục địa phía Nam.

Ngày 10-4-2018, đoàn công tác đến thăm đảo Thuyền Chài cũng đúng vào ngày liệt sĩ Thiếu úy Lê Minh Kiên, sinh ngày 3-9-1980, tại xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa hy sinh lúc 9 giờ 30 phút ngày 10-4-2005. Hài cốt của liệt sĩ đã được đưa về đất liền nhưng từ đó đến nay, cán bộ, chiến sĩ trên đảo vẫn giữ bàn thờ và hằng năm đều tổ chức lễ giỗ liệt sĩ. Trong ảnh: Bàn thờ liệt sĩ Lê Minh Kiên tại đảo Thuyền Chài.

Tại Trường Sa, có 4 ngôi chùa ở các đảo: Đá Tây, Sinh Tồn, Song Tử Tây và Trường Sa Lớn được xây dựng khá bề thế, độc đáo và trang nghiêm. Nét độc đáo của những ngôi chùa ở Trường Sa là đều có bàn thờ các liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Trong ảnh là Phương danh anh linh 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma ở chùa Song Tử Tây.

Thanh Hải

  • Từ khóa
111329

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu