Thứ 2, 20/05/2024 19:26:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 15:04, 11/05/2018 GMT+7

Tâm hồn người lính Trường Sa

Thứ 6, 11/05/2018 | 15:04:00 120 lượt xem
BP - Quần đảo Trường Sa của Việt Nam nằm về phía Nam biển Đông, gồm 138 đảo, đá, bãi ngầm, bãi san hô rải rác trên một vùng biển rộng từ Tây sang Đông khoảng từ 160.000 đến 180.000km2. Đảo gần đất liền nhất là Trường Sa, cách vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) khoảng 248 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 595 hải lý.

Căn cứ vào vị trí và khoảng cách giữa các đảo, quần đảo Trường Sa được chia thành 8 cụm: Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm và Bình Nguyên. Khí hậu, thời tiết ở vùng biển quần đảo Trường Sa khác biệt lớn với các vùng ven bờ, rất khắc nghiệt. Hiện tượng giông, bão, lốc trên vùng biển quần đảo này xảy ra quanh năm, tháng nào cũng có và tập trung vào các tháng mùa mưa. Bù lại, nguồn lợi hải sản ở Trường Sa rất phong phú và đa dạng, gồm nhiều loại động vật quý, hiếm và có giá trị kinh tế cao, nhất là tôm hùm, vích và cá ngừ đại dương...

Từ nhiều thế kỷ nay, Việt Nam là quốc gia đầu tiên phát hiện, quản lý và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa một cách liên tục, hòa bình theo quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Và ngày nay, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng đang ngày đêm vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tuy phải sống xa đất liền, thời tiết và khí hậu lại vô cùng khắc nghiệt, nhưng cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa đã khuất phục được thiên nhiên hung dữ để phục vụ đời sống vật chất và tinh thần cho mình. Những hình ảnh sau đây phần nào phản ánh tâm hồn của người lính với tinh thần “đảo là nhà, biển cả là quê hương”.

Mỗi khi có đoàn từ đất liền ra thăm, cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa Lớn lại tổ chức giao lưu văn nghệ. Điều đặc biệt, xuất thân từ nhiều vùng miền của Tổ quốc, nên trong các buổi giao lưu, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã thể hiện rất tốt các thể loại: Chèo, cải lương, ca cổ, tân nhạc... Trong ảnh: Các chiến sĩ ở đảo Trường Sa Lớn giao lưu văn nghệ với ca sĩ của đoàn nghệ thuật Hải Đăng tỉnh Khánh Hòa.

Người xưa có câu “trong cái khó ló cái khôn”. Và chính trong điều kiện thiếu thốn, các chiến sĩ ở Trường Sa đã tận dụng vật liệu dư thừa từ các công trình xây dựng để sáng tạo ra giá đỡ chậu cây cảnh mang nét độc đáo riêng có. Trong ảnh: Những chậu cây cảnh trong khuôn viên Sở chỉ huy đảo Trường Sa Đông.

Mặc dù thời tiết, khí hậu khắc nghiệt là vậy, nhưng cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa Lớn vẫn tạo dựng được một vườn cây cảnh với nhiều loại hoa nở quanh năm. Trong ảnh: Một góc vườn cây cảnh ở đảo Trường Sa Lớn.

Ở quần đảo Trường Sa, đảo nào cũng có thư viện. Sách báo ở đây chủ yếu là các loại sách pháp luật, báo, tạp chí của các cơ quan báo chí từ đất liền gửi tặng mỗi khi có đoàn ra thăm. Vì vậy, ngoài thời gian trực, rèn luyện, tăng gia sản xuất, cán bộ, chiến sĩ trên các đảo ở quần đảo Trường Sa còn được tham khảo các loại sách, báo, tạp chí. Trong ảnh: “Thư viện” ở đảo An Bang (ảnh lớn). Mỗi đoàn ra thăm Trường Sa đều để lại lưu bút tại các đảo. Đây là những lời động viên, cổ vũ, nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ ở các đảo. Trong ảnh: Dòng lưu bút của nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến tại đảo Sinh Tồn (ảnh nhỏ).

Vì ở Trường Sa quanh năm gió lớn nên việc thiết kế các nhà giàn, nhà công vụ trên đảo đều có góc khuất để tránh gió. Tận dụng các góc khuất này, cán bộ, chiến sĩ ở đảo Núi Le B đã tạo thành “tiểu công viên” làm dịu khí hậu xung quanh ngôi nhà.

Không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, tích cực tăng gia sản xuất, nhiều cán bộ, chiến sĩ trên các đảo ở quần đảo Trường Sa còn tạo ra nhiều sản phẩm đặc sắc, độc đáo. Trong ảnh: Chậu hoa mai - cành làm bằng dây kẽm quấn vải ni-lon, lá cũng bằng vải ni-lon nhuộm màu và hoa là một loại ốc sẵn có ở biển Trường Sa.

Ở Trường Sa, cây trồng chủ yếu là bàng vuông và tra. Đặc biệt, cây tra vừa cho bóng mát vừa có hương thơm. Lá và hoa của cây tra gần giống lá và hoa của cây hoa sữa. Tuy nhiên, để có được những cây tra đẹp, cán bộ, chiến sĩ trên các đảo phải tốn nhiều công sức chăm sóc, tạo dáng. Trong ảnh: Cây tra cổ thụ trong khuôn viên xanh, sạch, đẹp ở đảo Song Tử Đông.

Thanh Hải

  • Từ khóa
111325

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu