Thứ 2, 20/05/2024 16:30:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 08:11, 06/02/2018 GMT+7

Làng chài của đất thép Vĩnh Linh

Thứ 3, 06/02/2018 | 08:11:00 149 lượt xem

BP - Tỉnh Quảng Trị có một địa danh lịch sử đặc biệt, đó là làng Vịnh Mốc, thuộc xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh. Đây không chỉ là làng địa đạo kiên cường trong kháng chiến chống Mỹ mà còn là một làng chài giàu truyền thống đoàn kết, nằm trên bờ biển phía đông nam thị trấn Hồ Xá, cách Cửa Tùng 7km về phía bắc và cách đảo Cồn Cỏ 30km. Sau ngày đất nước thống nhất, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du Lịch) đã có quyết định công nhận địa đạo Vịnh Mốc là di tích quốc gia và đưa vào danh mục di tích đặc biệt quan trọng.

Một góc làng chài Vịnh Mốc hiện nay - Ảnh internet

Làng chài Vịnh Mốc dọc bờ biển khoảng 1,5km. Từ xưa, người dân Vịnh Mốc làm nghề chài lưới nên tập trung sống ở bãi cát để thuận tiện ra khơi, nhà chỉ làm đơn sơ, không nghĩ đến chuyện định cư trên đất liền. Nếu năm nào bị thiên tai tàn phá thì người dân làm lại chỗ trú ngụ để mưu sinh từ nghề đánh bắt gần bờ. Qua nhiều thế hệ, cuộc sống của ngư dân Vịnh Mốc vẫn không khá lên được, chỉ đắp đổi cuộc sống với những sản vật từ biển như cá, tôm, cua, ruốc, rong biển... Chính cuộc sống nghiệt ngã, chơi vơi đầu ngọn sóng đã gắn kết những con người cùng cảnh ngộ lại với nhau để chống chọi thiên nhiên và tìm cách mưu sinh. Từ đó, làng Vịnh Mốc lập ra những bãi đá bằng phẳng dọc tuyến biển làm chỗ cúng tế hằng năm, cầu trời yên biển lặng để ngư dân ra khơi đánh bắt được nhiều hải sản.

Trong chiến tranh chống Mỹ, làng chài Vịnh Mốc cũng như tất cả làng quê trên mảnh đất Vĩnh Linh chìm trong khói lửa đạn bom của giặc. Hòa bình lập lại, người dân Vịnh Mốc hiểu rõ giá trị của cuộc sống mới, từng bước vượt qua khó khăn, xây dựng làng xóm ngày càng tươi đẹp. Năm 1997, Vịnh Mốc là một trong những đơn vị đầu tiên của huyện Vĩnh Linh phát động xây dựng “làng văn hóa” và được tỉnh công nhận đạt chuẩn lần thứ nhất vào năm 1999, công nhận lần thứ hai vào năm 2011. Từ một làng biển nghèo bị chiến tranh tàn phá, Vịnh Mốc hôm nay đã mang trên mình màu sắc xanh tươi, trẻ trung. Làng Vịnh Mốc hiện đã đạt các tiêu chí xanh - sạch - đẹp - an toàn của huyện Vĩnh Linh. Ai đến thăm Vĩnh Thạch - là một trong 3 xã thuộc huyện Vĩnh Linh đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Quảng Trị từ năm 2014, cũng đều ghé thăm làng Vịnh Mốc để học hỏi kinh nghiệm về những thành công trong xây dựng làng văn hóa ở vùng biển này. Một vùng quê bền bỉ vươn lên từ nội lực, xây dựng cuộc sống thay đổi qua từng mùa biển. Người dân trong làng từ nghèo khó đi lên nên tình làng nghĩa xóm gắn bó thủy chung, đoàn kết vững bền. Từ chỗ dân cư thưa thớt sau chiến tranh, Vịnh Mốc hôm nay đã có gần 1.600 người. Tiềm năng kinh tế biển dồi dào là thế mạnh của Vịnh Mốc trong quá trình phát triển bền vững. Hiện Vịnh Mốc có 112 thuyền với công suất từ 6CV đến 12CV, khai thác hải sản gần bờ. Với công suất thuyền nhỏ, khó vươn xa khơi như các làng biển khác, do đó Vịnh Mốc đang khuyến khích ngư dân đầu tư nâng cấp, đóng mới tàu công suất lớn hơn để có thể đi biển dài ngày. Ngoài nghề ngư, người dân nơi đây còn trồng trọt, chăn nuôi nên cuộc sống khá ổn định, không lo lắng khi biển động. Từ một làng chài nghèo đói, thường xuyên thiếu ăn mùa giáp hạt nhưng đến nay, Vịnh Mốc đã xóa được đói, từng bước đẩy lùi cái nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng mỗi năm, đời sống vật chất và tinh thần ngày một phát triển.

Đến Vĩnh Linh, thăm làng chài ai cũng đều mang về hình ảnh làng Vịnh Mốc với tình cảm yêu mến và mong muốn trở lại để thưởng thức các đặc sản từ biển. Đặc biệt, về đây chúng ta còn được khám phá một làng hầm địa đạo trong lòng đất như đang kể về huyền thoại một thời oanh liệt chống ngoại xâm tại một miền quê ven biển của đất thép Vĩnh Linh anh hùng. (*)

Đức Hồng
(*) Bài viết tham khảo thêm Tạp chí Du lịch

  • Từ khóa
111312

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu