Thứ 2, 20/05/2024 16:38:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 07:58, 16/01/2018 GMT+7

Làng chài cổ nhất của Việt Nam

Thứ 3, 16/01/2018 | 07:58:00 287 lượt xem
BP - LTS: Theo số liệu của Bộ Khoa học - Công nghệ, chiều dài bờ biển Việt Nam là 3.350km, đứng thứ 32 về chiều dài bờ biển trong tổng 156 nước có biển. Với 3 mặt giáp biển, 28 tỉnh, thành có biển… vị mặn mòi của biển cả đã trở nên thân thương, ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân nước Việt. Dọc bờ biển của dải đất hình chữ S có rất nhiều danh lam thắng cảnh hùng vĩ nhưng các làng chài ven biển lại có sức hấp dẫn lạ kỳ.

Từ số báo này, Tòa soạn xin giới thiệu đến bạn đọc một số làng chài tiêu biểu của cư dân ven biển nước ta.

Đó là làng chài Cái Bèo thuộc khu 2B Bến Bèo, thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải (Hải Phòng), có tuổi đời lên tới 7.000 năm. Năm 1938, nữ khảo cổ học người Pháp tên M.Colani đã phát hiện di chỉ ngoài trời vịnh làng chài Cái Bèo và khẳng định đây là nôi văn hóa cổ của Việt Nam. Sau đó, các nhà khảo cổ nước ta đã khảo sát và manh nha phát hiện nôi văn hóa biển; năm 1981, phát hiện nhiều hiện vật đá, đến năm 1986, tìm được gần 180 công cụ đá. Những mẫu vật thu thập được đã khẳng định, di chỉ Cái Bèo gồm 2 giai đoạn văn hóa là văn hóa tiền Hạ Long và văn hóa Hạ Long. Các bằng chứng khảo cổ tìm được cho thấy, Cái Bèo là nơi cư trú của cư dân cổ, phát triển qua nhiều thời đại từ trung kỳ đá mới đến sơ kỳ đồ đồng. Từ săn bắt, hái lượm, đánh cá sang định cư nông nghiệp được coi là quá trình phát triển văn hóa Cái Bèo sang văn hóa Hạ Long. Toàn bộ cơ sở khoa học nêu trên có thể khẳng định rằng, di chỉ Cái Bèo thực sự là một bảo tàng văn hóa biển Việt Nam và là điểm du lịch ý nghĩa mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến với biển Cát Bà. Năm 2009, làng chài Cái Bèo được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Một góc làng chài Cái Bèo - Ảnh internet

Hiện nay, làng chài Cái Bèo có trên 300 hộ, với trên 600 người sinh sống phần lớn bằng nghề đánh bắt và nuôi thủy hải sản. Làng chài gồm nhiều nhà thuyền nổi liền kề, kết lại san sát với nhau. Cư dân làng chài gắn với hoạt động đánh bắt thủy sản, nuôi cá lồng và những năm gần đây là làm du lịch. Thuyền thúng là phương tiện di chuyển chính của người dân làng chài Cái Bèo. Cuộc sống của người dân nơi đây phụ thuộc và gắn bó với biển. Biển cho họ lương thực, hải sản, cho họ cái nghề chèo đò, nghề chài lưới và biển tạo cho nơi đây vẻ đẹp tinh khôi, trong lành. Nhờ cảnh quan của biển mà cư dân làng chài được nhiều người đến thăm. Tới đây, người ta thấy Cái Bèo không chỉ là di sản văn hóa biển tiêu biểu, đặc sắc của dân tộc mà còn có cả sự thú vị của khu làng nổi với khung cảnh nên thơ trong cuộc sống mưu sinh cha truyền con nối của từ hàng ngàn năm qua. Biển của làng chài Cái Bèo được thiên nhiên ưa ái ban cho một vẻ đẹp như bức tranh thủy mặc. Làn nước xanh lục, núi đá nhấp nhô. Vẻ đẹp thiên nhiên hòa quyện cuộc sống nhộn nhịp của một làng chài lâu đời đã thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến đây ngày càng nhiều. Việc đi lại, tham quan bằng đò trở thành phương tiện chính ở làng chài Cái Bèo. Trên mặt nước bồng bềnh, làng chài nổi gồm nhiều nhà thuyền kết liền với nhau thành nhóm. Từ nhà này có thể dễ dàng bước sang nhà kia trên một chiếc cầu nhỏ bắc ngang. Chiếc thuyền vừa là nhà, vừa là phương tiện kiếm sống nay đây mai đó của ngư dân làng chài.

Trời yên, biển lặng, dân chài neo thuyền, thả lưới, buông câu, bắt tôm, cá. Biển động, sóng to thì vào vịnh, về đất liền cư trú đợi lúc bình yên lại ra khơi. Hoạt động kinh tế này không chỉ giúp cư dân làng chài có cuộc sống đủ đầy, mà còn tạo nên một nét đẹp riêng của cuộc sống nơi đây. Sinh hoạt ở làng chài rất độc đáo và thú vị. Mỗi buổi sáng, khi mặt trời nhô lên khỏi mặt biển Cát Bà, lũ cá quẫy mình đòi ăn làm xao động cả một vùng nước, hòa cùng tiếng í ới gọi nhau đi học của trẻ em làng chài... đã tạo nên những âm thanh trong khung cảnh ban mai mà không nơi nào có được. (*)

Đức Hồng
(*)Bài viết tham khảo nguồn Tạp chí Du lịch Việt Nam

  • Từ khóa
111310

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu