Thứ 2, 20/05/2024 16:08:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 10:09, 05/12/2017 GMT+7

Dấu ấn lịch sử trên đảo Lý Sơn

Thứ 3, 05/12/2017 | 10:09:00 99 lượt xem

BP - Trong chuyến thăm Lý Sơn, các đồng nghiệp ở Báo Quảng Ngãi nói với chúng tôi, để khám phá hết huyện đảo này không chỉ một vài ngày mà cả đời làm báo chưa chắc đã viết hết được. Bởi lẽ, Lý Sơn là vùng biển đảo có bề dày lịch sử hàng ngàn năm, là địa danh ghi dấu son trong những trang sử vàng của người dân miền Trung trải qua bao đời gắn bó, gìn giữ từng tấc biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trên các hòn đảo của huyện Lý Sơn hôm nay, ngoài dấu tích của sự phun trào núi lửa hàng triệu năm trước còn có hàng trăm di tích lịch sử và những thắng cảnh tuyệt đẹp.

Khu du lịch thắng cảnh Hang Câu (Lý Sơn)

Đảo Lý Sơn cách đất liền khoảng 30km. Cùng với các khung cảnh tuyệt vời của thiên nhiên ban tặng, Lý Sơn còn có những ngôi đền, chùa cổ linh thiêng. Đó là chùa Hang, chùa Đục, hang Câu, miếu bà Chúa Ngọc, đình làng An Hải, dinh Bà Roi, giếng Vua, miệng Núi lửa, di tích hải đội Hoàng Sa - Trường Sa, Âm Linh Tự và một số ngôi mộ cổ... Trong số này nổi tiếng nhất là chùa Hang, đây là hang động lớn nhất đảo dùng để thờ Phật, được tạo thành từ thế kỷ XVI. Hang có bề ngang 30m ăn sâu vào núi trên 25m theo kiểu hàm ếch. Trong hang có những kỷ đá, giường đá rất đẹp. Trước cửa hang là dãy cây bàng cổ thụ cành lá xum xuê phủ kín, trước dãy bàng là tượng Quan Thế Âm hướng ra biển. Đình làng An Hải (trước kia gọi là Lý Hải) là di tích lịch sử văn hóa quốc gia, được xây dựng năm 1820, đến nay còn giữ nguyên vẹn những nét chính của kiến trúc ban đầu. Đây là ngôi đình làng cổ nhất của tỉnh Quảng Ngãi, là nơi tổ chức các lễ hội, sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Chùa Đục xây dựng trong một hang đá trên núi Giếng Tiền được tái tạo rất sống động. Âm Linh Tự là nơi tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa và lưu giữ những ngôi mộ của người lính Hoàng Sa đã hy sinh vì nước.

Ngày 31-8-2017, Tổng công ty Điện lực miền Trung chính thức đóng và cấp điện cho nhân dân đảo Bé (xã An Bình) từ Dự án điện năng lượng mặt trời. Dự án điện năng lượng mặt trời ở đảo Bé có tổng vốn đầu tư 10,6 tỷ đồng, đặt trong một khu vườn rộng khoảng 2.000m2, với 300 tấm pin năng lượng mặt trời, một hệ thống ắc-quy tích trữ điện phục vụ người dân. Dự án cung cấp khoảng 166MWh điện năng và giảm thải được tới hơn 92,6 tấn CO2 ra môi trường mỗi năm, tạo nguồn năng lượng tái tạo xanh, sạch, bảo vệ môi trường đảo Bé. Đây là nguồn điện ổn định thắp sáng hòn đảo tiền tiêu Tổ quốc.

Núi Thới Lới trên đảo cao 170m, là một trong 5 ngọn núi lửa ở Lý Sơn, đây cũng là nơi xây dựng cột cờ chủ quyền trên huyện đảo. Trên núi Thới Lới hiện vẫn còn vết tích của miệng núi lửa, năm 2012 được xây dựng thành hồ chứa nước mưa cùng với mạch nước ngầm vốn có để cung cấp nước cho những cánh đồng thuộc xã An Hải. Núi Giếng Tiền là nơi tọa lạc của chùa Đục. Đỉnh Liêm Tự có dáng hình rất đẹp, nơi đây còn có truyền thuyết về bàn cờ tiên, vào những đêm trăng rằm chư tiên rủ nhau xuống đánh cờ vì ngỡ ngàng trước cảnh đẹp chẳng khác gì chốn bồng lai tiên cảnh. Đứng trên núi Giếng Tiền nhìn ra xa là đảo Bé (xã An Bình), cách đảo Lý Sơn khoảng 3 hải lý, cũng là nơi còn nhiều vết tích của núi lửa. Đặc biệt tại Lý Sơn, cổng Tò Vò là dấu tích rõ nhất từ hoạt động phun trào núi lửa hàng triệu năm trước. Theo đánh giá của các nhà khảo cổ, khi nham thạch gặp nước biển thì đông cứng lại tạo nên vòm đá độc đáo này. “Vòm cổng” bằng đá cao khoảng 2,5m, có hình thù ngoạn mục và hoàn toàn không có sự tác động nào của bàn tay con người. Đây là kiệt tác hiếm có mà thiên nhiên ban tặng cho vùng biển Lý Sơn.

Lý Sơn còn có những hiện vật bằng đá, gốm sứ Trung Hoa, Chăm, Đại Việt. Đặc biệt trong lòng hòn đảo lịch sử này ẩn chứa rất nhiều di chỉ văn hóa Chăm và Sa Huỳnh. Bên cạnh những thắng cảnh đẹp mê hồn, những khu du lịch nổi tiếng, Lý Sơn còn được biết đến là nơi lưu lại nhiều bằng chứng lịch sử về chủ quyền biển Đông của Việt Nam. Những bằng chứng vật thể và phi vật thể còn lưu lại hàng trăm năm qua tại Lý Sơn đã chứng tỏ Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời của Tổ quốc.

 Đức Hồng
(Nguồn quangngai.gov.vn)

  • Từ khóa
111305

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu