Thứ 2, 20/05/2024 16:06:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 14:46, 17/10/2017 GMT+7

Côn Đảo - hình mẫu trong bảo tồn rùa biển

Thứ 3, 17/10/2017 | 14:46:00 151 lượt xem

BP - Huyện Côn Đảo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ nằm giữa đại dương, cách thành phố Vũng Tàu 97 hải lý. Ngày nay, Côn Đảo đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Biển Côn Đảo là một trong những vùng biển được ưu tiên bảo vệ cao nhất do có sự đa dạng, phong phú về các loài sinh vật biển, các hệ sinh thái, với nhiều rạn san hô, thảm cỏ biển độc đáo. Côn Đảo là hình mẫu cho công tác bảo tồn biển ở Việt Nam, tiêu biểu là các hoạt động của Vườn quốc gia Côn Đảo.

Đem trứng rùa biển về hố ấp

Vườn quốc gia Côn Đảo có diện tích gần 20.000 ha, trong đó 6.000 ha trên cạn và 14.000 ha biển. Vườn quốc gia là đơn vị đặc thù vừa quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học trên cạn vừa quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học ở biển. Các tổ chức khoa học trong và ngoài nước đánh giá Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi có tiềm năng đa dạng sinh học cao, các hệ sinh thái phong phú, có nhiều loại động - thực vật quý hiếm; là khu vực có ý nghĩa quan trọng toàn cầu về sinh vật biển. Năm 2014, một phần Vườn quốc gia Côn Đảo được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) trao tặng danh hiệu khu Ramsar thứ 2203 của thế giới và là khu Ramsar biển đảo đầu tiên của Việt Nam. Theo thống kê, Vườn quốc gia Côn Đảo có 1.077 loài thực vật rừng, 160 loài động vật rừng và 1.725 loài sinh vật biển. Đây còn là nơi phân bố của các loài nguy cấp, đang bị đe dọa như bò biển dugong, rùa biển... Vì vậy, Vườn quốc gia Côn Đảo đóng vai trò hỗ trợ các loài động - thực vật trong việc duy trì đa dạng sinh học tại Việt Nam và của thế giới; đồng thời cung cấp nguồn thức ăn cho các loài động vật thủy sinh; là địa bàn sinh sản, nuôi dưỡng của nhiều loài sinh vật biển. Các vùng nước nông của Côn Đảo có nhiều rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn. Đặc biệt, tại Vườn quốc gia Côn Đảo có 14 bãi biển rùa lên đẻ trứng, với tổng diện tích hàng chục ngàn mét vuông.

Trước kia, ở Côn Đảo có rất nhiều rùa biển lên đẻ trứng. Người dân vẫn thường bắt chúng để ăn thịt và nhặt trứng rùa bán. Thịt bò biển dugong thì đôi khi bán ở ngoài chợ như thịt bò. Từ khi có sự quản lý chặt chẽ của Ban quản lý Khu bảo tồn biển, nhất là sự trợ giúp của các cán bộ dự án trong tuyên truyền nên người dân đã hiểu ra, không còn ăn thịt rùa và trực tiếp tham gia bảo tồn. Một số hoạt động hỗ trợ công tác bảo tồn rùa biển như tập huấn chuyên môn, quan hệ quốc tế... cũng đã được tổ chức. Nhờ đó, công tác bảo tồn rùa biển ở Côn Đảo đã đạt hiệu quả cao. Hằng năm từ tháng 7 đến giữa tháng 8, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế tuyển tình nguyện viên ra Côn Đảo nhân mùa rùa biển sinh nở. Đây là dịp tốt để thanh niên tình nguyện được tham gia những hoạt động ý nghĩa có tính quốc tế cũng như trải nghiệm cuộc sống với thiên nhiên nơi đảo Ngọc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định số 811/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016-2025. Mục tiêu đặt ra là bảo tồn, bảo vệ hiệu quả, bền vững các quần thể rùa biển và nơi sinh cư của chúng tại Việt Nam. Bộ cũng đề ra các nhiệm vụ nhằm giảm thiểu các tác nhân gây tử vong cho rùa biển; thiết lập các vùng cấm khai thác có thời hạn để bảo vệ khu vực sinh sản, nơi sống của rùa biển; áp dụng kỹ thuật, cải tiến ngư cụ khai thác hải sản giảm tử vong cho rùa biển, định kỳ kiểm tra, xác định các điểm nóng về khai thác, mua bán, vận chuyển và giết mổ rùa biển. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc để bảo vệ, bảo tồn hiệu quả rùa biển ở Côn Đảo.

Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công và hiệu quả nhất về chương trình bảo tồn, cứu hộ rùa biển, đóng góp rất quan trọng trong chiến lược hành động đa dạng sinh học của quốc gia và khu vực. Ghi nhận những thành công và đóng góp quan trọng đó, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã 2 lần xác lập kỷ lục cho Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi nuôi ấp, thả về tự nhiên nhiều rùa biển nhất Việt Nam và là vườn quốc gia duy nhất có đầy đủ các dạng sinh thái.

Đức Hồng

  • Từ khóa
111299

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu