Thứ 2, 20/05/2024 19:15:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 13:11, 08/08/2017 GMT+7

Giá trị sinh học đa dạng của Khu bảo tồn biển Cồn Cỏ

Thứ 3, 08/08/2017 | 13:11:00 231 lượt xem

BP - Ngày 21-4-2010, Khu bảo tồn biển (KBTB) Cồn Cỏ (huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị) chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Đây là KBTB thứ 4 ra đời trong hệ thống mạng lưới 16 KBTB đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. KBTB Cồn Cỏ có tổng diện tích 4.532 ha, bao gồm 3 phân khu chức năng: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 534 ha; phân khu phục hồi sinh thái 1.392 ha và phân khu phát triển 2.376 ha. Với vai trò, vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, KBTB Cồn Cỏ được đánh giá là một trong những vùng biển ở Việt Nam có mức độ đa dạng sinh học cao, hệ sinh thái rạn san hô phong phú và nhiều loài động - thực vật quý hiếm.

Ngày 11-7-2017, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ khánh thành cột cờ Tổ quốc trên huyện đảo Cồn Cỏ và công bố mở tuyến du lịch ra đảo. Công trình cột cờ có tổng vốn 3,56 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách xã hội hóa. Cột cờ Tổ quốc trên đảo Cồn Cỏ cao 38,8m, diện tích lá cờ 24m2. Hiện nay, huyện đảo Cồn Cỏ đã xây dựng cơ sở vật chất, trùng tu các di tích lịch sử, hướng dẫn người dân chế biến, sản xuất sản phẩm đặc trưng để phục vụ hoạt động du lịch.

Viện Tài nguyên và Môi trường biển hiện đã thống kê được 57 loài rong cỏ biển, 67 loài động vật đáy, 19 loài giáp xác, 224 loài cá biển khơi, 87 loài cá rạn san hô, 164 loài thực vật phù du, 68 loài (nhóm) động vật phù du trong vùng biển đảo Cồn Cỏ. Tổng trữ lượng nguồn hải sản vùng biển này ước đạt khoảng 40.000 tấn, trong đó có nhiều loài hải sản quý hiếm, giá trị kinh tế cao như: Rùa biển, tôm hùm bông, hải sâm, vẹm xanh, cá hải quỳ, cá mao tiên, trai tai tượng, bào ngư, ốc đụn, hải sâm, sao biển... Đặc biệt, có loài cua đá vừa sống trên cạn vừa sống dưới nước hiện đã được đưa vào danh sách động vật được bảo vệ nghiêm ngặt vì đang trên bờ tuyệt chủng. Đảo Cồn Cỏ cũng nổi tiếng về loại cây phong ba, cây bàng vuông và một số loài thực vật khác. Bên cạnh đó, rạn san hô ở Cồn Cỏ được đánh giá tốt về độ phủ cao, đa dạng về thành phần loài và còn khá nguyên vẹn. Theo khảo sát của ngành chức năng, hiện san hô Cồn Cỏ có 113 loài, 42 giống, 15 họ, trong đó có nhiều loài san hô quý, hiếm. Riêng san hô đỏ ở đây là loài lần đầu tiên được phát hiện tại biển nước ta. San hô đỏ cũng gắn liền với những truyền thuyết nổi tiếng ở Cồn Cỏ và trở thành sản vật quý hiếm. Rạn san hô có tầm quan trọng đối với nguồn tài nguyên thủy sản cũng như ảnh hưởng đến mức độ đa dạng sinh học của khu bảo tồn. Vì vậy, việc bảo vệ các rạn san hô có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong sự phát triển bền vững của vùng biển đảo nơi đây.

Sau 7 năm KBTB Cồn Cỏ được thành lập, không chỉ góp phần đảm bảo cân bằng sinh thái cho toàn vùng biển, bảo vệ đa dạng sinh học, điều hòa môi trường và nguồn giống thủy sản; mà còn có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế lâu dài, đối với nghiên cứu khoa học và du lịch sinh thái biển. Do đó việc hình thành KBTB Cồn Cỏ là nền tảng để tỉnh Quảng Trị thực hiện quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo một cách tổng hợp, thống nhất và hiệu quả; đồng thời có ý nghĩa pháp lý to lớn nhằm góp thêm cơ sở và cung cấp các công cụ hành chính, pháp luật trong đấu tranh bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia, chủ quyền biển, đảo trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Hiện Ban quản lý KBTB Cồn Cỏ đã lắp đặt hệ thống phao đánh dấu phân vùng, đồng thời phối hợp Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cùng bộ đội biên phòng trên đảo tổ chức tuần tra, giám sát cả trong và bên ngoài KBTB. Thành lập nhóm tình nguyện viên là những người dân sống trên đảo vừa làm tuyên truyền vừa tham gia giám sát và phát hiện kịp thời những hành vi gây tác động xấu đến KBTB Cồn Cỏ. (*)

Đức Hồng
(*) Bài viết có tham khảo tài liệu Tạp chí Môi trường

  • Từ khóa
111292

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu