Thứ 2, 20/05/2024 15:41:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 08:54, 18/07/2017 GMT+7

Nguy cơ ô nhiễm Khu bảo tồn biển Hòn Cau

Thứ 3, 18/07/2017 | 08:54:00 75 lượt xem
BP - Khu bảo tồn biển Hòn Cau (thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) được đánh giá cao về hệ sinh thái, tài nguyên và là một trong 16 hệ thống khu bảo tồn biển của nước ta đã được Chính phủ phê duyệt. Hòn Cau là một hòn đảo nhỏ, cách bờ khoảng 9km, nhìn từ xa như một chiến hạm giữa biển.

Khu bảo tồn biển Hòn Cau có diện tích 12.500 ha. Đảo Hòn Cau được bao quanh bởi hàng ngàn khối đá có nhiều màu sắc và hình thù khác nhau, nằm thành cụm, nhóm hoặc riêng lẻ. Hệ sinh thái biển ở đây phong phú, điển hình vùng biển nhiệt đới, với những rạn san hô đủ màu sắc, chủng loại và là vùng biển có nhiều loài động - thực vật biển quý hiếm. Với vẻ đẹp hoang sơ, đa dạng hệ sinh thái biển, Hòn Cau đang thu hút nhiều du khách tới tham quan, khám phá. Tại đây, hằng năm dân vạn chài còn có lễ hội cầu ngư truyền thống vào ngày rằm tháng 4 âm lịch, thu hút đông người dân địa phương và du khách. Điểm đặc biệt của Hòn Cau là quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2km với trên 200 loại san hô. Theo kinh nghiệm của bà con ngư dân, khu vực phía đông và đông bắc của Hòn Cau có các rạn ngầm chính là bãi đẻ của 3 loài tôm hùm bông, tôm hùm đỏ và tôm hùm xanh. Kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, vùng biển xung quanh đảo Hòn Cau có sự hiện diện của các loài thủy sinh vật quý hiếm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng ở các mức độ khác nhau. Mặt khác, nơi đây còn được xem là bãi sinh sản của rùa biển, đồi mồi và nhiều loài cá khác. 

Bãi Tiên là một trong những điểm đến hoang sơ và đẹp của đảo Hòn Cau - Ảnh: TTXVN

Khu bảo tồn biển Hòn Cau được thành lập tháng 9-2012 với mục tiêu duy trì và bảo vệ tài nguyên biển, bảo vệ đa dạng sinh học, nơi quần cư của các loài sinh vật biển, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế sinh thái, quản lý và sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản. Thế nhưng trong những ngày vừa qua, việc Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho Điện lực Vĩnh Tân đổ gần 1 triệu mét khối bùn, chất thải rắn xuống biển cạnh Khu bảo tồn biển Hòn Cau, đe dọa nghiêm trọng đến khu vực này. Đây là vấn đề đã và đang thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu biển và dư luận trong nước. Khu vực đổ bùn, chất thải có diện tích 30 ha, cách Khu bảo tồn biển Hòn Cau 8km. Điều khiến dư luận lo lắng là việc đổ bùn, chất thải ra biển được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép thực hiện “cấp tốc” từ tháng 7 đến hết tháng 10-2017. Như vậy, liệu tỉnh Bình Thuận có kịp chuẩn bị để thực hiện các biện pháp giám sát? Các doanh nghiệp nuôi tôm giống và nông dân nuôi trồng thủy sản trong vùng đang rất lo lắng xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển từ việc đổ thải. Bởi lẽ, lúc đó Điện lực Vĩnh Tân có ngừng đổ thì thiệt hại bà con đã gánh chịu.

Các nhà khoa học nghiên cứu về biển cho rằng, Khu bảo tồn biển Hòn Cau là vùng nước trồi, là vùng biển có giá trị to lớn, lâu dài về môi trường, nhất là đa dạng sinh học. Việc đổ bùn, chất thải gần khu bảo tồn biển như vậy sẽ ảnh hưởng đến môi trường, nguy cơ hư hại toàn bộ hệ sinh học, phá đi nền tảng để phát triển kinh tế biển. Tại buổi tọa đàm “Tác động của nhiệt điện than đến môi trường biển và cuộc sống của người dân - Phân tích từ Khu bảo tồn biển Hòn Cau”, do Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển tổ chức từ ngày 17-2-2017 tại thành phố Hồ Chí Minh đã cho thấy, hệ sinh thái Hòn Cau đang đứng trước nguy cơ bị tổn thương nghiêm trọng do sự vận hành, xả thải của các nhà máy nhiệt điện. Và hiện nay là việc chuẩn bị đổ gần 1 triệu tấn bùn, chất thải xuống biển này. Ngày 13-7-2017, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thông tin và giải thích trước hội nghị của HĐND tỉnh Bình Thuận xung quanh vụ nhận chìm gần 1 triệu tấn bùn, chất thải ra biển Vĩnh Tân. Ngay sau đó, nhiều chuyên gia cùng nhiều tổ chức môi trường, xã hội đã kiến nghị lên Thủ tướng đề nghị dừng ngay việc xả thải ra biển Vĩnh Tân để cứu môi trường khu bảo tồn biển quý giá này.

Đức Hồng

  • Từ khóa
111289

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu