Thứ 2, 20/05/2024 17:44:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 14:51, 14/09/2016 GMT+7

Học viện Hải quân - nơi tạo nguồn lực giữ gìn biển, đảo

Tiến Bình
Thứ 4, 14/09/2016 | 14:51:00 3,849 lượt xem

BP - Trong giờ giải lao hội nghị tập huấn tuyên truyền về biển, đảo tại Học viện Hải quân ở thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) ngày 25-8-2016, Chuẩn đô đốc, Phó chính ủy Quân chủng Hải quân Đặng Minh Hải hỏi tôi: “Bình Phước có bao nhiêu người đang tham gia lực lượng Hải quân Việt Nam?”. Từ câu hỏi của Phó chính ủy Quân chủng, trong 2 ngày ở tại Học viện Hải quân, tôi đã cố gắng tìm hiểu xem có “đồng hương” nào đang làm cán bộ khung hay là học viên ở đây không nhưng đành thất vọng. Trong danh sách 280 tân sinh viên của học viện năm 2016 cũng không thấy người nào quê ở Bình Phước.

Thật là tiếc! Bởi được vào học và làm việc trong Học viện Hải quân không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của tuổi trẻ mà còn là cơ hội để đóng góp sức lực, trí tuệ của mình trong công cuộc gìn giữ, bảo vệ biển đảo Tổ quốc.

NGÔI TRƯỜNG ĐÀO TẠO ĐẶC BIỆT

Học viện Hải quân là một ngôi trường giàu thành tích, trực thuộc Quân chủng Hải quân Việt Nam. Đây là trường chuyên đào tạo sĩ quan chỉ huy hải quân cấp phân đội và chỉ huy tham mưu hải quân cấp chiến thuật, chiến dịch trình độ đại học quân sự và sau đại học. Học viện được thành lập ngày 26-4-1955, hiện đóng tại số 30, đường Trần Phú, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang. Trải qua hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, học viện đã không ngừng được củng cố và phát triển toàn diện. Nhiệm vụ và quy mô đào tạo của nhà trường ngày càng mở rộng cả về trình độ học vấn cũng như chức vụ đào tạo.

Những học viên trẻ đang học tập tại Học viện Hải quân

Sĩ quan phân đội trình độ đại học đào tạo học viện thời gian 5 năm, với các ngành, chuyên ngành: Điều khiển tàu biển quân sự; Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử hải quân; Công nghệ kỹ thuật điện tử hải quân; Công nghệ kỹ thuật điện tàu biển quân sự; Vận hành và khai thác máy tàu biển quân sự; Chỉ huy tàu Cảnh sát biển; Chỉ huy tàu biên phòng. Đối với việc đào tạo sĩ quan cấp phân đội trình độ cao đẳng chuyên ngành, chỉ huy tàu mặt nước quân sự, thời gian học 4 năm. Ngoài ra, học viện còn liên kết đào tạo đại học và sau đại học với các trường trong và ngoài quân đội; đào tạo sĩ quan hải quân quốc tế; đào tạo tiếng Anh hàng không... Những sĩ quan cấp phân đội, tốt nghiệp Học viện Hải quân sẽ đảm nhiệm các chức danh phó trưởng ngành, trưởng ngành, phó thuyền trưởng, thuyền trưởng, chính trị viên phó, chính trị viên,.trên tàu hải quân, tàu cảnh sát biển, tàu biên phòng và các chức danh tương đương của các ngành kinh tế biển. 

Không chỉ là nơi đào tạo những sĩ quan chính quy mà Học viện Hải quân còn có bề dày thành tích trong tham gia cuộc chiến bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong chiến dịch bảo vệ quần đảo Trường Sa năm 1988 nhà trường đã có 1.157 lượt cán bộ, giáo viên, học viên, chiến sĩ tham gia 31 đội chuyển tải. Năm 1988, cán bộ, học viên của trường đã chuyển được 23.087 tấn vật tư hàng hóa từ tàu lên 7 đảo an toàn. Cán bộ, giáo viên khoa Hàng hải tham gia làm hoa tiêu cho tàu của các địa phương chở hàng đi Trường Sa an toàn. Trong trận chiến đấu ngày 14-3-1988 tại đảo Gạc Ma, 2 học viên thực tập lớp KH4 của trường đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên tàu HQ 604. Tháng 1-1979, trên mặt trận biên giới Tây Nam, nhà trường cử 176 học viên khóa 20 đến Lữ đoàn 171 vừa thực tập vừa tham gia chiến đấu và đã có 4 đồng chí hy sinh.

NIỀM TỰ HÀO CỦA HẢI QUÂN VIỆT NAM

Trung tá, Phó ban tuyên huấn Quân chủng Hải quân Lê Minh Kiêm cho biết, học tập và rèn luyện tại học viện, trở thành sĩ quan hải quân thanh niên sẽ có nhiều cơ hội để tiếp xúc và làm chủ các phương tiện, vũ khí trang bị hiện đại của Quân chủng Hải quân như: tàu mặt nước, tàu ngầm, không quân hải quân và đặc biệt là được trực tiếp đóng góp sức mình vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. 

Năm 2005, Học viện Hải quân được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ; năm 1984 được tặng Huân chương Quân công hạng Nhất; năm 1971 và 1983 được tặng 2 Huân chương Quân công hạng Ba; năm 1988 được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất; năm 1975 được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba; năm 2005 và 2010 được tặng 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Hai và Ba; năm 2015 được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. (Nguồn: Học viện Hải quân)

Thí sinh trúng tuyển vào Học viện Hải quân được bảo đảm về ăn, ở, mặc, phụ cấp hằng tháng, không phải đóng học phí, được đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ học tập và nghiên cứu khoa học. Học viên được học tập, rèn luyện toàn diện về kiến thức chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức, tác phong, nếp sống sinh hoạt chính quy theo Điều lệnh quân đội. Học viên năm thứ nhất, thứ hai có sức khỏe và rèn luyện tốt, kết quả học tập đạt khá trở lên có thể được lựa chọn đi học ở nước ngoài. Học viên tốt nghiệp ra trường sẽ được cấp bằng tốt nghiệp đại học và phong quân hàm sĩ quan từ thiếu úy trở lên. Đặc biệt, bố mẹ của học viên được Nhà nước cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong và ngoài quân đội.

Tham quan một số phòng học, phòng thực hành và nhất là tại Trung tâm Huấn luyện mô phỏng cho thấy, Học viện Hải quân là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu của Quân chủng Hải quân. Chuẩn đô đốc, Giám đốc Học viện Hải quân Ngô Quang Tiến khẳng định, học viện là môi trường lý tưởng để rèn đức, luyện tài, chắp cánh ước mơ, hoài bão của thế hệ trẻ Việt Nam khao khát vươn ra đại dương trên những con tàu luôn sẵn sàng rẽ sóng ra khơi, làm chủ khoa học - kỹ thuật, làm chủ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong những năm qua, Học viện Hải quân là nơi nuôi dưỡng, rèn luyện lớp lớp học viên, cán bộ, sĩ quan kỹ sư, cử nhân, có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, trình độ năng lực chuyên môn giỏi, đây là nguồn nhân lực cho sự nghiệp bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

  • Từ khóa
111259

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu