Thứ 2, 20/05/2024 19:13:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 15:01, 30/12/2015 GMT+7

Hải đăng Trường Sa “mắt biển” giữa đại dương

Thứ 4, 30/12/2015 | 15:01:00 215 lượt xem

BP - Nước ta có bờ biển dài trải từ Bắc vào Nam với hàng ngàn hòn đảo và quần đảo, trong đó có 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, hệ thống hải đăng rất quan trọng và được mệnh danh là “mắt biển”. Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, việc triển khai xây dựng các trạm hải đăng, nhất là trên các đảo ở quần đảo Trường Sa được đặc biệt chú trọng. Trường Sa là tiếng gọi thiêng liêng nhưng rất đỗi gần gũi với mỗi người dân Việt Nam. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, những ngọn hải đăng Trường Sa vẫn thắp sáng hằng đêm để hỗ trợ, định hướng cho tàu hàng hải an toàn giữa đại dương mênh mông.

GIAN NAN XÂY DỰNG HẢI ĐĂNG

Giữa muôn trùng sóng gió, chuyện xây dựng một ngọn hải đăng là cả một kỳ công. Việc chuyên chở vật liệu, trang thiết bị phục vụ xây dựng và bảo dưỡng hải đăng cũng như chở hàng hóa, thực phẩm tiếp tế cho anh em công nhân các trạm hải đăng đều do con tàu Hải Đăng 05 đảm nhiệm. Những người đã từng tham gia xây dựng hải đăng cho biết, khi sóng yên biển lặng không có vấn đề gì nhưng khi thời tiết xấu thì việc vận chuyển rất khó khăn. Mỗi chuyến tàu chỉ chở được hơn 1.000 tấn hàng. Nếu thiếu vật liệu thì phải quay lại lấy tiếp rồi lại trở ra. Cứ một lần vận chuyển và xây xong một ngọn hải đăng mất khoảng 2-3 tháng. Xây dựng một công trình trên đảo xa đã là một kỳ công, xây dựng những công trình trên đảo chìm, bãi san hô được coi là một kỳ tích của những người thợ.

Đến nay, trên quần đảo Trường Sa đã có 9 ngọn hải đăng, trong đó 3 ngọn được xây dựng trên các đảo chìm là Đá Lát, Đá Tây và Tiên Nữ. Bên cạnh đó, 9 ngọn hải đăng Trường Sa còn là những cột mốc chủ quyền của Tổ quốc trên biển Đông. Với tầm phát sáng xa từ 12 đến hơn 20 hải lý, các trạm hải đăng sừng sững hiên ngang quét sáng biển Đông dẫn hướng các con tàu. Những ngọn hải đăng hoàn toàn khác nhau về độ cao, hình dáng, màu sắc, tính chất sáng. Chính điều đó mà người đi biển có thể xác định được vị trí, phương hướng, tốc độ tàu, khoảng cách trước và sau con tàu của mình. Việc hình thành những trạm hải đăng tại quần đảo Trường Sa đối với ngành hàng hải nói chung, Tổng công ty bảo đảm an toàn Hàng hải miền Nam nói riêng là sự nỗ lực phi thường. Đó là sự nỗ lực trong tìm kiếm giải pháp xây dựng cơ sở vật chất, đặc biệt xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân có thể sống, làm việc nơi trùng khơi sóng gió.

NHỮNG NGƯỜI GÁC BIỂN

Để hoàn thành được những ngọn hải đăng, anh em cán bộ, công nhân phải vượt qua muôn ngàn gian khổ, thiếu thốn về vật chất, gác lại nỗi cô đơn, nỗi nhớ đất liền, người thân để xây dựng và thắp sáng hải đăng Trường Sa, là ánh sáng bảo đảm an toàn cho tuyến hàng hải huyết mạch biển Đông nối liền với thế giới. Đến nay, những ngọn hải đăng trên đảo Trường Sa không bao giờ tắt, bất kể nắng hay mưa, biển lặng hay bão tố. Những ngọn hải đăng ấy không chỉ là điểm mốc, là ánh sáng cho tàu thuyền qua lại trong đêm tối giữa đại dương bao la mà cao hơn tất cả là ánh sáng chủ quyền, khẳng định với thế giới, rằng: Biển đảo Việt Nam là đây, không gì có thể thay đổi được.

Ngoài việc chăm lo các ngọn hải đăng, ngành hàng hải còn phải bảo đảm báo hiệu cho 21 đảo và 33 điểm đảo trên vùng biển Trường Sa. Không chỉ khó khăn về vật chất, việc xa gia đình 9-10 tháng để trực canh gác trên các trạm hải đăng xa xôi cũng là một thử thách lớn trong tư tưởng của cán bộ, công nhân hải đăng. Vì vậy, Tổng công ty bảo đảm an toàn Hàng hải miền Nam luôn làm tốt công tác tư tưởng, chăm lo đời sống cán bộ, chiến sĩ, đồng thời phối hợp với Bộ tư lệnh Hải quân tổ chức Hải đội tự vệ trên biển, huấn luyện cho anh em trực canh gác trên các trạm hải đăng phương án chiến đấu, sẵn sàng phối hợp với bộ đội nếu có chiến sự xảy ra.(*)

Trong bối cảnh biển Đông hiện nay đang nóng lên do phía Trung Quốc gia tăng các hoạt động phi pháp trên biển, việc hoàn thiện hệ thống hải đăng quần đảo Trường Sa là nội dung quan trọng trong nhiệm vụ chính trị của ngành hàng hải Việt Nam. Nó không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa của giao thông đường biển mà còn góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Chính vì vậy, dù khó khăn, gian khổ đến mấy, đội ngũ cán bộ, công nhân hải đăng vẫn vững vàng về bản lĩnh, nâng cao trình độ nghiệp vụ nhằm mục đích cao nhất để hải đăng Trường Sa luôn tỏa sáng, góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển Đông.

Đức Hồng
(*) Bài viết tham khảo biendong.net.vn

  • Từ khóa
111234

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu