Thứ 2, 20/05/2024 15:41:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 07:45, 09/12/2015 GMT+7

Đẩy mạnh chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển

Thứ 4, 09/12/2015 | 07:45:00 187 lượt xem
BP - Nước ta có bờ biển dài hơn 3.260km trải từ Bắc vào Nam, với trên 31% số dân cả nước sinh sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển. Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển đảo, trong những năm qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế, góp phần tích cực cùng các lực lượng chức năng khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tàu đánh cá của ngư dân đảo Biện Sơn (Thanh Hóa)

Theo thống kê năm 2012, cả nước có 124.520 tàu khai thác hải sản, gồm 100.848 chiếc có công suất dưới 90CV, tàu cá xa bờ lắp máy trên 90CV là 25.268 chiếc, chiếm 20% trong tổng số đội tàu cá cả nước. Nghiên cứu mới đây của Viện Xã hội học cho thấy, mặc dù các nguồn tài nguyên ven biển đã bị suy giảm đáng kể nhưng hằng năm số lượng tàu thuyền đánh cá nhỏ hoạt động gần bờ lại có xu hướng tăng lên. Tuy vậy, các hộ ngư dân hầu hết vẫn còn nghèo, sinh kế chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên biển. Bên cạnh đó, vấn đề an ninh trật tự trên biển Đông đang là mối lo ngại đối với những người dân tham gia khai thác hải sản trên vùng biển của Tổ quốc. Số lượng tàu cá của Việt Nam bị nước ngoài bắt, xử phạt và đe dọa đến tài sản, tính mạng có xu hướng tăng và diễn biến phức tạp. Mới đây nhất một ngư dân Quảng Ngãi bị bắn chết trên vùng biển Trường Sa, gây lo ngại cho ngư dân. Các hoạt động đánh bắt hải sản phi pháp của tàu cá nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam diễn ra với quy mô lớn, phức tạp, có xu hướng tăng và thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Trước thực trạng đó, việc xây dựng và thực hiện các giải pháp giúp ngư dân yên tâm bám biển được đặt ra bức thiết. Cùng với nhiều giải pháp đồng bộ thì việc đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa tàu cá, khuyến khích ngư dân đầu tư hiện đại hóa tàu khai thác trên biển, chú trọng vùng biển xa bờ đã được thực hiện. Nhà nước tạo điều kiện cho ngư dân chuyển đổi dần từ tàu cá vỏ gỗ sang vỏ composite, vỏ thép và các vật liệu mới. Ngư dân tiếp tục cơ khí hóa các trang thiết bị khai thác trên tàu cá, ưu tiên trang bị máy thông tin vô tuyến điện. Các hệ thống trạm ven bờ trang bị máy thông tin liên lạc sóng tầm xa có tích hợp thiết bị hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh.

Ngày 7-7-2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Đây là một văn bản quan trọng, quy định đầy đủ, có hệ thống, đồng bộ các chính sách đối với sự phát triển của ngành thủy sản. Đó là các chính sách về xây dựng cơ sở hạ tầng cho khai thác hải sản gồm các cảng cá, bến cá; chính sách tín dụng; chính sách vay vốn lưu động; chính sách bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên. Đặc biệt, khuyến khích ngư dân đóng tàu vỏ thép công suất lớn hoặc vật liệu mới công suất lớn với lãi suất ưu đãi để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao hơn, góp phần vào bảo vệ vùng biển nước ta. Tuy vậy, sau gần 2 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 67 đã bộc lộ một số bất cập, cần kịp thời sửa đổi. Vì vậy ngày 7-10-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và đã có hiệu lực thực hiện từ ngày 25-11-2015.

Nghị định số 89 sẽ tháo gỡ toàn bộ những khó khăn, vướng mắc trước đây khi thực hiện Nghị định số 67. Theo đó, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá được quy định là đóng bằng vật liệu mới; thời gian vay vốn đối với tàu vỏ thép, vật liệu mới được kéo dài hơn. Trước đây, thời gian vay vốn 11 năm, nay đã được kéo dài 16 năm; việc thu hồi vốn và trả nợ trải đều các năm nên áp lực nợ của ngư dân sẽ giảm đáng kể. Ngoài ra, việc cho phép sử dụng máy cũ đối với tàu thay máy, tàu nâng cấp cũng là quy định mới. Theo Nghị định số 89, ngư dân sẽ được hỗ trợ 100% chi phí thiết kế tàu vỏ thép, vật liệu mới có công suất từ 400CV trở lên...

Các chính sách trong Nghị định số 89 sát với thực tế và sẽ giải quyết được những băn khoăn, vướng mắc của ngư dân. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định số 89 và đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan cùng các Ngân hàng Thương mại để sớm ban hành trong thời gian tới. Ngư dân các tỉnh ven biển đón nhận Nghị định số 89 với niềm tin và kỳ vọng mới để có thêm những con tàu vỏ thép đủ sức vượt sóng ra khơi, góp phần bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Thế Nhàn

  • Từ khóa
111231

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu