Thứ 2, 20/05/2024 18:46:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 13:15, 16/09/2015 GMT+7

Sức sống của đảo Mắt giữa biển khơi

Thứ 4, 16/09/2015 | 13:15:00 1,591 lượt xem

BP - Cột cờ chủ quyền Tổ quốc trên đảo Mắt vừa được khánh thành và bàn giao vào ngày 9-9-2015. Đây là một trong những công trình của tuổi trẻ Việt Nam thiết thực hướng về biển đảo quê hương. Lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay là lời thề sắt son của người lính đảo với nhiệm vụ canh giữ biển trời quê hương, đồng thời cũng là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển. Đảo Mắt thuộc thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, cách đất liền 24km. Đảo rộng 2,2km2, có vị trí hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, quốc phòng - an ninh của tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Trung bộ.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn trao lá cờ Tổ quốc cho các chiến sĩ đảo Mắt trong dịp ra quân xây dựng cột cờ trên đảo tháng 2-2015 - ảnh internet

Đảo Mắt được ví như “mắt biển” vừa canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc vừa là nơi che chở cho ngư dân khi gặp dông tố, bão gió hoặc những tai nạn bất ngờ trên đường mưu sinh. Trên đảo có ngọn hải đăng cao 201,8m được hoàn thành năm 2004, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng xác định đúng hướng. Trong chiến tranh chống Mỹ, giặc đã trút lên đảo Mắt hàng ngàn tấn bom đạn nhưng không thể làm lung lay ý chí kiên cường và tinh thần bất khuất, anh dũng chiến đấu của chiến sĩ giữ đảo. Trong giai đoạn 1965-1973, giặc Mỹ ngày đêm dội bom, bắn tên lửa xuống đảo hòng tiêu diệt lá chắn của đất liền. 9 người con đã ngã xuống trong cuộc chiến giữ đảo. Trên đảo hiện có đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, bia ghi lại dấu ấn trong thời kỳ chống Mỹ với những thành tích đáng tự hào. Bộ đội trên đảo đã đánh 297 lượt máy bay, 64 trận với tàu chiến, bắn cháy 10 khu trục hạm, 2 tàu dương hạm, 1 tàu biệt kích, đánh giải vây 3.210 lượt thuyền, cứu vớt 172 người bị nạn... Nhiều lần đảo Mắt được tặng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công và ngày 11-1-1973, đảo Mắt vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong dân gian Cửa Lò (Nghệ An) còn lưu giữ một truyền thuyết cổ tích: “Nàng Tố Nương mỏi mắt trông chồng” nói về hòn đảo này. Tố Nương quê ở vùng An Lạc, Sơn Tây. Chồng nàng quê ở Hàm Hoan, nay là xứ Nghệ An. Vợ chồng đều là tướng lĩnh của Hai Bà Trưng. Khi cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, vợ chồng họ lưu lạc mỗi người một nơi. Tố Nương quyết định dong buồm về Hàm Hoan tìm chồng. Gần đến nơi, không may thuyền bị bão, dạt vào đảo Quỳnh Nhai (đảo Mắt). Đến đây, nàng không còn sức lực và phương tiện để vào đất liền, đành phải ở lại trên đảo, ngày đêm đưa mắt nhìn vào quê chồng. Cái tên đảo Mắt (Nhãn Sơn) có từ đó. (*)

Ngày nay, cuộc sống của người lính trên đảo Mắt tuy còn nhiều khó khăn nhưng họ vẫn ngày đêm vững vàng nơi đầu sóng, với niềm tin được gửi trao từ đất liền yêu dấu. Không chỉ làm tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ tuyệt đối an toàn vùng trời, vùng biển của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ đảo Mắt còn thực hiện tốt tăng gia sản xuất. Hằng ngày, sau giờ luyện tập, tuần tra vũ trang, cán bộ, chiến sĩ nơi đây lại dành thời gian tăng gia sản xuất. Ở đảo Mắt, nguồn nước ngọt cho sinh hoạt rất khan hiếm và hành trình để có được giọt nước này cũng không kém phần gian nan. Bộ đội phải xây những bể chứa nước rải rác khắp đảo để dự trữ. Dưới chân núi đá cũng có một bể nước đặc biệt, sát bờ biển. Đó là giải pháp chống lại những tháng thiếu nước ở hòn đảo cách khá xa đất liền này.

Cấu tạo địa chất của đảo Mắt gần như hoàn toàn là đá, những hòn đá gối chồng lên nhau. Thế nhưng đảo Mắt vẫn được bao phủ bởi một thảm thực vật khá phong phú. Ở đây có loài sung được xem là biểu tượng của đảo. Sung mọc lên từ những kẽ đá. Thân cây sung không cao lớn như sung ở đất liền nhưng lại hết sức rắn rỏi và vững chắc. Cùng với loài sung, cây đa cũng mọc khá nhiều. Những cây đa cổ thụ, rễ ôm lấy từng khối đá như tinh thần và sức mạnh của những người lính đảo quanh năm đối mặt với sóng gió. Nhà cửa, doanh trại bộ đội được xây dựng trên đá và những đám rau xanh tốt cũng được trồng trên những phiến đá. Tất cả những hình ảnh đó khẳng định sức sống mãnh liệt trên đảo đá quanh năm thiếu nước ngọt nhưng đầy sức sống giữa biển khơi.         

Thế Nhàn
(*) Bài viết tham khảo baonghean.vn

  • Từ khóa
111224

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu