Chủ nhật, 28/04/2024 15:09:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 10:04, 26/02/2024 GMT+7

Hà cớ gì xuyên tạc?

Anh Tú
Thứ 2, 26/02/2024 | 10:04:34 2,095 lượt xem
BPO - Định kỳ hằng năm, sau mỗi dịp tết Nguyên đán cũng là thời điểm các địa phương trên cả nước gấp rút hoàn thiện những khâu cuối cùng để tổ chức lễ giao nhận quân. Về cơ bản, các tân binh đều nhận thức rõ trách nhiệm, niềm vinh dự, tự hào khi thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS) và hăng hái lên đường nhập ngũ. Tuy nhiên, đứng ở phía đối lập, không ít đối tượng xấu đã đưa ra những thông tin, luận điệu, quan điểm lệch lạc, phiến diện, sai trái, hằn học, xuyên tạc việc thực hiện NVQS của công dân.

Xuyên tạc việc thực hiện NVQS là một trong những thủ đoạn thường xuyên được các đối tượng xấu tiến hành để thực hiện mưu đồ chống phá lực lượng vũ trang nói riêng và chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam nói chung. Trong bối cảnh các địa phương trên cả nước đang tích cực chuẩn bị tổ chức lễ giao nhận quân, các đối tượng xấu cũng liên tục tung ra những luận điệu công kích, hướng lái tiêu cực. Một mặt, chúng phủ nhận tầm quan trọng của việc thực hiện NVQS, cho rằng “việc yêu cầu thanh niên nhập ngũ là không cần thiết vì hiện nay Việt Nam không phải đối mặt với nguy cơ chiến tranh”, “người trẻ nên tập trung làm kinh tế thay vì lãng phí thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự”. Mặt khác, một số kẻ khác lại cho rằng việc tuyển chọn tân binh tham gia NVQS là không công bằng, “chỉ có con em nông dân mới đi lính”, “con cán bộ, quan chức không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự”. Ngoài ra, các đối tượng xấu cũng triệt để cắt ghép, xuyên tạc các vụ việc liên quan đến quân đội để từ đó bôi lem, hạ bệ uy tín. Bằng những luận điệu độc hại được tung ra, các đối tượng xấu xúi bẩy, kích động thanh niên trốn tránh, không tham gia NVQS. Đây là điều không thể chấp nhận.

Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng của công dân

Hiến pháp nước ta khẳng định: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân”. Từ truyền thống hào hùng của dân tộc, từ lịch sử mấy ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, có thể thấy, dù ở bất cứ thời kỳ nào, việc tham gia quân đội, thực hiện NVQS cũng là điều vô cùng vẻ vang và đáng tự hào. Trong thời chiến, lớp lớp thanh niên đã “xếp bút nghiên lên đường đi nhập ngũ”, sẵn sàng hy sinh tuổi xuân, máu thịt, thậm chí là cả tính mạng để bảo vệ Tổ quốc. Nhiều anh hùng, liệt sĩ như Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân… đã “khắc tên mình vào đá núi”, trở thành một phần “linh hồn” đất nước. Chính nhờ sự quả cảm, nhiệt huyết và hơn hết là lòng yêu nước mãnh liệt, chúng ta đã giành chiến thắng vĩ đại trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Tiếp bước cha anh, trong thời bình, các thế hệ thanh niên cũng sẵn sàng gác lại những chuyện riêng tư để lên đường nhập ngũ.

Thử hỏi, nếu không được rèn luyện, không có quân đội, không có những người lính hết lòng vì Tổ quốc thì liệu đất nước sẽ đi về đâu? Nếu ai cũng chỉ nghĩ đến những lợi ích cá nhân mà chống đối việc nhập ngũ thì khi đất nước có biến động ai sẽ bảo vệ Tổ quốc? Xây dựng quân đội vững mạnh là một yếu tố tiên quyết để giữ vững nền độc lập dân tộc. Như Bác Hồ đã khẳng định: “Độc lập mà không có quân đội riêng, ngoại giao riêng, kinh tế riêng. Nhân dân Việt Nam quyết không thèm thứ thống nhất và độc lập giả hiệu ấy”. Dù trong thời chiến hay thời bình, xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và xây dựng quân đội nói riêng cũng luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế gia tăng; khi các mối đe dọa an ninh truyền thống vẫn tiềm ẩn và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống có diễn biến phức tạp thì việc xây dựng lực lượng vũ trang theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ càng là nhiệm vụ không thể lơ là. Chúng ta “rèn binh, luyện tướng” không phải để đi gây hấn mà là để đủ sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, để tự “điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”. Chỉ có những kẻ cố tình “khờ dại”, cố tình mong đất nước không được bình yên mới ra sức chống phá việc tham gia NVQS, hòng làm suy yếu sức mạnh bảo vệ Tổ quốc.

Và cũng phải nói thêm, thanh niên muốn tham gia NVQS phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định về lý lịch, sức khỏe, việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Bởi vậy, được lên đường nhập ngũ là niềm vinh dự của bản thân cũng như gia đình thanh niên.

Môi trường rèn luyện, phát triển bản thân

Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng. Nhập ngũ không phải là “lãng phí tuổi xuân” hay “thời gian vô bổ” như các “mõ làng dân chủ” cố tình tô vẽ, xuyên tạc. Sống trong môi trường quân ngũ là thời gian để mỗi thanh niên rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, tác phong chuẩn mực, tính kỷ cương, kỷ luật cũng như thấm nhuần lý tưởng cách mạng và lòng yêu nước. Đồng thời, tham gia NVQS, các chiến sĩ sẽ được huấn luyện kỹ năng, kiến thức cần thiết để tham gia tác chiến, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc khi có yêu cầu. Những kiến thức, kỹ năng được rèn luyện sẽ là hành trang quan trọng trong suốt cuộc đời mỗi người. Thực tế cho thấy, nhiều chiến sĩ trẻ sau khi hoàn thành NVQS trở về địa phương đã trở thành hạt nhân nòng cốt trong các phong trào thi đua tại cơ sở, nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo trong cơ quan nhà nước, trở thành các doanh nhân thành đạt…

Nhập ngũ chắc chắn sẽ có những vất vả nhất định. Tuy nhiên, như nhạc sĩ Trần Long Ẩn từng viết: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai. Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình...”. Vượt lên những cảm xúc riêng tư cá nhân là một trái tim nồng nàn yêu nước. Mỗi thanh niên trẻ cần hiểu rõ trách nhiệm cá nhân và cảm thấy tự hào khi lên đường nhập ngũ!

  • Từ khóa
190287

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu