Chủ nhật, 28/04/2024 16:27:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:37, 07/02/2024 GMT+7

Đừng bất thường hóa một sự việc bình thường

Thanh Quang
Thứ 4, 07/02/2024 | 09:37:25 2,611 lượt xem
BPO - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ký ban hành quyết định phê duyệt sách giáo khoa (SGK) các môn học, hoạt động giáo dục lớp 5 và SGK tiếng Trung Quốc lớp 3, lớp 4 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, gồm 44 đầu sách các loại. Thật đáng tiếc, do cố tình hay do thiếu hiểu biết mà trên mạng xã hội xuất hiện các thông tin xuyên tạc, bình luận tiêu cực, lệch lạc về nội dung quyết định nêu trên.

Việc ban hành danh mục SGK, trong đó có SGK môn tiếng Trung Quốc lớp 3, lớp 4 là chuyện hết sức bình thường. Nó chỉ trở nên bất thường đối với những con người có đầu óc đen tối, muốn lợi dụng sự việc này nhằm thổi phồng âm mưu bài Hoa thoát Trung để đổ tội cho Đảng, Nhà nước ta là nô lệ của Trung Quốc. Hàng loạt bài viết với đầy rẫy các thuyết âm mưu như “Nhà nước ta có món quà quá đặc biệt rất ý nghĩa đối với vương quốc nhân chuyến “hoàng đế Tập” sang Việt Nam 12-13/12/2023. Việt Nam đã thể hiện lòng trung thành tuyệt đối!”. Rồi thì “Tiếng Anh là tiếng thông dụng nhất thế giới,... Đáng lý ra nhà nước CSVN phải cho học tiếng Anh từ bé mới đúng, đằng này lại bắt buộc các em nhỏ học tiếng Trung. Không biết mấy ông lãnh đạo có ý đồ gì đây?”.

Từ chuyện ngoại ngữ lái sang chính trị để dạy khôn Việt Nam thì chỉ có thể là hành động ấu trĩ của bọn phản động, thù địch. Chơi với ai, ở mức độ nào thì có lẽ trên thế giới, không quốc gia nào, không thế lực nào có thể lên mặt dạy khôn Việt Nam. Dân tộc Việt Nam thấm thía nhất cái giá của hòa bình, thấm thía nhất nỗi đau của sự lệ thuộc, thuộc địa, nô dịch với hàng ngàn năm Bắc thuộc, hàng trăm năm Pháp thuộc và hàng chục năm dưới ách đô hộ của đế quốc Mỹ. Là một đất nước “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” từ chiến tranh, đổ nát, hoang tàn; từ kiếp ngựa trâu trở thành người làm chủ chính vận mệnh của mình nên Việt Nam hơn ai hết là người thấu hiểu nhất, biết rõ nhất giá trị của độc lập, tự do. Với đường lối ngoại giao cây tre khéo léo, linh hoạt, sáng tạo, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có đầy đủ các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Thậm chí, các thế lực thù địch, phản động còn không thể nào chịu đựng được khi Mỹ nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam lên tầm đối tác chiến lược toàn diện; chúng tức tối khi thấy Việt Nam có thể bắt tay được với cả Mỹ, Trung, Nga, Ấn Độ, EU, với việc Việt Nam có thể bắt tay với cả những nước đối địch nhau như Mỹ, Triều Tiên.

Lại nói về hội nhập, tất nhiên trong một thế giới phẳng, toàn cầu hóa như hiện nay, việc biết nhiều ngoại ngữ chính là sự lựa chọn thông minh nhất, sáng suốt nhất. Hiện nay, ở Việt Nam có hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ đến đầu tư, với hàng ngàn doanh nghiệp đến kinh doanh, mở nhà máy, xí nghiệp tại Việt Nam. Nếu biết nhiều ngoại ngữ thì điều kiện để lựa chọn việc làm, nơi làm việc sẽ nhiều hơn, đa dạng hơn, dễ dàng hơn. Chưa kể, Trung Quốc được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, thay thế Mỹ vào năm 2050. Như thế thì thử hỏi, lúc đó biết tiếng Trung có phải là một việc tốt đẹp không? Tuy nhiên, ngoại ngữ cũng chỉ là phương tiện, chưa phải là yếu tố quyết định? Yếu tố quyết định ở đây chỉ có thể là chiều sâu văn hóa dân tộc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Còn cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Chính văn hóa chứ không thể là cái gì khác, định hình vị thế của ta ở đâu trên trường quốc tế. Chính văn hóa sẽ làm cho ta là ta trong vô vàn người chứ không phải là ngoại ngữ. Thế thì, có phải là đã tồi tệ, đã nguy cấp đến nỗi sắp mất độc lập, tự do hay không khi chúng ta chọn tiếng Trung là một trong rất nhiều ngoại ngữ để dạy trong cơ sở giáo dục phổ thông cho học sinh tiểu học? Không! Hoàn toàn không!

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc ban hành quyết định phê duyệt danh mục SGK là hoạt động bình thường, theo đúng kế hoạch thẩm định, phê duyệt danh mục SGK các môn ngoại ngữ trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Năm 2022, cùng với tiếng Anh, bộ đã phê duyệt SGK tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Pháp lớp 3 để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Năm 2023, đợt 1 phê duyệt các SGK lớp 5, trong đó có 10 bản sách tiếng Anh và các môn học khác cùng với tiếng Trung Quốc lớp 3, lớp 4. Trong tháng 12-2023, tiếp tục phê duyệt SGK các môn tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Pháp và tiếng Nga. Tại sao cùng một quyết định phê duyệt SGK, trong đó SGK ngoại ngữ khác thì không thấy ai lên tiếng, còn đến tiếng Trung lại làm rùm beng, cho rằng như thế là nguy hiểm, là nô lệ? Thật ra, chúng ta đã không còn ngạc nhiên rằng: hễ cứ cái gì của Nhật, Mỹ là tốt, là đẹp, là nhất; còn bất cứ cái gì có yếu tố Trung Quốc là sẽ bị gán ghép cho cái mác nô dịch, là mất nước, là bị đô hộ!

Ở đây, là tư duy phân biệt chủng tộc, là tư tưởng ý thức hệ. Có lẽ chúng đã bị bóng ma chủ nghĩa cộng sản làm cho vỡ mật. Vì vậy, bất kỳ sự liên kết, hợp tác nào giữa hai quốc gia cộng sản hùng mạnh là Việt Nam, Trung Quốc cũng trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với các thế lực phản động, thù địch. Mặt khác, là thói đời sính ngoại thái quá, là âm mưu kích động chủ nghĩa bài Hoa, kích động tư tưởng thù địch giữa hai dân tộc Việt Nam - Trung Quốc. Đứng đằng sau âm mưu đen tối này không phải chỉ có một vài kẻ bất mãn, cơ hội chính trị, những kẻ trở cờ, bưng bô, nịnh bợ Tây mà cả một tập đoàn, một thế lực to lớn trong và ngoài nước, được “giới tinh hoa chính trị” phương Tây hà hơi, tiếp sức. Thử hỏi, với người dân các tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc thì biết tiếng Trung hay tiếng Anh sẽ thiết thực, hữu ích hơn? Việc biết tiếng Trung sẽ giúp họ giao tiếp với người Trung Quốc thuận lợi hơn. Đó là chưa nói đến khía cạnh an ninh quốc gia. Chúng ta không phủ nhận sự phổ biến của tiếng Anh trong giao tiếp quốc tế, nhưng không có nghĩa tiếng Anh là duy nhất, là cứu cánh cho tất cả mọi người. Tại sao học sinh các quốc gia trên thế giới, họ cũng đã và đang tìm đến Việt Nam để học tiếng Việt, để nghiên cứu môn Việt Nam học? Có phải là họ bị lú lẫn, không thức thời? Không, ngược lại, họ chính là đang mở ra những cánh cửa tri thức bất tận cho chính mình. Việt Nam mặc dù chưa phải là nước phát triển, song lại có những cái hay, đặc sắc mà các quốc gia khác không có. Vì vậy, nghiên cứu về Việt Nam, biết ngôn ngữ Việt Nam sẽ là cánh cửa mở ra những chân trời mới, những tri thức mới. Tiếng Trung cũng vậy, trong khi Trung Quốc là một nền văn minh lâu đời của thế giới, thế thì việc biết tiếng Trung Quốc cũng chính là chìa khóa để mở ra kho tàng kiến thức khổng lồ đó.

Không ai có thể lên mặt dạy khôn người khác, vì bể học là vô bờ. Thế nên, việc Việt Nam đưa tiếng Trung vào giảng dạy ở cấp tiểu học là công việc nội bộ của Việt Nam, do Việt Nam tự quyết định. Đừng lợi dụng danh nghĩa phản biện để tuyên truyền kích động âm mưu bài Hoa thoát Trung trong xã hội Việt Nam.

  • Từ khóa
188956

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu