Thứ 3, 14/05/2024 03:08:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:20, 17/01/2024 GMT+7

Tin đồn

Anh Tú
Thứ 4, 17/01/2024 | 09:20:47 2,073 lượt xem
BPO - Một cách chung nhất, tin đồn được hiểu là những thông tin được lan truyền nhưng thiếu sự kiểm chứng, chưa được xác minh, không rõ nguồn gốc phát tán và không bảo đảm tính xác thực liên quan đến một sự kiện, sự vật, hiện tượng, con người nào đó… Việc tạo ra các tin đồn xuất phát từ nhiều mục đích khác nhau. Đặc biệt, dưới sự trợ lực của mạng xã hội, không ít đối tượng xấu đã thêu dệt ra các tin đồn để tạo cớ tấn công chính quyền, gây hoang mang dư luận.

Từ lâu nay, những thông tin liên quan đến đời tư, sức khỏe của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn là đề tài nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận. Nắm bắt sự “khát” thông tin của dư luận, các đối tượng xấu, chống đối, cơ hội chính trị đã triệt để tận dụng nhằm đưa ra những đồn đoán vô căn cứ từ đó “dắt mũi” dư luận và kích động sự hoang mang, bất ổn trong cộng đồng. Đặc biệt, những ngày vừa qua, hàng loạt kênh truyền thông “lề trái” do các đối tượng chống đối điều hành và một số trang báo nước ngoài có cái nhìn hằn học với Việt Nam như Đài Á châu tự do - RFA, BBC News Tiếng Việt, Chân trời mới Media, Việt Tân, Tiếng dân News… đã ráo riết tung ra các bài viết thiếu kiểm chứng về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Với cách mở bài theo kiểu “nghe đồn là”, “một nguồn tin thân cận cho biết”, “theo một nguồn tin chưa kiểm chứng”…, các đối tượng xấu ngang nhiên lan truyền những thông tin sai sự thật, cho rằng: “Việt Nam là một đất nước thiếu dân chủ nên tình trạng sức khỏe của lãnh đạo cũng luôn là bí mật”, “bàn luận về tình hình sức khỏe của lãnh đạo là đại kỵ ở Việt Nam”… Thậm chí, chúng còn tô vẽ ra nhiều thuyết âm mưu vô cùng đen tối về diễn biến đời sống chính trị ở Việt Nam. Suy cho cùng, mục đích mà chúng hướng đến là kích động sự bất ổn trong xã hội, hạ bệ uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, làm suy yếu đất nước.

Tin đồn liên quan đến tình trạng sức khỏe của lãnh đạo các quốc gia không phải là điều gì quá xa lạ. Năm 2020, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng bị báo chí phương Tây tung ra nhiều thông tin thất thiệt, cho rằng ông đang “trong tình trạng nghiêm trọng sau một ca phẫu thuật”. Hay như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, rồi cựu Tổng thống Mỹ Donad Trump cũng từng bị đồn đoán nhiều liên quan đến tình hình sức khỏe. Việc lan truyền các tin đồn xuất phát từ nhiều mục đích khác nhau. Có những tin đồn được đưa ra do sự hiểu lầm giữa nguồn phát thông tin và những người lan truyền. Tuy nhiên, cũng có không ít tin đồn được chuẩn bị một cách vô cùng bài bản, với những kế hoạch hết sức chặt chẽ để thỏa mãn mục đích của nguồn phát thông tin. Quay lại những đồn đoán về tình trạng sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sáng 15-1, Tổng Bí thư cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQVN tham gia phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV là minh chứng bác bỏ những tin đồn thất thiệt được giới “dân chủ” đạo diễn. Ấy vậy nhưng thay vì xấu hổ, không ít kẻ vẫn tiếp tục “mặt dày” công kích chính quyền.

Với Việt Nam, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị đang tích cực sử dụng tin đồn như một phương thức hữu hiệu nhằm chống phá chính quyền. Những nội dung được chúng chú trọng để tạo ra tin đồn tập trung vào các vấn đề khan hiếm thông tin như: tình trạng đời tư, sức khỏe của lãnh đạo; các chủ trương, chính sách, quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước đang trong giai đoạn nghiên cứu, chưa được công bố; vấn đề nhân sự trước các kỳ đại hội Đảng; việc xử lý cán bộ sai phạm… Để đạt được mục đích chống phá đất nước, các đối tượng xấu tạo ra tin đồn thông qua nhiều phương thức khác nhau. Thứ nhất, chúng đơm đặt thông tin, “ăn không nói có”, tạo ra những thông tin hoàn toàn không đúng, không có căn cứ và sau đó lan truyền. Thứ hai, chúng cường điệu hóa thông tin, thổi phồng, nói quá, tập trung vào một số tiểu tiết trong chuỗi thông tin để hướng lái dư luận đến những sự hiểu lầm một cách có chủ đích. Thứ ba, những kẻ này thêm bớt, nhào nặn, xào xáo thông tin, thậm chí là “đổi trắng thay đen”, “đánh lận bản chất” những gì diễn ra trên thực tế nhằm “dắt mũi” dư luận. Thứ tư, chúng cóp nhặt thông tin để từ đó đưa ra phán đoán. Dù bằng phương thức nào đi chăng nữa thì những tin đồn được giới “dân chủ” tạo ra cũng gây ra những tác động dư luận xấu, cần phải kiên quyết dẹp bỏ.

Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc lan truyền các tin đồn càng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ cần một cái nhấp chuột, thông tin có thể dễ dàng chia sẻ và tiếp cận đến những người xung quanh mà không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý, đặc điểm tôn giáo, xã hội hay hàng loạt vấn đề khác. Đặc biệt, những thông tin càng “nóng hổi”, càng “giật gân”, càng bí ẩn, càng khó kiểm chứng thì càng khơi gợi, kích thích sự tò mò của những người xung quanh và càng dễ nhận được sự quan tâm, chia sẻ.

Phòng ngừa, đấu tranh, phản bác những tin đồn thất thiệt là nhiệm vụ quan trọng để giữ vững ổn định xã hội. Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, mỗi người cần phải tự trang bị cho mình bản lĩnh, trí tuệ để đủ sức đề kháng với những thông tin độc hại, lệch lạc. Nhất là với những thông tin liên quan đến lĩnh vực chính trị, thay vì tiếp cận từ những nguồn chưa được kiểm chứng, cần theo dõi, tiếp cận thông tin chính thống, không để trở thành “con rối” bị các đối tượng xấu trêu đùa.

  • Từ khóa
187215

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu