Thứ 6, 10/05/2024 21:49:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:12, 19/12/2023 GMT+7

“Mượn gió bẻ măng”

Anh Tú
Thứ 3, 19/12/2023 | 09:12:08 2,090 lượt xem
BPO - Thời gian vừa qua, vụ việc liên quan đến nhóm học sinh xúc phạm, hành hung nữ giáo viên xảy ra trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Ngay sau khi hành vi “phản giáo dục” này xảy ra, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục từ Trung ương đến địa phương đã nhanh chóng vào cuộc, chỉ đạo xác minh làm rõ vụ việc. Tuy nhiên, với bản tính “ăn bám”, các “nhà dân chủ” đã cố tình “mượn gió bẻ măng” để đánh lái vấn đề, lấy một “góc tối” trong giáo dục để quy chụp thành bản chất của cả chế độ.

Xác định “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài cho đất nước. Về cơ bản, học sinh, sinh viên trên cả nước đều có đạo đức tốt. Tuy nhiên, có lúc, có nơi vẫn xuất hiện một số học sinh, sinh viên, thậm chí cả giáo viên ý thức chưa tốt, có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống và có những ứng xử không phù hợp trong môi trường giáo dục. Vụ việc xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là một ví dụ như vậy. Trong khi các cơ quan chức năng đang tập trung xác minh, làm rõ trách nhiệm của những người liên quan thì các đối tượng “dân chủ” đã nhanh chóng lợi dụng vụ việc để đả phá chính quyền. Chúng cho rằng: “Giáo dục Việt Nam là một sự thất bại, là kết quả tất yếu của cơ chế chính trị độc tài”, “cả thầy cô và học trò đều là nạn nhân bi thương của một nền giáo dục hủ bại”… Từ những luận điệu này, chúng hô hào đòi “khai phóng giáo dục”, đòi “thay đổi thể chế chính trị”, đòi “tự do theo hướng đa nguyên, đa đảng” (?!).

Đánh giá một cách công bằng, không chỉ riêng ở Việt Nam mà ở bất cứ nền giáo dục nào cũng tồn tại những mặt trái, góc khuất. Đơn cử như tại Hàn Quốc, hồi tháng 9 vừa qua, hàng loạt giáo viên đã đình công và tham gia biểu tình để phản đối tình trạng bị học sinh, phụ huynh “bắt nạt”. Hay như tại Mỹ, vấn nạn bạo lực học đường, thậm chí là xả súng sát hại học sinh khiến thế giới phải rúng động… Vì vậy, không thể lấy một vài vụ việc tiêu cực để quy chụp, tô đen cho cả một đất nước - đây là điều phi lý! Muốn đánh giá sự thành công hay thất bại của một nền giáo dục cần có những nghiên cứu chuyên sâu, khách quan, toàn diện, đa chiều.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng như hiện nay, lĩnh vực giáo dục của nước ta đã đạt được nhiều thành tựu tích cực, rất đáng ghi nhận. Giáo dục mầm non đạt chuẩn phổ cập cho trẻ 5 tuổi; kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, THCS và xóa mù chữ được duy trì vững chắc; chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng cao. Đặc biệt, nhiều đoàn học sinh, sinh viên Việt Nam tham gia các kỳ thi quốc tế đã đạt thành tích xuất sắc. Trong một bài viết được đăng tải, tờ báo The Economist đánh giá học sinh Việt Nam được học ở một trong những hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới. Theo bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm trước đó. Đây là những minh chứng sinh động bác bỏ các luận điệu bôi lem, phủ nhận sự phát triển của giáo dục Việt Nam.

Hiện nay, Đảng, Nhà nước ta đang thực hiện chủ trương “dạy chữ” đi đôi với “dạy người”, luyện tài đi đôi với rèn đức. Mục tiêu chúng ta đặt ra là giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Đảng, Nhà nước ta luôn nhìn thẳng vào công tác giáo dục. Chúng ta không “tô hồng” nền giáo dục hiện có mà luôn nhìn thẳng, nhìn thật vào thực tiễn để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác giáo dục. Liên quan đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 4-12-2019 của Thủ tướng Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên chưa có ý thức học tập tốt, có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống; tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật vẫn còn diễn ra. Từ việc nhìn thẳng vào thực tế, nhiều giải pháp quan trọng đã được Chính phủ đề ra để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục.

Quay lại vụ việc xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, ngay sau khi những hình ảnh thiếu chuẩn mực giữa cô và trò lan truyền trên mạng xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn gửi UBND tỉnh Tuyên Quang đề nghị chỉ đạo xác minh làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm theo đúng mức độ vi phạm đối với các cá nhân và tập thể có liên quan. Công đoàn giáo dục Việt Nam cũng có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường giáo dục học sinh, thực hiện kỷ cương trường học, quán triệt phương châm “thầy ra thầy - trò ra trò”. Chính quyền địa phương tập trung tiến hành xác minh để làm rõ vụ việc… Có thể thấy, cả hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc để làm sáng tỏ vụ việc, bởi vậy, chẳng có lý do gì để các “nhà dân chủ” vu vạ chính quyền.

Phát triển giáo dục là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Trong mọi thời kỳ, giai đoạn, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng phát triển giáo dục. Để Việt Nam có được vị thế, cơ đồ như hiện nay, một phần không nhỏ là do chúng ta đã thành công trong công tác giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng, sử dụng nhân tài. Những luận điệu xuyên tạc thực tiễn công tác giáo dục và đào tạo suy cho cùng cũng chỉ là một thủ đoạn của những kẻ “lưu manh chính trị” nhằm mục đích chống phá đất nước, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

  • Từ khóa
184613

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu