Thứ 7, 11/05/2024 04:06:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:20, 02/12/2023 GMT+7

Tăng “sức đề kháng” cho công nhân lao động

Chính Trực
Thứ 7, 02/12/2023 | 09:20:55 1,176 lượt xem
BPO - Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028 tổ chức từ ngày 1 đến 3-12-2023 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội. Tham dự đại hội có 1.100 đại biểu chính thức đại diện cho 11 triệu đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động cả nước. Tuy nhiên, càng gần đến ngày diễn ra đại hội, các thế lực thù địch như “đỉa phải vôi” lại ráo riết, tăng cường hoạt động chống phá.

Đại hội diễn ra vào thời điểm đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động cả nước cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, là dấu mốc quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển trong bối cảnh mới, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, người lao động, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước.

Thời gian vừa qua, lợi dụng quy định của pháp luật cho phép thành lập “Tổ chức đại diện người lao động” tại doanh nghiệp không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các phần tử xấu đã ráo riết tuyên truyền, lôi kéo công nhân và người lao động nhằm tập hợp lực lượng và cho ra đời cái gọi là tổ chức “Công đoàn độc lập” ở Việt Nam. Dưới vỏ bọc này, các thế lực thù địch rêu rao những luận điệu chống phá Đảng, Nhà nước, thậm chí xúi giục, kích động các hành vi làm bất ổn chính trị, xã hội tại nước ta. Một số thế lực đưa ra chiêu bài thành lập cái gọi là “Công đoàn độc lập” để dụ dỗ, mua chuộc công nhân và người lao động Việt Nam, hình thành tổ chức mà bản chất tổ chức này không bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân và người lao động. Trên thực tế, theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Lao động (được kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20-11-2019, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2021) thì người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn (khoản 1). Các tổ chức đại diện người lao động bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động (khoản 3).

Vào tháng 7-2020, các thế lực phản động ở hải ngoại đã khai sinh cái gọi là “Công đoàn độc lập”. Chúng hô hào rằng phải có sự cạnh tranh giữa các tổ chức đại diện người lao động, thậm chí kêu gọi các tổ chức công đoàn độc lập sẽ được bảo vệ bởi các tổ chức bên ngoài Việt Nam. Đây là tổ chức không chính danh, không có điều lệ, không đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Tổ chức này không đại diện cho ai, không đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và công nhân mà mục đích là chống phá Đảng, Nhà nước. Âm mưu sâu xa của “Công đoàn độc lập” nhằm dễ bề lôi kéo người lao động để hình thành một lực lượng chính trị đối lập với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đối lập với hệ thống luật pháp Việt Nam. 

Điều 10, Hiến pháp năm 2013 quy định “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Trong giai đoạn nào thì công tác tuyên truyền, vận động cũng được quan tâm, đặt lên hàng đầu. Bởi ông bà ta có câu: “tư tưởng không thông thì vác bình tông không nổi”. Trong giai đoạn hiện nay, tình hình khu vực, thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã làm cho mọi người có điều kiện khai thác, sử dụng vào những mục đích khác nhau. Song, tính hai mặt của thông tin đang là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Các thế lực thù địch, chống phá cách mạng đang triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội để từng giờ, từng phút, từng giây tuyên truyền, lôi kéo, kích động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, trong đó có chống phá công đoàn. Lực lượng chúng nhắm đến là sinh viên, học sinh và đặc biệt là công nhân làm việc ở khu vực ngoài nhà nước. 

Trước tình hình đó, các cấp công đoàn cần tăng cường và áp dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền để nâng cao ý thức, tinh thần cảnh giác; nhận diện, phản bác, đấu tranh với các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Tiếp tục chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn các cấp, luôn khẳng định vị trí, vai trò là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

  • Từ khóa
183131

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu