Thứ 6, 10/05/2024 05:23:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 10:25, 24/11/2023 GMT+7

Đề cao tinh thần 'dĩ công vi thượng'

Công Luận
Thứ 6, 24/11/2023 | 10:25:14 1,396 lượt xem
BPO - Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu với sự tán thành của hơn 95% tổng số đại biểu Quốc hội. Hoạt động nêu trên của Quốc hội là sự cụ thể hóa Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, được tiến hành thận trọng, nghiêm túc, trách nhiệm và đạt hiệu quả thiết thực.

Tuy nhiên, ngay sau sự kiện này, một số cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có cái nhìn thiếu thiện chí đối với Việt Nam đã ra sức xuyên tạc, chống phá thông qua các trang mạng xã hội. Nổi bật trong số chống phá có trang Chân trời mới Media. Trong bài viết “Bất tín nhiệm phiếu tín nhiệm” đăng ngày 30-10-2023, trang Chân trời mới Media cho rằng, mục tiêu của việc lấy phiếu tín nhiệm là chiêu trò mị dân; chỉ là việc của Đảng và những người đảng viên trong Đảng, không liên quan tới nhân dân; nhằm loại trừ, triệt tiêu phe cánh lẫn nhau; để xử lý các phần tử có tư tưởng đối lập. Từ đó chúng cho rằng Đảng không tin vào chính mình; Đảng không đủ năng lực cầm quyền hay đang làm lu mờ và vi phạm nguyên tắc Nhà nước pháp quyền. Đây là âm mưu, thủ đoạn rất nham hiểm của các thế lực thù địch nhằm xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, qua đó làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.  

Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 2-2-2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Quy định khẳng định việc lấy phiếu tín nhiệm đã trở thành nội dung quan trọng trong đánh giá, quy hoạch, sử dụng cán bộ. Đây không đơn thuần chỉ là kênh thông tin mang tính chất tham khảo như trước. Từ những hội nghị lấy phiếu tín nhiệm vừa qua, có thể khẳng định tuyệt đại đa số cán bộ chủ chốt tham gia bỏ phiếu tín nhiệm đều thể hiện rõ tinh thần, trách nhiệm, không vì quen thân, định kiến cá nhân mà đánh giá không đúng phẩm chất, năng lực của người được lấy phiếu. Kết quả cụ thể việc thực hiện chức trách được giao và uy tín của người được lấy phiếu tín nhiệm thể hiện rõ qua những lá phiếu đánh giá về mình. Những lá phiếu mang tinh thần “dĩ công vi thượng”, đặt việc chung và lợi ích chung lên trên hết là tín hiệu rất đáng mừng cho việc đánh giá cán bộ của Đảng ta. Những điểm mới trong Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị là vấn đề nhận được sự quan tâm, đồng thuận cao của đông đảo các tầng lớp nhân dân và dư luận. 

Quy định số 96 là sự kế thừa và thay thế Quy định số 262 của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc lấy phiếu tín nhiệm với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Hai tiêu chí cơ bản để lấy phiếu tín nhiệm gồm phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, tiêu chí về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương cũng được bổ sung, phát triển. Tiếp đó còn là sự gương mẫu của bản thân, vợ, con trong chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Điểm đáng chú ý là việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện định kỳ vào năm thứ 3 của nhiệm kỳ. Đây được xem là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong công tác cán bộ của cấp ủy các cấp. Quy định số 96 của Bộ Chính trị đã kịp thời bổ sung, cập nhật bối cảnh, tình hình mới và thể hiện sự đồng bộ, liên thông với Quy định số 41 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo số 20 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí các công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.

 Đây thực sự là dịp tốt để cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm soi rọi, xem xét lại bản thân mình. Có cán bộ luôn làm việc vì tập thể, vì lợi ích chung và sự tiến bộ của đồng chí, đồng đội, không tư lợi, vun vén cá nhân. Mặc dù kết quả tín nhiệm cao chỉ quá bán nhưng họ vẫn kiên trì nhiệt huyết, đạo đức cách mạng. Họ không phải vì một vài lá phiếu mà đánh mất phẩm chất của mình, sống mặt trái, mặt phải. Nhưng đâu đó vẫn có những cán bộ “dĩ hòa vi quý” nhằm đạt được những lá phiếu tín nhiệm cao. Đó là một trong những mối nguy cho tổ chức đảng đã được xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Và cũng đã có một số người bày tỏ sự hoài nghi, mơ hồ về quy định này. Thậm chí có những cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đúng đắn về trách nhiệm trong lá phiếu của mình, bị chủ nghĩa cá nhân lấn át, trở thành miếng mồi cho các thế lực thù địch xâu xé, xuyên tạc, hạ thấp uy tín của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải đảm bảo tính dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch trong việc lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Đặc biệt, không để gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ trước, trong và sau khi lấy phiếu tín nhiệm. Để làm được điều đó thì từng cấp ủy, tổ chức đảng phải kiên định nguyên tắc của Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần “dĩ công vi thượng”, phải thực sự “chí công vô tư”, tức là yêu cầu cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích chung lên trên hết, tất cả vì nước, vì dân, đem lòng chí công, vô tư mà đối xử với người, với việc, không tư lợi, chủ nghĩa cá nhân, từ đó có lương tâm và trách nhiệm đối với lá phiếu của mình.

  • Từ khóa
182669

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu