Thứ 6, 10/05/2024 22:37:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:40, 23/11/2023 GMT+7

Cần có nhận thức đúng đắn

Lê Đô
Thứ 5, 23/11/2023 | 09:40:34 1,000 lượt xem
BPO - Sáng 7-10-2023, lực lượng Hamas mở đầu cuộc tấn công được đánh giá là lớn nhất, nghiêm trọng trong 50 năm qua vào lãnh thổ Israel. Cuộc tấn công của Hamas đã khiến ít nhất 300 người Israel thiệt mạng, 1.600 người bị thương, 100 người bị bắt làm con tin. Ngay sau đó, lực lượng phòng vệ Israel tuyên bố thực hiện “Chiến dịch Thanh kiếm sắt” đối với phong trào Hồi giáo Hamas và đáp trả quyết liệt bằng các cuộc không kích, mở cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza. Cuộc xung đột gây thiệt hại lớn về người và của cho cả hai bên.

Cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas đã thu hút sự quan tâm của người dân Việt Nam, nhất là trên không gian mạng. Trong đó có hai luồng ý kiến chủ đạo: một bộ phận lên án cuộc tấn công của Israel, ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Palestine, cho rằng Việt Nam cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa để thể hiện tình đoàn kết với nhân dân Palestine. Luồng ý kiến thứ hai lên án các cuộc tấn công của Hamas là khủng bố, tội ác chiến tranh, ủng hộ Israel tiến hành các cuộc tấn công vào Dải Gaza; đánh đồng Hamas là lực lượng đại diện cho cuộc đấu tranh của nhân dân Palestine, phản đối đấu tranh bạo lực, coi Palestine là bên chịu trách nhiệm về leo thang xung đột hành động của Israel mang tính tự vệ chính đáng.

Đặc biệt, các thế lực thù địch còn lợi dụng sự kiện này, qua các nền tảng ứng dụng trên mạng xã hội, liên tục phát tán nhiều bài viết liên hệ cuộc xung đột với các vấn đề liên quan đến Việt Nam như lồng ghép việc chính phủ và các cơ quan chức năng đang hỗ trợ sơ tán bảo hộ công dân ở Israel với vụ “chuyến bay giải cứu” trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, tỏ ý không tin tưởng vào chính sách của Nhà nước và cho rằng người dân sẽ phải “trả giá cao” để được về nước an toàn; cho rằng đa phần người dân Palestine cảm tính ủng hộ Hamas tương tự người Việt Nam trước năm 1975 ủng hộ cộng sản; bình luận vu cáo Việt Nam chà đạp nhân quyền, xuyên tạc quan hệ giữa Việt Nam với Tổ chức giải phóng Palestine (PLO); tung tin nguồn cung cấp vũ khí cho Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng do Israel đang là nước cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Việt Nam sau Nga; nhận định việc các nước ASEAN có quan điểm khác nhau về cuộc xung đột cho thấy bất đồng trong nội bộ, ảnh hưởng xấu đến đồng thuận trong vấn đề biển Đông và quan hệ với Trung Quốc.

Các thế lực thù địch còn lợi dụng cuộc xung đột, những vấn đề về sắc tộc, tôn giáo và đời sống, dân trí của đồng bào ta ở các vùng khó khăn; mượn cớ dân chủ, nhân quyền và một số yếu kém trong quản lý nhà nước tại cơ sở để tuyên truyền chống phá, xuyên tạc lập trường, quan điểm của ta; khai thác, kích động thúc đẩy mâu thuẫn đối kháng; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân; cổ xúy cho các phần tử cực đoan, tạo “điểm nóng” thu hút sự quan tâm của dư luận, thúc đẩy các vấn đề có tính lịch sử nhằm kích động đồng bào dân tộc đòi ly khai, tự trị ở các địa bàn chiến lược gây bất ổn tình hình an ninh, chính trị - xã hội.

Trước những luồng ý kiến trái chiều và luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, mỗi người dân Việt Nam cần hiểu rõ bản chất của cuộc xung đột giữa Israel - lực lượng Hamas, không đánh đồng lực lượng Hamas đại diện cho đất nước Palestine và lực lượng Hamas không đại diện cho toàn bộ người dân Palestine (PLO mới là tổ chức được Liên hợp quốc công nhận là đại diện của nhân dân Palestine).

Cần nhận thức rõ quan điểm, lập trường của Việt Nam, thể hiện qua trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình căng thẳng leo thang ở Trung Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã có bài phát biểu nêu rõ quan điểm của Việt Nam: “Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành động tấn công bạo lực nhằm vào dân thường, các cơ sở nhân đạo và hạ tầng thiết yếu. Chúng tôi kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, nối lại đàm phán, giải quyết bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc nhằm đạt được giải pháp công bằng, thỏa đáng và lâu dài cho tiến trình hòa bình Trung Đông, bảo đảm tính mạng, an ninh, an toàn cho người dân. Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế thúc đẩy đối thoại và hỗ trợ nhân đạo cho người dân tại vùng xảy ra xung đột, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên thế giới”.

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng hợp tác cùng có lợi, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện sâu rộng, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Có nhận thức đúng đắn về cuộc xung đột giữa Israel - lực lượng Hamas mới ngăn chặn, đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc, sai sự thật về cuộc xung đột, về chính sách đối ngoại của Nhà nước ta từ các thế lực thù địch, tạo sự đồng thuận, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

  • Từ khóa
182595

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu