Thứ 6, 10/05/2024 19:21:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 10:02, 31/10/2023 GMT+7

Cảnh giác với trò 'giả ngô giả ngọng'

Thảo Linh
Thứ 3, 31/10/2023 | 10:02:29 672 lượt xem
BPO - Vừa qua, sau khi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký quyết định chuyển Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh thành Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh thì một số báo, trong đó có trang điện tử của Báo Tuổi Trẻ đăng tin: “Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh chính thức chuyển thành Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh”. Với “biệt tài” hóng hớt đơm chuyện, lập tức trang facebook của Việt Tân chụp tít bài trên Tuổi Trẻ online cùng với dòng trạng thái “Thật là vi diệu, khác biệt quá nhỉ?”. Đây là trò “câu view” quen thuộc của Việt Tân nhằm tăng lượng người tương tác và tạo cơ hội để xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta. Đáng nói là những người trong tổ chức khủng bố này muốn thể hiện sự hiểu biết bằng cách mai mỉa cái tít bài trên Tuổi Trẻ online, nhưng vô hình trung lại tự bóc trần sự thiếu hiểu biết của những kẻ thích dùng chữ nghĩa để chống phá.

Theo Điều 4 Luật Giáo dục đại học năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2018 nêu rõ: “Trường đại học, học viện (gọi chung là trường đại học) là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của luật này. Đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của luật này; các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung”. Như vậy, đại học là một tổ chức giáo dục có các trường đại học thành viên. Còn trường đại học có thể là một cơ sở giảng dạy đại học độc lập hoặc là thành viên của một đại học vùng, chuyên cung cấp các chương trình đào tạo bậc đại học. Điều này có nghĩa, đại học là cấp cao hơn, trong đại học sẽ bao hàm các trường đại học. Ví như Đại học Quốc gia Hà Nội hiện bao gồm 6 trường đại học thành viên và các khoa trực thuộc. Tại Việt Nam hiện nay, ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và 3 đại học vùng là Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên còn có Đại học Bách khoa Hà Nội. Từ những ví dụ nêu trên, việc chuyển tên Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh thành Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh hoàn toàn phù hợp, đúng theo Luật Giáo dục đại học và theo chiều hướng phát triển của giáo dục đại học thế giới, chẳng có gì đáng để những kẻ rỗi nghề bàn tán và mai mỉa, gièm pha. 

Người Việt có thành ngữ: “dốt hay nói chữ” - hiểu theo nghĩa đen là khi biết rõ về một vấn đề gì đó hãy nói ra. Còn không hiểu rõ thì hãy im lặng để lắng nghe người khác nói. Nghĩa bóng của thành ngữ này hàm ý những kẻ dốt nát thường tỏ ra hay chữ, thích dùng chữ để thể hiện sự hiểu biết của mình, nhưng càng nói chữ thì càng lòi sự dốt nát. Ý nghĩa sâu xa của thành ngữ này là muốn nhắc nhở người ta biết khiêm tốn, biết im lặng lắng nghe và tiếp thu kiến thức từ người khác. Không nên tỏ ra hiểu biết về một vấn đề mà bản thân còn mơ hồ.

Khốn nỗi, những kẻ chuyên sống bằng “nghề” chống phá luôn trong tình trạng tay (gõ bàn phím) nhanh hơn não. Hoặc có trường hợp cố tình đánh tráo khái niệm hoặc cố nói lấy được những chuyện vô lý theo quan điểm “nói một lần không tin thì nói mười lần. Nói mười lần không tin thì nói trăm lần”. Cứ thế, chúng hy vọng thể nào cũng “bắt” được vài “con ếch” lơ ngơ về quan điểm chính trị hoặc nhận thức. Như vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra năm 2020 tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội. Những kẻ chống phá trong tổ chức khủng bố Việt Tân không chỉ tuyên truyền, kích động, hướng dẫn các đối tượng phạm tội mà còn trực tiếp cung cấp tiền bạc, hỗ trợ mua vũ khí. Với sự nghiêm minh của pháp luật Việt Nam, qua hai phiên tòa, công khai, khách quan, nghiêm khắc và nhân văn, nhiều bị cáo đã khai nhận tại tòa hành vi tiếp tay, xúi giục của Việt Tân. Thậm chí  khai rõ họ đã được các thành viên của Việt Tân cấp tiền bao nhiêu lần và hướng dẫn họ làm bom xăng, sử dụng lựu đạn thế nào… Vậy mà trang Việt Tân vẫn ra rả xuyên tạc “Vụ án Đồng Tâm” và chúng cũng đã “câu” được vài người trong đội ngũ nghệ sĩ, trí thức.  

Năm 2021, Quốc hội Việt Nam tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tất nhiên sự kiện quan trọng này trở thành cái cớ để những kẻ chống phá, trong đó có Việt Tân khai thác. Chúng kích động một số phần tử có tư tưởng chống đối lợi dụng dân chủ để tự ứng cử và xúi giục cử tri không đi bầu cử nhằm làm rối loạn tình hình. Thế nhưng, cuộc bầu cử rất thành công với gần 70 triệu cử tri đi bầu cử, đạt 99,6% số cử tri cả nước. Không chỉ có thế, những đối tượng bị Việt Tân lợi dụng thực hiện màn kịch “tự ứng cử” đã bị cử tri vạch mặt và loại bỏ ngay từ “vòng gửi xe” khiến họ không khỏi tẽn tò. Vậy mà các “nhà dân chủ” cứ gân cổ lên là bầu cử mất dân chủ. Rồi trong lúc Chính phủ Việt Nam phải trưng dụng lực lượng quân đội, cùng cả nước tăng cường chi viện cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam vào thời điểm dịch bùng phát dữ dội thì những kẻ chống phá đã bịa đặt thông tin, cắt ghép hình ảnh để vu khống, xuyên tạc quân đội trấn áp nhân dân trong các “ấp chiến lược”. Chúng tìm mọi cách chia rẽ quan hệ quân đội với nhân dân, kích động người dân phản đối và gây bất hòa với quân đội, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương. Thế nhưng, chúng đã bị người dân “bóc phốt”, chỉ ra trò cắt ghép hình ảnh và bịa đặt, vu cáo sai sự thật. 

Từ những dẫn chứng nêu trên, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác. Bởi cho dù biết đã rõ những trò ngô ngọng, hay “dốt hay nói chữ” của những kẻ chống phá, trong đó có tổ chức khủng bố Việt Tân thì việc thường xuyên đọc những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, sẽ có lúc phân vân trước những thông tin “một nửa sự thật” của chúng. Rồi từ phân vân, rất dễ dẫn tới nghiêng ngả về chính trị, bị kẻ xấu lợi dụng và vô tình tiếp tay cho những kẻ chống phá. Bởi thế, việc nên làm là chủ động nâng cao kiến thức xã hội và chính trị, tiếp cận thông tin một cách khách quan, đủ đầy và chính xác từ các nguồn tin chính thống.

  • Từ khóa
181152

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu