Thứ 6, 10/05/2024 20:37:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 10:33, 16/10/2023 GMT+7

Lại trò “giật tít”

Thứ 2, 16/10/2023 | 10:33:15 1,735 lượt xem

Lê Đô

BPO - “Giật tít - title” là thuật ngữ đang xuất hiện nhiều trên các trang báo, diễn đàn hay mạng xã hội hiện nay. Có thể hiểu “giật tít” là giật tiêu đề (từ “title” trong tiếng Anh có nghĩa là tiêu đề) với mục đích làm cho tiêu đề trở nên độc, lạ gây sự cuốn hút, tò mò của người đọc nhằm tăng lượng tương tác cho bài viết, hay cụ thể hơn là dùng để “câu like”, “câu view” và “share”.

“Giật tít” khi viết bài có hai mặt tích cực và tiêu cực. Nếu hay, hấp dẫn, đúng sự thật sẽ khơi dậy sự tò mò, thú vị, đem lại niềm tin cho người đọc về tính xác thực của thông tin... Ngược lại, nếu “giật tít” với mục đích trục lợi, đưa ra thông tin xuyên tạc sự thật phục vụ ý đồ xấu, làm cho độc giả hiểu sai vấn đề, thậm chí gây ra những hệ lụy khó lường thì cần lên án, đấu tranh.

Vừa qua, trong buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2023 của UBND tỉnh Quảng Nam, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Như Công đã thông tin cụ thể lý do ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND, đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam chưa bị xem xét kỷ luật, xóa tư cách đại biểu HĐND. Thế nhưng, trên trang phản động Việt Tân có bài viết giật tít “Vừa ngồi tù vừa làm phó chủ tịch tỉnh” của luật sư Nguyễn Văn Miếng. Trong bài viết, Nguyễn Văn Miếng cho rằng: “Điều kỳ lạ là bản án đã có hiệu lực pháp luật, cho đến nay ông Tân vẫn chưa bị bãi nhiệm chức vụ phó chủ tịch UBND tỉnh”, từ đó đưa ra luận điệu “Có phải cứ là đảng viên cộng sản là có quyền ngồi xổm trên pháp luật?”. Nội dung trong bài viết đã đưa ra những thông tin lệch lạc, không đầy đủ nhằm gây hoang mang dư luận, giảm sút niềm tin của quần chúng vào sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước Việt Nam.

Như chúng ta đã biết, ngày 28-7-2023, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên các mức án đối với 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, trong đó có bị cáo Trần Văn Tân. Căn cứ kết quả điều tra và nội dung cáo trạng, xác định ông Trần Văn Tân khi giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, được phân công là Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, trực tiếp duyệt, ký công văn đồng ý cho doanh nghiệp đưa công dân về cách ly tại Quảng Nam. Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án và các tình tiết diễn ra trong phiên tòa, hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt bị cáo Trần Văn Tân 6 năm tù về tội nhận hối lộ.

Vậy tại sao ông Tân vẫn chưa bị bãi nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh? Tại khoản 3 Điều 13 Nghị định số 08/NĐ-CP ngày 25-1-2016 của Chính phủ về quy định số lượng phó chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND quy định “Hội đồng nhân dân bãi nhiệm thành viên Ủy ban nhân dân trong các trường hợp sau: Bị kết tội bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án…”. Trong tố tụng hình sự, có hai trường hợp bản án được coi là có hiệu lực pháp luật. Thứ nhất: Theo Điều 343 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) thì bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Thứ hai: Theo khoản 2 Điều 355 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. Như vậy, nếu là án sơ thẩm thì bản án có hiệu lực khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà không có ai kháng cáo, kháng nghị bản án đã ban hành. Đối với án phúc thẩm thì bản án sẽ có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. Như vậy, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên án ngày 28-7-2023 là bản án sơ thẩm và sau đó ông Tân đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Đến nay, chưa tiến hành xét xử phiên phúc thẩm, do đó bản án của ông Tân chưa có hiệu lực pháp luật. Thế nên việc HĐND tỉnh Quảng Nam chưa tiến hành bãi nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh đối với ông Tân là đúng quy định.

Đối với kỷ luật Đảng, trong Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6-7-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật đảng viên xác định: “Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm chủ trương, quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước đều phải xem xét thi hành kỷ luật công minh, chính xác, kịp thời”, “Đảng viên vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”. Theo thống kê, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các cơ quan chức năng đã xử lý hình sự 31 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 2 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng; 4 bí thư, nguyên bí thư tỉnh ủy; 5 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng; 7 chủ tịch, nguyên chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 2 trợ lý phó thủ tướng chính phủ và 9 sĩ quan cấp tướng của lực lượng vũ trang. Việc tiến hành xử lý theo quy định pháp luật đối với những vi phạm của một số cán bộ, kể cả cán bộ là đảng viên cấp cao đã minh chứng cho sự công minh của pháp luật. Thế nên luận điệu cho rằng “Có phải cứ là đảng viên cộng sản là có quyền ngồi xổm trên pháp luật?” của Nguyễn Văn Miếng là sai sự thật, bịa đặt và không có căn cứ.

Điều đáng nói, nếu người viết bài mà do vô tình hoặc không biết luật, còn phần nào châm chước được. Đằng này, Nguyễn Văn Miếng lại là luật sư, rất am hiểu pháp luật mà viết bài lại đưa ra thông tin bịa đặt, suy nghĩ tiêu cực của mình vào thì không thể chấp nhận được. Cần biết thêm, luật sư Nguyễn Văn Miếng khá nổi trên mạng xã hội, nhưng không phải vì tài năng xuất chúng, thành tích nổi bật mà là thường xuyên la liếm, tham gia bào chữa cho các đối tượng chống đối chính quyền Việt Nam bị bắt giữ và đưa ra tòa án xét xử như Y Wô Niê, Nguyễn Quốc Đức Vượng… Tất nhiên, hầu hết các vụ án mà Nguyễn Văn Miếng tham gia đều không thể gỡ được tội cho các đối tượng đã vi phạm pháp luật. Nếu còn tư cách là một luật sư, Nguyễn Văn Miếng hãy chịu khó đọc lại luật và tự nhìn lại mình. Người dân Việt Nam không dễ bị lừa bởi những bài viết giật tít để chống phá Đảng và Nhà nước như vậy.

  • Từ khóa
179834

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu