Thứ 6, 10/05/2024 18:02:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 08:27, 27/09/2023 GMT+7

Kẻ tăng động

Thứ 4, 27/09/2023 | 08:27:19 1,430 lượt xem

Đỗ Thành

BPO - Tăng động là bệnh lý để chỉ những đứa trẻ mắc triệu chứng rối loạn thần kinh với dấu hiệu đặc trưng là mất tập trung chú ý, bốc đồng, hiếu động quá mức so với lứa tuổi của chúng. Nhưng với Đào Tăng Dực (tác giả bài viết: “Không còn biện minh cho chính sách trung lập trong trật tự chính trị lưỡng cực mới” trên facebook Tiếng Dân News) thì vẫn bốc đồng, hiếu động quá mức như những đứa trẻ bị tăng động.

“Đảng Cộng sản Việt Nam tự trong bản chất là thuần độc tài và gian ác. Chính vì thế, tại Liên hợp quốc, trong khi toàn thể nhân loại văn minh đứng về phe Ukraine (trên đà dân chủ hóa đất nước) thì lập tức sau ngày Liên bang Nga xâm lăng, Cộng sản Việt Nam hoặc bỏ phiếu chống lại các nghị quyết lên án Nga, hoặc bỏ phiếu trung lập nhưng có lợi cho Nga, rập khuôn Cộng sản Trung Quốc. Nếu còn bám víu Cộng sản Trung Quốc và phe tính ác, thì đất nước sẽ ngày càng lụi bại. Nếu thực tâm đứng về phía tính thiện (phe Mỹ) thì phải thay đổi toàn diện bản chất nội tại, hóa ác tâm thành thiện tâm, cải tổ hệ thống chính trị, dân chủ hóa đất nước và Đảng có thể diệt vong”. Đó là một đoạn được trích trong bài viết nêu trên của Đào Tăng Dực đăng trên facebook Tiếng Dân News ngày 21-9-2023. Theo nội dung này thì không hiểu tác giả nhận thức như thế nào là phe thiện, phe ác? Nếu đứa trẻ được học hành bình thường tại Việt Nam thì sẽ có câu trả lời cho Đào Tăng Dực và chúng sẽ không có những hành vi bốc đồng, hiếu động quá mức như tác giả. Thiết nghĩ tác giả nên đổi tên mình từ Đào Tăng Dực thành Đào Tăng Động mới phù hợp. 

Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24-2-2022 với mục tiêu phi quân sự hóa, phi phát-xít hóa Kiev. Đây là cuộc xung đột lớn nhất tại châu Âu kể từ chiến tranh thế giới thứ hai. Động thái này diễn ra sau khi Mỹ và các đồng minh phương Tây từ chối danh sách đề xuất bảo đảm an ninh của Nga, bao gồm yêu cầu tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngừng mở rộng về phía Đông. Trái với dự đoán Nga sẽ đánh nhanh thắng nhanh, chiến sự đã kéo dài dai dẳng suốt hơn 1 năm qua do sự kháng cự quyết liệt của Ukraine cùng viện trợ quân sự của phương Tây dành cho Kiev. Giao tranh tiếp diễn ác liệt, chiến sự kéo dài chưa thấy điểm kết thúc. Lập trường các bên cứng rắn, không nhượng bộ. Chiến sự đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn dân thường, hàng triệu người phải đi tị nạn ở các nước khác. Nhiều thành phố, làng mạc ở Ukraine bị tàn phá nặng nề với tổn thất kinh tế ước tính lên tới hàng trăm tỷ USD. Không chỉ gieo đau thương cho người dân 2 nước, cuộc chiến còn đẩy căng thẳng giữa Nga với phương Tây lên cao với hàng loạt lệnh trừng phạt và các biện pháp trả đũa mà 2 bên hướng vào nhau. Giá dầu mỏ, khí đốt bị đẩy lên mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Hiện nay, nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nguy cơ suy thoái, trong khi lạm phát đang tăng cao. Đồng thời, an ninh lương thực toàn cầu cũng đang gặp khó khăn do tình hình chiến sự.

Như chúng ta đã biết, trong suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử, Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh tự vệ và chính nghĩa, chịu nhiều đau thương, mất mát. Cho đến tận ngày nay, khi chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, nhưng hậu quả và di chứng để lại còn là một gánh nặng đối với đất nước. Việt Nam luôn thấu hiểu giá trị của hòa bình, mong muốn duy trì và quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc trong điều kiện thực chất nhất. Việt Nam cũng khao khát thế giới, khu vực, mọi quốc gia, dân tộc đều được hưởng hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc; luôn mong muốn giải quyết các vấn đề bất đồng, khác biệt bằng thương lượng hòa bình. Đây không chỉ là quan điểm nhất quán của Việt Nam mà còn rất phù hợp với xu hướng của thế giới, khát vọng hòa bình của nhân loại. Đối với Nga - Ukraine, trước đây là 2 nước cộng hòa thuộc Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết; là 2 nước bạn bè truyền thống của Việt Nam. Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ rất to lớn, hiệu quả của Liên Xô trước đây, trong đó có Nga và Ukraine. Cho nên, Việt Nam rất buồn cho sự kiện xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine diễn ra hơn 1 năm qua, diễn biến ngày càng phức tạp, gây tổn hại lớn cho nhân dân 2 nước và thế giới. Với trách nhiệm là thành viên Liên hợp quốc, Việt Nam luôn thể hiện rõ quan điểm, lập trường của mình phản đối chiến tranh dưới bất kỳ hình thức nào. Việt Nam mong muốn Nga - Ukraine giải quyết bất đồng bằng thương lượng hòa bình. Một số luận điệu cho rằng quan điểm của Việt Nam là mơ hồ, không rõ ràng; Việt Nam “chọn bên” trong cuộc xung đột Nga - Ukraine là hoàn toàn không đúng đắn, làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam trong điều kiện hiện nay.

Những năm trở lại đây, thế giới trải qua giai đoạn biến động chưa từng có, ảnh hưởng không nhỏ đến dòng chảy phát triển chung của toàn cầu. Trong dòng chảy đó, sự hưng thịnh hay tồn vong của mỗi quốc gia, dân tộc không chỉ là chuyện riêng của quốc gia, dân tộc đó. Điều này đã tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, nhất là với các nước nhỏ trong việc bảo vệ lợi ích, độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của mình. Việt Nam đã duy trì được sự ổn định chính trị và xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của đất nước trước sự biến đổi phức tạp, nhanh chóng của thế giới trong thời gian gần đây. Nền kinh tế phục hồi tương đối thành công sau đại dịch Covid-19, mức tăng trưởng GDP cao so với khu vực và thế giới; cuộc chiến chống tham nhũng công khai, minh bạch, quyết liệt đã góp phần gia tăng mạnh mẽ uy tín của Đảng, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Đạt được điều đó là nhờ vào nền tảng của thế và lực đất nước được tích lũy qua nhiều thế hệ cùng đường lối đối nội, đối ngoại đúng đắn do Đảng lãnh đạo. Thời gian tới, tình hình khu vực, quốc tế dự báo sẽ còn khó khăn, phức tạp hơn trước; xu hướng đa cực, song tuyến của cục diện thế giới sẽ đặt ra sức ép không nhỏ đối với việc kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Thế nhưng, kiên định lợi thế độc lập sẽ khiến Việt Nam trở thành một hằng số có giá trị trong tính toán chiến lược của các nước lớn; là cơ sở vững chắc để thực hiện chiến lược ngoại giao cây tre: Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển trong một thế giới đầy biến động.

Giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trong một thế giới biến động là thách thức của không riêng một quốc gia nào. Xét đến cùng, điều kiện tiên quyết, quan trọng nhất là Việt Nam đã dành mọi ưu tiên nguồn lực, tận dụng mọi điều kiện cả bên trong và bên ngoài để phát triển đất nước. “Quốc phú binh cường, nội yên ngoại tĩnh”, một đất nước Việt Nam vững mạnh, ổn định, tự chủ, với quan hệ đối ngoại rộng mở, định vị vững chắc giá trị bản thân, giữ vững ngọn cờ độc lập trong chính sách của các nước lớn.

  • Từ khóa
178292

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu