Thứ 6, 10/05/2024 13:45:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 16:32, 21/09/2023 GMT+7

Một nửa sự thật

Thứ 5, 21/09/2023 | 16:32:54 619 lượt xem

Thanh Quang

BPO - Dự án hồ chứa nước Ka Pét thuộc huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đã trở thành chủ đề nóng những ngày qua trên mạng xã hội. Sự việc cũng không có gì đáng ồn ào, đã không đi quá xa nếu như không có sự tiếp tay của những kẻ nhân danh nhà báo để bẻ cong ngòi bút, cắt ghép hình ảnh, lấp lửng câu chữ với dụng ý mập mờ.

Từ đó, liên tiếp hàng loạt video, clip, bài viết xuyên tạc chính quyền, đả phá chế độ, nói xấu, bôi nhọ Đảng, Nhà nước được các thế lực thù địch, phản động tung lên mạng xã hội đã gây nên dư luận không tốt trong nhân dân, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự trên địa bàn và trên không gian mạng, không có lợi cho sự nghiệp chung, cho sự phát triển đất nước. Đáng chú ý, một số đối tượng phản động đã lôi kéo, kích động người dân xuống đường biểu tình, phản đối chính quyền tỉnh Bình Thuận triển khai dự án nêu trên. 

Xuyên suốt trong các bài viết của bọn chúng, dễ dàng bắt gặp các luận điệu cũ rích của các “nhà môi trường”, “yêu cây, yêu hoa” kiểu như: “Hơn 600 ha rừng giàu hàng trăm năm tuổi của Bình Thuận đang sắp bị xóa sổ để làm hồ thủy lợi, dư luận cả nước bàng hoàng”. Rồi thì, “chính quyền sẵn sàng xuống tay hạ sát 600 hecta rừng nguyên sinh chỉ vì lợi ích nhóm”, hay “1000 năm giặc Tàu, 100 năm giặc Tây đô hộ, Việt Nam vẫn có rừng vàng, biển bạc. Nhưng chỉ 80 năm dưới chế độ cai trị của cộng sản, Việt Nam đã trở nên rừng tàn, biển mạt”. Ấu trĩ hơn, chúng còn thể hiện sự ngu dốt khi dám hùng hồn đưa ra những con số trời ơi đất hỡi để minh chứng cho nạn phá rừng ở Việt Nam. Chúng cả gan viết: “Không thể hiểu tại sao người ta có thể lạnh lùng đặt bút để ký khai tử nốt những mảnh rừng nhỏ nhoi cuối cùng còn sót lại của một quốc gia nhiệt đới nhưng chỉ còn diện tích rừng khoảng 2%, riêng rừng nguyên sinh chỉ còn 0,25% (?)”. 

Đọc đến đây thì cũng đành chào thua cho mớ kiến thức chắp vá, hỗn tạp vô căn cứ của chúng. Bởi vì, tính đến năm 2022, diện tích rừng bao gồm rừng trồng chưa khép tán là 14.790.075 ha; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc là 42,02%. Cụ thể, trong số diện tích rừng trồng chưa khép tán nêu trên, rừng tự nhiên là 10.134.082 ha, rừng trồng có 4.655.993 ha; diện tích rừng đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ là 13.926.043 ha(1). Vậy mà không hiểu chúng lấy đâu ra con số 2% và 0,25% nêu trên. Muốn đả phá hay thậm chí chống phá thì phải có chút trí tuệ, chứ cái kiểu “bốc thuốc” như thế này thì bảo sao không khá lên được. 

Vậy sự thật ra sao, có như những gì bọn chúng tuyên truyền, rêu rao không? Hoàn toàn trái ngược! Tại cuộc họp báo vào chiều 7-9-2023 do UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức, khi thông tin về hiện trạng điều tra, kiểm kê rừng trong khu vực dự án, đại diện Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ cho biết, đã thực hiện đúng các quy định, quy chuẩn hiện hành. Bằng những số liệu được công bố và phân tích rất rõ ràng, không phải “600 ha để làm hồ Ka Pét đều là rừng tự nhiên, nguyên sinh hàng trăm năm tuổi, có giá trị rất lớn về tài nguyên, hệ động thực vật”(2) như bọn phản động, thù địch rêu rao. Cũng tại buổi họp báo, ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận khẳng định: Tỉnh sẵn sàng tiếp thu ý kiến của nhà khoa học, báo chí, nếu có gì bất cập, bất hợp lý ảnh hưởng môi trường, phá hệ sinh thái đến mức nặng nề, không thể khắc phục, tỉnh sẽ sẵn sàng điều chỉnh, không bảo thủ. Tỉnh xác định việc đúng thì quyết tâm làm, sai thì chỉnh sửa, tiếp thu. 

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, dự án hồ chứa nước Ka Pét được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26-11-2019, được quyết định điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24-6-2023. Quy mô gồm hồ điều tiết dung tích toàn bộ 51,21 triệu mét khối cùng hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư và nguồn vốn của dự án là 874,089 tỷ đồng, gồm ngân sách Trung ương 519,927 tỷ đồng và ngân sách địa phương 354,162 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến hết năm 2025. Khi dự án hoàn thành sẽ cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam, cấp nước thô cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II khoảng 2,63 triệu m3/năm, tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết. Mục tiêu của dự án còn phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận, tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, nhất là đoạn qua thành phố Phan Thiết. 

Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét tháng 11-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, dự án là công trình thủy lợi đa mục tiêu, được xây dựng trên địa bàn thường xuyên bị khô hạn sẽ góp phần giải quyết thêm 30% nhu cầu nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước thô sinh hoạt cho hơn 120.000 người dân và khu công nghiệp. Trong Công văn số 854-CV/TU ngày 6-9-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận gửi Ban Tuyên giáo Trung ương do Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An ký khẳng định: “Quá trình triển khai thực hiện dự án (hồ Ka Pét), các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Bình Thuận cũng đã thực hiện nghiêm các quy định về đánh giá tác động môi trường với phương châm “không đánh đổi môi trường để lấy việc phát triển kinh tế đơn thuần”. Cũng vì lý do nêu trên, quá trình lập dự án, tỉnh Bình Thuận đã rà soát kỹ và đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội phê duyệt phương án giảm từ 160 ha rừng đặc dụng xuống còn 137,95 ha rừng đặc dụng”. Như vậy, khi xây dựng hồ chứa nước Ka Pét, chắc chắn sẽ có những cái được và có những cái mất mát, nhưng giữa được và mất khi xây dựng hồ chứa nước Ka Pét thì cái mất chỉ là những lợi ích nhỏ, ngắn hạn trước mắt, còn cái được lại là những nguồn lợi thiết thực, lâu dài, bền vững. Vì vậy, việc Bình Thuận quyết tâm xây dựng hồ chứa nước Ka Pét là chủ trương đúng, vì sinh kế của nhân dân chứ không phải “vì lợi ích nhóm” như các thế lực thù địch, phản động đã và đang ra sức tuyên truyền, xuyên tạc.

Tóm lại, ở Việt Nam, hễ cứ việc gì liên quan đến rừng, đến biển là y như rằng, các thế lực thù địch, phản động thi nhau vào cắn xé, bới móc hòng kích động, tạo dư luận xấu trong nhân dân mà không cần biết đúng - sai, phải - trái. Mục đích của chúng cũng chỉ vì miếng cơm, manh áo và gây xáo trộn nhân tâm, chia rẽ, đối lập nhân dân với Đảng, chính quyền mà thôi.

1 Số liệu theo Quyết định số 2357/QĐ-BNN-KL ngày 14-6-2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về “Công bố hiện trạng rừng toàn quốc”.

2 Kết quả sơ bộ, trong tổng số 679,72 ha đất rừng có 619,58 ha đất có rừng (rừng tự nhiên 612,48 ha và rừng trồng 7,1 ha) và 60,14 ha đất không có rừng. Nếu phân theo mục đích sử dụng thì có 149,9 ha rừng đặc dụng, 0,86 ha rừng phòng hộ, 440,4 ha rừng sản xuất và 40,72 ha nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Về trạng thái rừng, trong số 612,48 ha (chiếm 90,11%) có trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất LRRL giàu là 12,22 ha (chiếm 1,80%), trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất LRRL trung bình là 120,25 ha (chiếm 17,69%), trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất LRRL nghèo là 43,04 ha (chiếm 6,33%), trạng thái rừng hỗn giao G-TN tự nhiên núi đất (HG1) là 436,11 ha (chiếm 64,16%) và trạng thái rừng hỗn giao G-TN tự nhiên núi đất (HG2) là 0,86 ha (chiếm 0,13%).

  • Từ khóa
177968

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu