Thứ 7, 11/05/2024 02:48:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:21, 06/09/2023 GMT+7

Biến sai thành đúng

Thứ 4, 06/09/2023 | 09:21:33 570 lượt xem

Nhật Minh

BPO - Thực tế cuộc sống từ xưa tới nay cho thấy, sự ngụy biện là thủ đoạn duy nhất để biến đúng thành sai hoặc ngược lại. Nói đúng hơn, ngụy biện là việc sử dụng lập luận sai, không hợp lý nhằm mục đích biến sai thành đúng. Tóm lại, ngụy biện là sự cố ý vi phạm các quy tắc logic trong suy luận nhằm mục đích dẫn dắt người nghe, người đọc theo một hướng khác, trái ngược với sự thật, từ đó làm cho người khác nhầm tưởng rằng cái sai là cái đúng và cái đúng là cái sai. Và đây là chiêu thức không hề mới trên “bàn cờ” mà Trung Quốc đã và đang dày công “đưa từng con tốt qua sông”, đi từng bước nhỏ, gặm nhấm từng chút hòng biến biển Đông thành “sân sau”, là “ao nhà” của mình.

Từ nhiều năm nay, cùng với những hành vi quấy phá liên tục để thực hiện “chiến thuật vùng xám”, Trung Quốc đã và đang ra sức ngụy biện cho những luận điệu sai trái nhằm độc chiếm biển Đông. Bằng chứng là ngày 28-8-2023, Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc cho công bố cái gọi là “bản đồ tiêu chuẩn năm 2023”. Trong bản đồ này, Trung Quốc đã ngang nhiên thể hiện đường đứt đoạn - còn gọi là “đường lưỡi bò”, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và nhiều vùng lãnh hải thuộc quyền chủ quyền của một số quốc gia ven biển Đông. Đặc biệt, trong bản đồ nêu trên, Trung Quốc còn thể hiện chủ quyền của mình đối với khu vực tranh chấp ở biên giới phía Nam với Ấn Độ và toàn bộ đảo Bolshoy Ussuriysky thuộc Liên bang Nga. Như vậy, cái gọi là “bản đồ tiêu chuẩn” thực chất chỉ là một cụm từ hoa mỹ để Trung Quốc ngụy biện cho yêu sách phi pháp của mình. Bởi vì, “bản đồ” là do Trung Quốc tự vẽ theo mưu đồ của họ và “tiêu chuẩn” cũng là thứ do chính họ bất chấp luật pháp quốc tế mà vẽ ra rồi đơn phương chấp nhận và công bố.

Ngay lập tức, không chỉ Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei và các nước ven biển Đông, mà còn hàng loạt nước cũng như dư luận quốc tế đồng lòng lên tiếng phản đối cái mà Trung Quốc gọi là “bản đồ tiêu chuẩn năm 2023”. Các nước yêu cầu Trung Quốc “hành xử có trách nhiệm”, tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài và các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Một số nước trước đây thường chọn chính sách “ngoại giao im lặng”, hạn chế chỉ trích trực tiếp thì nay cũng đã mạnh mẽ lên tiếng kịch liệt phản đối những hành động ngày càng leo thang của Trung Quốc ở biển Đông. Ngày 31-8-2023, tại buổi họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã khẳng định: “Yêu sách chủ quyền và yêu sách biển dựa trên đường đứt đoạn như thể hiện trong bản đồ nói trên của Trung Quốc là vô giá trị, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982… Việt Nam khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của mình về vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như kiên quyết phản đối mọi yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông dựa trên đường đứt đoạn”.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Malaysia đã ra tuyên bố về bản đồ nêu trên, rằng “Bản đồ  tiêu chuẩn năm 2023 của Trung Quốc thể hiện rõ “đường chín đoạn” bao trùm biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế nên không có hiệu lực ràng buộc đối với Malaysia. Đồng thời, Malaysia không công nhận các tuyên bố của Trung Quốc ở biển Đông theo như ấn bản năm 2023 trong bản đồ tiêu chuẩn của Trung Quốc”... Philippines đã đệ đơn lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để phản đối về việc Trung Quốc ban hành một bản đồ mới thể hiện các đảo của Philippines. Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định: Bản đồ này của Trung Quốc là bất hợp pháp và không có cơ sở theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982. Trước đó, Ấn Độ cũng gửi công hàm phản đối kịch liệt việc Trung Quốc phát hành bản đồ mới, vì họ đã gộp bang Arunachal Pradesh và cao nguyên Aksai Chin của Ấn Độ vào Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi cũng khẳng định: Ấn Độ bác bỏ những tuyên bố của Trung Quốc vì chúng không có cơ sở...

Như vậy, với việc ban hành “bản đồ tiêu chuẩn”, một lần nữa Trung Quốc không những ngang nhiên mà còn trắng trợn leo thêm một nấc thang thiếu trách nhiệm ở biển Đông trong khi họ là thành viên UNCLOS, là một bên trong bàn đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) và nhiều cơ chế đa phương khác về vấn đề biển Đông. Điều này cho thấy, Trung Quốc đang phát đi tín hiệu rằng họ không có ý định rút lui bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào của mình và đảm bảo rằng các quốc gia khác trong khu vực không lãng quên quan điểm của họ về biển Đông. Đồng thời, việc làm này còn là “phép thử” mà Trung Quốc đặt ra để kiểm tra phản ứng của các nước hòng sẵn sàng “tịnh tiến” về phía trước khi chớp được cơ hội. Không những thế, trên biển họ từng bước dùng nhiều biện pháp kể cả đe dọa, gây hấn để lấn chiếm theo phương pháp “tằm ăn dâu”, rồi quân sự lẫn dân sự hóa các khu vực mà nước này chiếm được. Với việc làm này, Trung Quốc đang cố chứng minh rằng họ quản lý, tổ chức đời sống xã hội một cách hợp pháp bằng những biện pháp hành chính, dân sự, quân sự trên các thực thể mà họ chiếm đóng phi pháp của Việt Nam và các nước ven biển Đông. 

Thế nhưng, chưa bao giờ yêu sách phi pháp của Trung Quốc được chấp nhận, trái lại phản ứng của các quốc gia ngày càng trở nên mạnh mẽ, quyết liệt hơn trước sự leo thang của họ. Bởi Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử về việc người Việt đã xác lập và thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa. Những việc đó được ghi trong sử sách của ta, của quốc tế và ngay cả của Trung Quốc. Đối với các quốc gia ven biển Đông, cơ sở pháp lý là vào năm 2016, Tòa Trọng tài quốc tế tại Hà Lan đã ra phán quyết bác bỏ tính pháp lý của yêu sách “đường lưỡi bò”. Duy chỉ có Trung Quốc quyết liệt bác bỏ phán quyết này, trong khi cả thế giới đều ủng hộ và kêu gọi họ tuân thủ. Trước sự ngang ngược và ngông cuồng của Trung Quốc, sự đồng lòng của cộng đồng quốc tế và đặc biệt là các quốc gia ven biển Đông trong việc lên tiếng phản đối các yêu sách phi pháp của Trung Quốc là rất quan trọng. Vậy nên ngay từ lúc này, việc hợp tác quốc tế chặt chẽ để quyết liệt ứng phó với những âm mưu, thủ đoạn tinh vi và xảo quyệt kiểu Trung Quốc trên “bàn cờ” biển Đông là điều vô cùng cấp thiết.

Đối với mỗi người dân Việt Nam, chúng ta phải khẳng định một cách chắc chắn rằng biển, đảo chính là phần lãnh thổ quan trọng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Vì vậy, trách nhiệm của mỗi công dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo là đặc biệt quan trọng. Để mỗi người thực hiện tốt trách nhiệm vinh quang của mình thì trước hết phải giữ vững ý chí, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo; không tin, nghe theo, tiếp tay cho những lời tuyên truyền, xuyên tạc, bịa đặt của các cá nhân, tổ chức, thế lực thù địch lợi dụng vấn đề biển, đảo để chống phá cách mạng Việt Nam. Hơn thế nữa, mỗi chúng ta cần xây dựng và phát huy tinh thần sẵn sàng và tham gia trực tiếp vào công cuộc bảo vệ, giữ gìn biển, đảo quê hương.

  • Từ khóa
176738

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu