Chủ nhật, 12/05/2024 13:37:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:01, 03/07/2023 GMT+7

Tay nhanh hơn não

Đỗ Thành
Thứ 2, 03/07/2023 | 09:01:51 2,080 lượt xem
BPO - “Miệng nhanh hơn não” hoặc “tay nhanh hơn não” là cụm từ xuất hiện đã lâu, đặc biệt nhiều hơn từ khi mạng xã hội ra đời. Cụm từ này dùng để ám chỉ những người vì sự vội vàng mà nhận định sai rồi dẫn đến nói, viết, bình luận sai về một sự vật, hiện tượng nào đấy. Đó là những cái miệng, cái tay không được điều khiển bằng trí não hoặc vì một động cơ, mục đích nào đó mà bỏ qua không cần suy nghĩ, hành động theo kiểu bản năng.

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng xã hội đã có sự phát triển như vũ bão. Mạng xã hội cũng đã trở thành một kênh thông tin quan trọng để mở rộng dân chủ trong xã hội. Tuy nhiên, việc lợi dụng mạng xã hội để bình luận hoặc tung tin thất thiệt vẫn được một số tổ chức, cá nhân sử dụng. Bằng cách bịa đặt, thêm thắt các tình tiết về vụ việc, vụ án, họ đã thành công trong việc tăng sự chú ý, hướng lái dư luận vào các mục đích của mình. “2 trụ sở UBND xã ở tỉnh Đắk Lắk bị tấn công, xử phạt một số người đưa tin sai sự thật”, “Đối tượng bịa đặt, xuyên tạc vụ tấn công trụ sở 2 UBND xã ở Đắk Lắk bị xử phạt”, “Xử phạt người đăng clip bịa đặt nguyên nhân vụ tấn công hai trụ sở UBND xã ở Đắk Lắk”… Đó là những tiêu đề bài viết mà báo chí đăng trong thời gian qua khi sự việc ở Đắk Lắk xảy ra. Có triệu tập, có bắt, có phạt, có đưa tin đều đặn, có cảnh báo, thế nhưng vì sao lại vẫn có những người tiếp tục đăng tải, bình luận thông tin sai, bịa đặt, xuyên tạc về sự việc này? 

Đa số các đối tượng này là những người “tay nhanh hơn não” nhưng cũng chia thành 2 bộ phận. Thứ nhất là những đối tượng “câu view”, “câu like” đơn thuần. Điển hình cho bộ phận này phải kể đến T.V.C, sinh năm 1993, thường trú xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An bị cơ quan Công an huyện Quỳnh Lưu triệu tập, làm việc vào ngày 14-6-2023 với lý do đăng tin sai sự thật về vụ việc. Do trong lúc truy cập facebook, thấy thông tin về vụ việc xảy ra tại Đắk Lắk, bản thân chưa tìm hiểu kỹ nên đã đăng tải lên tài khoản cá nhân những nội dung không đúng sự thật. Những thông tin này đều chưa được kiểm chứng và đã xúc phạm uy tín của chính quyền địa phương, lực lượng công an. Đó là những gì mà T.V.C khai tại cơ quan công an. Sau khi làm việc với cơ quan công an, anh ta đã gỡ bỏ bài viết và đăng thông tin cải chính. Với hành vi vi phạm của mình, T.V.C đã bị cơ quan công an ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng. T.V.C chỉ là một trong nhiều trường hợp vi phạm bị xử lý hành chính. Trước đó, tại TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Quảng Nam… nhiều người cũng bị xử phạt vì bình luận sai sự thật trên mạng xã hội về vụ việc nêu trên.

Vào rạng sáng 11-6-2023, nhóm đối tượng dùng súng tấn công 2 trụ sở UBND xã Ea Tiêu, Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương. Ngay sau đó, nhiều thông tin không đúng sự thật đã lập tức xuất hiện trên mạng xã hội. Họ sử dụng những hình ảnh, video qua chỉnh sửa, cắt ghép được tung ra kèm theo lời bình không đúng sự thật đã gây hoang mang dư luận. Và thế là nhiều giả thuyết sai lệch nhằm hướng lái dư luận chỉ trích chính quyền địa phương được một số tổ chức, cá nhân có tư tưởng phản động tung ra. Có thể nhận định đó là bộ phận thứ hai, những kẻ “tay nhanh hơn não” nhưng vì động cơ chính trị thấp hèn. Một trong số đó phải kể đến là Nguyễn Văn Đài, kẻ đang sống lưu vong ở nước ngoài. Với giọng điệu trắng trợn xuyên tạc, bóp méo bản chất vụ việc, Nguyễn Văn Đài đã lên mạng xã hội “luận đàm” với biểu cảm vô cùng hả hê. Nguyễn Văn Đài cho rằng đã lộ diện tổ chức đứng sau kích động, trang bị và huấn luyện những đối tượng tham gia vụ án tấn công 2 trụ sở UBND xã ở Đắk Lắk. Theo Đài, nhóm đối tượng gây ra tội ác tày trời ở Đắk Lắk vừa qua được trang bị quần áo, vũ khí là do cơ quan chức năng trong nước cung cấp. Trí tưởng tượng của Nguyễn Văn Đài quả thật phong phú, “thông minh” hết phần thiên hạ. Và đương nhiên, những lời Nguyễn Văn Đài thốt ra chỉ có những kẻ cùng chí hướng phản động với hắn tung hô, ủng hộ. Còn lại đa số người dân Việt Nam đều cười vào cái sự “thông minh” của hắn. 

Thực tế, quần áo rằn ri như Nguyễn Văn Đài nói nhập lậu qua biên giới thông qua các đường mòn, lối mở rất khó kiểm soát. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng chức năng đã kiểm tra, thu giữ nhiều lô hàng chứa quần áo rằn ri không rõ nguồn gốc và xử lý theo quy định. Về công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ ở nước ta trong nhiều năm qua đạt được kết quả rất tốt. Lực lượng công an đã làm tốt công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức tuyên truyền, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ. Đại đa số người dân tự giác chấp hành và tự nguyện giao nộp. Tuy nhiên, một số gia đình, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cất giữ các loại vũ khí quân dụng, vật liệu nổ hoặc vũ khí tự chế trong nhà. Họ xem những kỷ vật đã trải qua thời kỳ kháng chiến cùng với ông bà, cha mẹ cần được lưu giữ riêng. Thậm chí có gia đình còn coi đó là đồ vật thiêng dùng để thờ cúng. Chính vì vậy, công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp.

Trên mạng xã hội, người dùng có thể tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình và đăng tải các thông tin mà không bị ngăn cấm hoặc hạn chế. Từ thực tế nêu trên, các tổ chức phản động, đối tượng cơ hội chính trị đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận để chống phá Đảng, Nhà nước với tính chất ngày càng tinh vi, khó lường thông qua mạng xã hội. Xuất phát từ những nguyên nhân đó, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 17-6-2021 nhằm bảo đảm cho mạng xã hội ở Việt Nam được phát triển một cách lành mạnh, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, quyền tự do cá nhân; phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Bộ quy tắc ứng xử trên mạng còn góp phần giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội và xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.

Thông tin trên không gian mạng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, nó cũng đồng thời mang lại nhiều thách thức trong việc đánh giá tính chính xác, đúng đắn của các thông tin được lan truyền. Vì vậy, người dân cần tỉnh táo, khôn ngoan, phân biệt các thông tin trên mạng xã hội, xây dựng ý thức trách nhiệm trong sử dụng thông tin. Đó là kiểm tra tính xác thực và nguồn gốc của thông tin trước khi lựa chọn tin tưởng hay chia sẻ. Cần tránh những hành động “tay nhanh hơn não” để rồi phải nhận lấy hậu quả khôn lường.

  • Từ khóa
171740

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu