Thứ 6, 10/05/2024 21:42:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 07:54, 24/04/2023 GMT+7

Những luận điệu “đánh lái” bản án

T.T
Thứ 2, 24/04/2023 | 07:54:04 1,339 lượt xem
BPO - Ngày 21-3, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên phạt 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” với bị cáo Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Lợi dụng sự quan tâm của dư luận đối với vụ án này, các đối tượng xấu đã ra sức xuyên tạc, “đánh võng”, “bẻ lái” thông tin nhằm tạo cớ tấn công chính quyền.

Bị cáo Nguyễn Quang Tuấn - người vừa bị đưa ra xét xử - không phải là cái tên xa lạ trong ngành y học. Bị cáo Tuấn là chuyên gia đầu ngành, có trình độ giáo sư, tiến sĩ ở lĩnh vực y khoa nội tim mạch. Ngoài ra, bị cáo từng kinh qua nhiều vị trí chuyên môn, lãnh đạo quản lý ở các cơ sở y tế nổi tiếng và là đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV. Chính vì vậy, khi bị cáo Tuấn lâm vào vòng lao lý, nhiều người không khỏi xót xa. Bản án 3 năm tù vừa được Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên đối với bị cáo Tuấn được dư luận đánh giá là nhân văn, phù hợp, vừa bảo đảm tính răn đe nhưng cũng tạo cơ hội cho bị cáo có cơ hội sửa sai, tiếp tục đóng góp tài năng của mình cho y học.

Tuy nhiên, một số kẻ lại cố tình “đánh võng” thông tin, “xuyên tạc” bản án đối với bị cáo Nguyễn Quang Tuấn để tạo cớ tấn công chính quyền. Ngay sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, Đài Á châu tự do - RFA tung ra bài viết “Bản án ba năm cho cựu Giám đốc Bệnh viện tim Hà Nội và công luận”. Bằng cách phỏng vấn “luật sư dân chủ” Nguyễn Văn Đài và một vài người không rõ lai lịch, RFA đưa ra vô số nhận định sai trái như: “bản án đó nhẹ so với vi phạm ông ta mắc phải”, “những quan chức tham nhũng ở Việt Nam trong quá trình đấu đá họ có thể chạy tội được”. Thậm chí những kẻ này còn so sánh việc xét xử bị cáo Nguyễn Quang Tuấn và việc xét xử các đối tượng “dân chủ” để quy chụp cho rằng hệ thống tư pháp của Việt Nam là thiếu công bằng, bình đẳng. Tương tự như RFA, Việt Tân cũng nhanh chóng “bắt sóng” dư luận, đưa ra thông tin theo kiểu lập lờ nhằm “đánh lận con đen” và kích động hoài nghi với luận điệu: “Trước khi vào Đảng, ông Tuấn là một trí thức hàng đầu. Sau khi ông vào Đảng Cộng sản thì dân đầu hàng ông luôn” (?!). Đây rõ ràng là những nhận định, đánh giá hết sức phiến diện, chủ quan, mang đậm sự hằn học đối với Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến bị cáo Nguyễn Quang Tuấn và đồng phạm nói riêng và trong tất cả vụ án hình sự nói chung, khi quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử đều xem xét kỹ, nhiều chiều, trên cơ sở đánh giá mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. 

Với trường hợp bị cáo Tuấn, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo đều thành khẩn khai báo. Đồng thời, bị cáo Tuấn đã tự nguyện nộp lại số tiền vụ lợi 10.000 USD, nộp khắc phục hơn 6 tỷ đồng dù không có trách nhiệm phải bồi thường. Bản thân bị cáo Tuấn là người có trình độ chuyên môn cao về lĩnh vực y học, có những đóng góp lớn cho xã hội. Mặt khác, việc thực hiện hành vi phạm tội diễn ra trong bối cảnh hệ thống pháp luật về lĩnh vực y tế còn nhiều bất cập. Động cơ phạm tội của bị cáo không phải do vụ lợi mà để kịp thời có đủ vật tư phục vụ chuyên môn y tế, cứu giúp bệnh nhân. Đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 51, Bộ luật Hình sự, bị cáo Nguyễn Quang Tuấn được áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ như: tự nguyện bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; thành khẩn khai báo, ăn năn, hối lỗi; có thành tích xuất sắc trong công tác; phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Bởi vậy, việc hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt và thấp hơn mức đề nghị của viện kiểm sát là phù hợp. 

Ngoài ra, về nguyên tắc xử lý sai phạm, trong buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tại huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai ngày 21-4, ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã chia sẻ: “Các đồng chí cũng có nói rằng do xử lý, do bắt giữ việc nọ việc kia nhiều nên anh em chững lại. Thưa các đồng chí, đã làm thì có đúng có sai, không ai xử lý cái sai mà có động cơ tốt đâu…”.

Đối với luận điệu so sánh việc kết án bị cáo Nguyễn Quang Tuấn và việc kết án các “nhà dân chủ” để quy chụp cho rằng chính quyền “đàn áp nhà đấu tranh bằng những bản án nặng”, đây rõ ràng là một sự kệch cỡm đến không thể chấp nhận. Bên cạnh việc khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra thì Bộ luật Hình sự Việt Nam cũng quy định rõ nguyên tắc nghiêm trị các đối tượng ngoan cố chống đối, côn đồ. Thực tế, những kẻ núp bóng “nhà đấu tranh”, “nhà dân chủ” bị đưa ra xét xử thời gian vừa qua đều là những đối tượng có hành vi chống phá đất nước một cách quyết liệt. Thay vì ăn năn, hối lỗi, những kẻ này còn ngông cuồng, ngoan cố, thách thức pháp luật. Thậm chí ngay cả khi đứng trước vành móng ngựa, những kẻ này vẫn không chịu thừa nhận sai phạm của bản thân. Bởi vậy, việc nhận một hình phạt nghiêm khắc là điều không có gì phải bàn cãi.

Mục đích của một bản án không chỉ nhằm tạo tính răn đe mà còn giúp người phạm tội nhận thức được sai lầm, từ đó khắc phục, cải tạo bản thân để trở thành người có ích cho xã hội. Đó chính là tính nhân văn, nhân đạo trong pháp luật Việt Nam.

  • Từ khóa
166268

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu