Thứ 6, 10/05/2024 03:30:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 08:51, 19/04/2023 GMT+7

“Xâm lăng văn hóa”

Đỗ Thành
Thứ 4, 19/04/2023 | 08:51:28 1,056 lượt xem
BPO - Một clip dài khoảng 4 phút 45 giây lan truyền trên mạng vào đầu tháng 4-2023, ghi lại cảnh nhiều học sinh nữ cấp 2 đang có hành động đánh đập một bạn cùng lớp. Nạn nhân kêu gào, van xin thảm thiết nhưng không được tha cho đến khi nằm vật xuống đất. Đây là sự việc đã được các cơ quan chức năng, nhà trường kết hợp với phụ huynh làm rõ và có những biện pháp giáo dục các em kịp thời. Tuy nhiên, qua miệng lưỡi của Chân trời mới Media hay Tiếng Dân thì sự việc đã trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Chúng đồng loạt đăng bài với tiêu đề “Khi cái ác mỉm cười” để miêu tả kỹ hơn, nhào nặn nhiều hơn diễn biến vụ việc để cuối cùng quy chụp văn hóa, đạo đức xã hội Việt Nam xuống cấp. Chúng cho rằng những hình ảnh bạo lực học đường, bạo lực đường phố tại Việt Nam hiện nay phổ biến. Tuy vậy, những người đứng ngoài xem thì dường như thờ ơ, vô cảm với sự việc diễn ra. Thậm chí họ còn có hành động cổ vũ, quay phim, chụp hình để đăng lên mạng. Cuối cùng chúng kết luận đó là những sản phẩm của một nền văn hóa xuống cấp dưới chế độ cộng sản. Đây có thể nói là chiến thuật “mưa dầm thấm lâu” mà Chân trời mới Media, Tiếng Dân hay một số tổ chức phản động khác thường dùng đối với Việt Nam khi nói về lĩnh vực văn hóa. Đây là chiến thuật tâm công đánh vào lòng người, là thủ đoạn, phương cách rất mưu mô, xảo quyệt. Thông qua những hành vi phản nhân văn, phi tiến bộ, chúng tuyên truyền các giá trị văn hóa phương Tây, đề cao chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cơ hội, hạ bệ tính nhân văn, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta, tiến tới phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa, văn nghệ. Đây rõ ràng là mưu đồ xâm lăng văn hóa mà các thế lực thù địch, phản động thực hiện đối với nước ta.

Thoạt nghe thì có vẻ buồn cười, nhưng các cuộc xâm lăng văn hóa thì không phải chuyện đùa. Cuộc xâm lăng này tấn công vào cội nguồn, gốc gác của dân tộc. Nó vô hình và đáng sợ hơn mọi cuộc xâm lăng khác. Mất gốc thì một dân tộc tất yếu sẽ suy vong, văn hóa còn thì dân tộc còn. Trên bình diện khác, các đối tượng có tư tưởng thù địch lại tấn công vào văn hóa bằng cách ra sức xuyên tạc ý nghĩa, giá trị, mỉa mai, bài xích các lễ hội truyền thống, các phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc ta. Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn ở tỉnh Hà Nam, một lễ hội văn hóa truyền thống thể hiện đặc trưng sắc thái văn hóa nông nghiệp của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ. Hình ảnh mang tính biểu trưng của lễ hội đó là con trâu và cái cày rất thân thuộc với mỗi người Việt Nam. Nhưng hình ảnh đó lại bị các thế lực thù địch ở hải ngoại bám vào xuyên tạc cho rằng người chúng ta đang kéo lùi lịch sử.

Lễ hội Tịch điền chỉ là một ví dụ. Đó là một dẫn chứng sinh động để thấy rõ hơn âm mưu đằng sau những luận điệu xuyên tạc về văn hóa lễ hội nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung mà các thế lực thù địch đã và đang ra sức thực hiện. Lấy văn hóa làm cái cớ để xuyên tạc chính trị, mỉa mai đường lối, chủ trương của Đảng, bôi đen bức tranh thượng tầng kiến trúc của đất nước. Những đạo lý, hồn cốt dân tộc đó có lẽ những đối tượng đang cố tình xuyên tạc kia cũng không thể hiểu được vì vốn dĩ chính họ còn không xác định được gốc gác của mình ở đâu. Như vậy thì sự trân trọng lễ hội và những giá trị truyền thống là điều gì đó quá xa vời. Còn đối với các thế hệ người dân Việt Nam, vai trò đặc biệt quan trọng của lễ hội truyền thống là món ăn tinh thần không thể thiếu. Những lễ hội thời xưa của dân tộc được phục dựng lại là những giá trị cốt lõi của bản sắc dân tộc, vùng miền, nó là bộ phận có vị trí, vai trò quan trọng cấu thành nên văn hóa quốc gia.

Hai ví dụ nêu trên là những minh chứng cho thấy 2 trong số rất nhiều thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động tấn công vào văn hóa và tấn công bằng văn hóa. Xâm lăng bằng văn hóa và xâm lăng vào văn hóa thì cuối cùng cũng đều nhằm mục đích tiêm nhiễm văn hóa xấu, độc, làm xói mòn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Một dân tộc bị nước ngoài lũng đoạn về văn hóa thì dân tộc đó sẽ mất tất cả. Vấn đề phải phát triển văn hóa dân tộc đã được Đảng đề cập đến trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên năm 1930. Năm 1943, khi nước nhà còn chưa giành lại được độc lập, Đảng ta đã đề ra Đề cương văn hóa Việt Nam. Trong đó chỉ rõ văn hóa là một trong ba mặt trận, bao gồm: chính trị, kinh tế và văn hóa. Câu khẩu hiệu “văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa” đã đi suốt chiều dài lịch sử trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có lớp lớp thế hệ thanh niên lên đường chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các chiến trường miền Nam để có được 48 năm Nam, Bắc sum họp một nhà như ngày hôm nay. 

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng trong giữ gìn, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Hiện nay, sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, cạnh tranh quốc tế và cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng sẽ diễn ra quyết liệt, phức tạp hơn. Trên mạng xã hội không khó để tìm thấy những sản phẩm văn hóa mang dấu ấn ngoại lai, không phù hợp với các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam. Những sản phẩm này lan truyền trên các kênh thông tin truyền thông đa phương tiện, ngấm ngầm làm thay đổi nhận thức, cách suy nghĩ, ứng xử của nhiều người. Mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã cho dừng chiếu và phạt hành chính nhà phát hành CGV 170 triệu đồng vì đã công chiếu phim “Everest, người tuyết bé nhỏ”. Lý do là cảnh phim chứa bản đồ có đường lưỡi bò sai trái bị cộng đồng quốc tế phản đối. Cũng với lý do đó, bộ phim “Thợ săn cổ vật” bị cấm chiếu trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Nhiều bộ phim trên ứng dụng Netflix đã bị Cục Điện ảnh yêu cầu rà soát, gỡ bỏ những thông tin sai lệch về lịch sử và chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam.

Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc bên cạnh tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của thời đại là chủ trương nhất quán được Đảng, Nhà nước ta xác định qua các kỳ đại hội. “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội như sông có nguồn”. Câu ca dao này cũng là lời nhắn nhủ mỗi người dân Việt Nam phải luôn khắc ghi trong mình ý thức về cội nguồn, về giá trị văn hóa ngàn đời của dân tộc ta. Mất đi nền tảng văn hóa là mất chủ quyền đất nước. Trước những thách thức của thời đại, chúng ta hãy tự hào là người Việt Nam; tự hào về nền văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam.

  • Từ khóa
165862

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu