Thứ 7, 11/05/2024 03:57:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:53, 18/04/2023 GMT+7

“Mượn gió bẻ măng”

Thảo Linh
Thứ 3, 18/04/2023 | 09:53:29 945 lượt xem
BPO - Những ngày gần đây, mạng xã hội bàn tán nhiều về sự kiện một diễn viên gốc Việt có tên Quan Kế Huy đã vinh dự đoạt giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất trong lễ trao giải Oscar lần thứ 95 tại Los Angeles (Hoa Kỳ). Bộ phim mang lại vinh quang cho Quan Kế Huy là phim hài có tên tiếng Anh “Everything Everywhere all at Once”. Việc được xướng tên trên thảm đỏ của lễ trao giải Oscar là vinh dự lớn đối với bất cứ diễn viên nào. Thế nên sự bàn tán về một diễn viên gốc Việt đoạt giải thưởng danh giá này cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, giống như mọi sự kiện thu hút dư luận khác, lại xuất hiện những giọng điệu “mượn gió bẻ măng”, mượn lời chia sẻ của Quan Kế Huy trên thảm đỏ Oscar để chửi xéo chế độ, chửi Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Giữa tháng 3, trang VOA tiếng Việt có bài “Ke Quan Huy, diễn viên gốc Việt đoạt giải Oscar - đích thực giấc mơ Mỹ”. Bài viết ăn theo nội dung mà kênh truyền hình CNN đã đăng và còn “chế” thêm nhiều “gia vị”. Tác giả xoáy sâu vào chi tiết “cuộc hành trình của tôi bắt đầu từ một chiếc ghe” mà Quan Kế Huy đã chia sẻ khi nhận giải. Bài viết kể rằng Quan Kế Huy được sinh ra tại Sài Gòn trong một gia đình gốc Hoa. 7 tuổi, khi Sài Gòn “bị quân Bắc Việt chiếm đóng” (trích nguyên văn), gia đình anh đã rời khỏi Sài Gòn và phải sống 1 năm trong trại tỵ nạn ở Hồng Kông trước khi tới Mỹ… Những cụm từ như trại tỵ nạn, ghe vượt biển được nhắc đi nhắc lại nhiều lần với lời giải thích rằng, những nhân tài người Việt hoặc gốc Việt, trong đó có Quan Kế Huy chỉ thành công khi thoát khỏi chế độ Cộng sản tại Việt Nam (!?). 

Tôi không biết tác giả bài viết nêu trên thuộc độ tuổi nào và có thực sự quan tâm đến những nhân tài mang dòng máu Việt, nhất là những nhân tài từng sống dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa hay không. Bởi nếu biết nghĩ cho cái chung, họ sẽ tự hào về những vinh quang mà người Việt đã đạt trên các lĩnh vực, trong đó có nghệ thuật diễn xuất chứ không moi móc những chuyện đã qua, chuyện ai thuộc phe nào. Vả lại, vào thời điểm tháng 4-1975, không ít người ra đi vì hoang mang do thông tin bị bóp méo. Sau này, khi công nghệ thông tin phát triển, họ mới nhận ra sự thật. Hơn nữa, ngay thời điểm lịch sử tháng 4-1975, vẫn có những trí thức lớn thời Việt Nam Cộng hòa ở lại, tình nguyện tham gia vào các hoạt động xây dựng đất nước sau cuộc chiến, trong đó không thể không nhắc tới GS Lý Chánh Trung, GS Hoàng Xuân Hãn, GS Nguyễn Mạnh Hà, Thầy thuốc nhân dân Trần Đông A… Họ không chỉ là những tài năng thực thụ mà còn là những nhân cách lớn. Họ luôn đau đáu với vận mệnh quốc gia, dân tộc. Từ năm 1966, dù đang sống dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, GS Lý Chánh Trung đã bày tỏ niềm tin đáng kính trọng về tương lai của Việt Nam khi ông viết trong cuốn sách “Cách mạng và đạo đức” rằng: “Giới thanh niên của miền Nam, sau khi đã chạy theo những ảo ảnh, huyền thoại, sau khi đã đi tận cùng kinh nghiệm chua cay của hận thù, sẽ nhìn thấy những con người cụ thể, những vấn đề cụ thể, sẽ nhìn nhau để nói chuyện về đất nước Việt Nam, về con người Việt Nam”. Sau này, GS Lý Chánh Trung là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP. Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII. Còn GS, bác sĩ Trần Đông A, sau giải phóng dù được Chính phủ Hoa Kỳ cấp thẻ xanh bảo lãnh sang Mỹ định cư nhưng ông đã từ chối và ở lại phục vụ đất nước. Ông đã đóng góp lớn vào nền y học nước nhà ở chuyên ngành ghép tạng, trở thành Anh hùng Lao động, Giáo sư, Thầy thuốc nhân dân. Như vậy, chuyện đi hay ở, ra đi trong tư thế nào và ở lại với tư cách gì là do cá nhân định đoạt. Hàng triệu người ra đi vào năm 1975, hỏi được bao người đạt đến vinh quang như Quan Kế Huy!?  

Hùa theo luận điệu của VOA tiếng Việt, hàng loạt tài khoản facebook (fb) của những kẻ vô công rỗi nghề ăn theo bằng những bình luận đầy định kiến và sặc mùi chống phá. Fb Tran van GC bình luận sống sượng thế này: “Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ thị cho các cơ quan, ban, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương nghiêm cấm xem và quảng cáo nội dung các phim, các hoạt động văn hóa có Ke Huy Quan và Hong Chau tham dự, vì các đối tượng này có liên quan đến yếu tố VNCH (Việt Nam Cộng hòa). Trưởng ban TGTW đã ký: Khỉ Trường Sơn”. Fb Nam Nguyen thì bình luận: “Là người tỵ nạn Cộng sản, kẻ thù của chúng ta là giặc miền Bắc vô Nam với bàn tay nhuốm máu đồng bào chứ không chỉ người Việt gốc Hoa. Người Hoa sống ở Việt Nam hàng trăm năm, có người còn không biết nói tiếng Hoa. Có cả vạn người Hoa từng là chiến hữu và không biết bao nhiêu người từng bị giam cầm trong các trại cải tạo vì là sỹ quan quân đội VNCH”… Lại có kẻ viết: “Hoan hô Quan Kế Huy vì lên đỉnh vinh quang vẫn không quên chiếc ghe chạy trốn và trại tỵ nạn Cộng sản”…

Cùng sự kiện này, trang Diễn đàn thế kỷ đăng bài của Mặc Lý: “Diễn viên Quan Kế Huy người Mỹ gốc Việt hay người Mỹ gốc Hoa?”. Bài viết giải thích lòng vòng về sắc tộc, tiểu sử, quốc tịch của nhân vật. Và dù bày tỏ quan điểm “Quan Kế Huy là người Mỹ gốc Hoa hay người Mỹ gốc Việt không quan trọng” nhưng Mặc Lý lại định lượng rằng: “Quan Kế Huy chỉ có… 25% gốc Việt và 75% gốc Hoa” và nói bóng gió, kiểu như người Việt thấy Quan Kế Huy đạt đến vinh quang thì “thấy sang bắt quàng làm họ”! Và cũng không khác gì những kẻ “mượn gió” khác, Mặc Lý nhân chuyện này ca ngợi nước Mỹ lên mây xanh với cụm từ “giấc mơ Mỹ” được nhắc đi nhắc lại. Rằng cuộc đời và sự nghiệp của nam diễn viên là điển hình tiêu biểu của những người đi tìm giấc mơ Mỹ. Tác giả bài viết còn cho rằng vài tờ báo trong nước đưa tin một cách mờ nhạt về sự kiện này và cố tình lờ đi quá khứ “thuyền nhân” của nam diễn viên Quan Kế Huy. Thậm chí Mặc Lý còn “tiên đoán” rằng việc các báo trong nước cố ý bỏ chi tiết “thuyền nhân” của Quan Kế Huy là do “nhà cầm quyền Việt Nam muốn viết lại lịch sử theo ý họ, như họ đã từng can thiệp với Nam Dương để đục bỏ bia Tưởng niệm Thuyền nhân”…

Trò “mượn gió bẻ măng” của những kẻ cơ hội chính trị cứ lặp lại mỗi khi chúng tìm được một câu chuyện, một sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận. Và thói quen xấu của một số người luôn tỏ ra hiểu biết và thạo tin khi bình luận hay nhấn thích đang tiếp tay cho những hành vi chống phá đất nước.

  • Từ khóa
165815

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu