Thứ 7, 11/05/2024 00:06:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 16:12, 06/04/2023 GMT+7

Đã dốt còn lắm văn

H.L
Thứ 5, 06/04/2023 | 16:12:52 676 lượt xem
BPO - Hiến pháp mặc dù là văn bản pháp lý tối cao của một quốc gia nhưng về bản chất, nó thể hiện ý chí, nguyện vọng của giai cấp cầm quyền và toàn thể nhân dân. Vì vậy, không thể so sánh hiến pháp của các quốc gia với nhau, nhất là khi các quốc gia đó lại có thể chế chính trị và lịch sử hoàn toàn khác nhau. Một sự thật hiển nhiên, dễ hiểu như vậy nhưng không hiểu sao các thế lực thù địch, phản động vẫn cố tình viện dẫn để xuyên tạc, chống phá.

Trong bài viết “Hiến pháp Mỹ Âu nói gì về quyền sở hữu đất”, chúng ngây ngô so sánh rằng: “Nếu hiến pháp Việt Nam ghi rõ trong Điều 53 “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện thống nhất quản lý” thì phiên bản tương tự của các nước khác thì sao? Hiến pháp Mỹ, Tu Chính Án 5: “Không ai có thể bị tước đi sinh mạng, tự do và tài sản mà không trải qua quá trình xét xử; không tài sản tư hữu nào bị trưng dụng mà không được bồi thường thỏa đáng”. Hiến pháp Châu Âu: “Không ai có thể bị tước đi quyền sở hữu tài sản, trừ khi đó là cho mục đích công ích và được đền bù thỏa đáng”. Các nước khác như Anh, Úc hay Canada cũng không ghi “Đất thuộc sở hữu toàn dân” như Việt Nam hay “Đất thuộc Nhà nước” như Trung Quốc. Họ không tách biệt khái niệm sở hữu đất riêng biệt với sở hữu tài sản. Cái đó hình như chỉ Việt Nam và Trung Quốc mới có”.

Ở đây, chúng đã cố tình lợi dụng một vấn đề đang được cả xã hội quan tâm, đó là quyền sử dụng tài nguyên đất đai để chống phá dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mà chúng ta vừa lấy ý kiến góp ý của toàn dân. Phải hiểu rằng, Việt Nam phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa để tiến tới xã hội cộng sản, hoàn toàn khác với chế độ tư bản của các nước phương Tây, hay nói cách khác, chúng ta thừa nhận chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu, đối lập với các nước phương Tây là chế độ tư hữu. Điều này đã được chỉ rõ ngay từ những ngày đầu khi cách mạng chưa thành công, đất nước chưa độc lập, trong các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam như Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Cương lĩnh chính trị tháng 10-1930, Đảng ta đã khẳng định Việt Nam làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và quốc tế: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”. Từ đó đến nay, trong tất cả văn kiện chính thức của Đảng, Nhà nước đều khẳng định Việt Nam đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, điều đó có nghĩa rằng các tư liệu sản xuất chủ yếu đều là tài sản thuộc sở hữu toàn dân. 

Đất đai là một tư liệu sản xuất đặc biệt, là tài nguyên đặc biệt để phát triển đất nước, nguồn lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý, giao cho nhân dân quyền sử dụng. Nhà nước phải quản lý nguồn lực đất đai trong cả nước theo một quy hoạch chung thống nhất, không thể giao quyền sở hữu cho tư nhân để tránh trường hợp muốn làm gì thì làm hoặc mạnh ai nấy làm. Chúng ta nhất quán quan điểm, giao đất cho các tổ chức, cá nhân sử dụng có thời hạn để phát triển kinh tế, song nếu không có hiệu quả hoặc sử dụng không đúng mục đích hoặc khi cần dùng cho các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ nhu cầu chung của toàn dân hoặc để xây dựng các công trình liên quan đến quốc kế dân sinh, thì Nhà nước tiến hành thu hồi có đền bù thỏa đáng cho người sử dụng. Đây là một chủ trương, chính sách hoàn toàn đúng đắn, được tuyệt đại đa số nhân dân ủng hộ. Có thể trong quá trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, một số nơi làm không đúng, dẫn tới các sai phạm, song không vì thế mà hiểu sai chủ trương, chính sách về đất đai của Nhà nước; càng không thể viện dẫn để khẳng định chính sách đất đai của Nhà nước ta là sai lầm. Không thể so sánh chế độ sở hữu tư nhân về đất đai của các nước tư bản phương Tây với sở hữu toàn dân, giao quyền sử dụng đất có thời hạn cho tổ chức, cá nhân của Nhà nước ta, bởi sự so sánh đó không những hoàn toàn khập khiễng mà còn méo mó, phản ánh sai lệch bản chất sở hữu toàn dân các tư liệu sản xuất chủ yếu của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Chúng ta điều chỉnh, sửa đổi Luật Đất đai lần này nhằm khắc phục triệt để các hạn chế, bất cập của chính sách đất đai đã và đang thực thi. Trong thời gian qua, thực tiễn nảy sinh nhiều vấn đề mới về các mô hình phát triển kinh tế mới như mô hình tập trung tích tụ đất đai; vấn đề sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh cao và sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa trong lúc ruộng đất đang rất manh mún, không thể cơ giới hóa và thâm canh tăng năng suất; vấn đề thu hồi chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát triển kinh tế nhưng lại tác động đến quyền sử dụng đất của các chủ sử dụng đất; hay việc thực hiện không hiệu quả chính sách đảm bảo đất đai cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số... Những phát sinh từ thực tiễn này cần được giải quyết thông qua hệ thống chính sách pháp luật về đất đai để đảm bảo sự phát triển của xã hội. Mặt khác, cùng với sự ra đời của Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các văn bản luật được ban hành gần đây có nhiều nội dung liên quan đến Luật Đất đai cần được điều chỉnh như quy hoạch đất đai, phân loại đất lâm nghiệp, giao đất gắn liền với giao rừng, cho thuê đất rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, quy hoạch đất đô thị, một số cách hiểu thống nhất về khái niệm đất chuyên dùng có sự không đồng nhất với Luật Đất đai năm 2014 và nhiều vấn đề bất cập khác. Vì vậy, Luật Đất đai cần được chỉnh sửa cho đồng bộ, thống nhất với các văn bản luật đã được Quốc hội thông qua thời gian qua. 

Bên cạnh đó, tình trạng khiếu kiện, tranh chấp đất kéo dài xảy ra ở nhiều địa phương và chiếm tỷ lệ rất lớn trong các vụ tranh chấp khiếu kiện hiện nay gây bức xúc xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Cùng với đó, tình trạng lợi dụng kẽ hở trong thực thi chính sách đất đai để tham nhũng đất đai đã dẫn tới nhiều cán bộ vướng vòng lao lý, gây giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng và nghi ngờ năng lực điều hành của Chính phủ đối với sự phát triển của đất nước, bị các thế lực phản động, thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Việc sửa đổi Luật Đất đai nhằm khắc phục những bất cập phát sinh từ thực tế thực thi Luật Đất đai năm 2014, bảo đảm sự công bằng, lợi ích tối đa của tổ chức, cá nhân được giao đất, cho thuê hoặc được công nhận quyền sử dụng đất chứ không phải là lợi ích nhóm, vơ vét, trục lợi đất đai như các thế lực thù địch, phản động đã và đang rêu rao.

Sửa đổi Luật Đất đai năm 2014 là cần thiết, song quá trình đó sẽ không tránh khỏi bị các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc, chống phá. Chúng ta cần tỉnh táo, cảnh giác để không rơi vào cái bẫy mà bọn chúng đã giăng sẵn.

  • Từ khóa
164889

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu