Thứ 7, 11/05/2024 04:01:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 08:33, 29/03/2023 GMT+7

Giọng điệu xuyên tạc

Anh Tú
Thứ 4, 29/03/2023 | 08:33:02 850 lượt xem
BPO - Hòa hợp và hòa giải dân tộc là chủ trương đúng đắn, nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, một số kẻ cố tình phớt lờ sự thực, ra sức “múa mép”, tuyên truyền những thông tin lệch lạc.

Lịch sử Việt Nam là một dòng chảy không hề phẳng lặng. Không phải ngẫu nhiên mà khi nhắc đến Việt Nam, phần lớn bạn bè thế giới lại nhớ đến cụm từ “Vietnam war” (chiến tranh Việt Nam). Cho đến thời điểm hiện tại, khi chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, khi những vết thương chiến tranh đã lành sẹo, khi mà những người từng “đứng bên kia chiến tuyến” đã bắt tay hợp tác với Việt Nam thì đâu đó vẫn có những kẻ mơ màng về chế độ cũ, không chịu chấp nhận thực tại, ra sức tấn công Đảng, Nhà nước Việt Nam. Gần đây, Tiếng Dân News, một kênh tuyên truyền “lề trái” rêu rao luận điệu: “Chính sách xóa bỏ nền văn hóa của VNCH cũng là một tội ác”. Một lần nữa, các đối tượng xấu nhắc lại câu chuyện vượt biên trong thế kỷ trước và quy chụp: “Các hành vi “bán bãi cho dân vượt biên” là một hành vi vi phạm tội ác “chống nhân loại” của CSVN”. Ở một diễn biến khác, lợi dụng việc một diễn viên người Mỹ, gốc Việt được nhận giải thưởng Oscar, không ít “nhà dân chủ” đã tận dụng cơ hội để tuyên truyền về chế độ cũ với góc nhìn đầy hào nhoáng. Họ phớt lờ những góc khuất, ra sức tô son, vẽ hồng xã hội trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Từ đó, chúng tấn công chế độ hiện tại, vu khống vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tô đen xã hội Việt Nam, phủ nhận sự phát triển của đất nước. Với giọng điệu “lập lờ đánh lận con đen” như vậy, có không ít người nhẹ dạ, cả tin đã bị đánh lừa.

Ngược dòng lịch sử, sau ngày 30-4-1975, không ít người Việt, nhất là những người ở miền Nam đã tìm cách vượt biên trái phép. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự kiện này. Tuy nhiên, việc vượt biên không phải do lỗi của chính quyền. Như chúng ta đã biết, trong giai đoạn 1954-1975, đế quốc Mỹ đã lập và sử dụng đội ngũ tay sai để điều hành chính quyền Việt Nam cộng hòa. Mục đích của Mỹ là chia cắt nước ta thành 2 miền, biến miền Nam Việt Nam trở thành thuộc địa kiểu mới và là căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Dương cũng như Đông Nam Á. Trong 20 năm, Mỹ cùng chính quyền tay sai đã thực hiện hàng loạt chiến lược như “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, “Đông Dương hóa chiến tranh” nhưng đều không đạt được mục đích. Với chiến thắng 30-4-1975, chúng ta đã giành được thắng lợi, đất nước đã hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối. Sau khi Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, không ít người có lợi ích gắn liền với chính quyền tay sai đã tìm mọi cách để vượt biên với giấc mơ về một “xứ sở thiên đường”. Mặt khác, trong chính sách hậu chiến, các thế lực thù địch đã sử dụng nhiều biện pháp để tiến hành chiến tranh tâm lý, gây hoang mang dư luận. Bằng việc phát tán lén lút các tờ báo chống cộng như “Kháng chiến”, “Lửa Việt”, “Hồn Việt”, “Chuông Sài Gòn”, “Con ong tị nạn”, “Trắng đen”, “Gió mới”, “Quê mẹ”... các đối tượng xấu đã kích động hận thù, dụ dỗ người dân vượt biên di tản, huyễn hoặc mọi người bằng luận điệu chỉ có rời khỏi Việt Nam mới thoát khỏi cùng cực... Ở trong nước đã xuất hiện các đối tượng “cai đầu dài” - những kẻ tổ chức vượt biên trái phép để thu lệ phí, lừa đảo, cướp tài sản… Chính những điều này đã dẫn đến việc không ít người bán nhà, bán đất để lén lút vượt biên, chạy theo những giấc mộng không tưởng.

Cho đến tận bây giờ, vẫn có kẻ cho rằng nếu không “chạy khỏi Việt Nam” thì sẽ bị chính quyền đàn áp, không thể “ngóc đầu dậy”. Vậy nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Xin dẫn một ví dụ tiêu biểu là trường hợp Giáo sư, bác sĩ Trần Đông A. Ông từng là sĩ quan cấp tá trong chính quyền ngụy quyền Sài Gòn. Với vị trí của mình, ông hoàn toàn có cơ hội sang Mỹ định cư nhưng đã không lựa chọn như vậy. Trả lời phỏng vấn của Báo Quân đội nhân dân, ông cho biết: “Tôi là bác sĩ, làm bổn phận của người thầy thuốc cứu chữa bệnh nhân. Tôi không hề có nợ máu với đồng bào mình nên không có gì phải ân hận cả”. Về quyết định không đi Mỹ định cư, ông thẳng thắn chia sẻ: “Sau đó và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn thấy đó là một quyết định đúng đắn. Tôi rất hạnh phúc!”. Với cống hiến của mình, ông đã trở thành một “cây đại thụ” trong nền y học Việt Nam, được tặng nhiều danh hiệu cao quý như Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân. Qua đó có thể khẳng định, xã hội rất công bằng, nếu có sự cố gắng, nỗ lực và hơn hết là tình yêu đồng bào, yêu Tổ quốc thì ở xã hội nào cũng sẽ được trọng dụng.

Hiện nay, Đảng, Nhà nước Việt Nam nhất quán thực hiện chính sách hòa hợp và hòa giải dân tộc. Tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, Đảng ta nêu rõ chủ trương: “xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đến Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19-5-2015 của Ban Chấp hành Trung ương về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW trong tình hình mới, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh và mở rộng chủ trương: “Đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung...; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai; xóa bỏ mặc cảm, định kiến; chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; mọi người Việt Nam không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đảng, Nhà nước ta sẵn sàng chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc. Vậy hà cớ gì các “nhà dân chủ” cố tình gán ghép cho rằng chính quyền hiện nay vẫn hận thù, phân biệt đối xử?

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Nếu có lòng yêu nước và tinh thần dân tộc thì ở bất cứ đâu, làm bất cứ điều gì người ta cũng luôn hướng về Tổ quốc. Ngược lại, với những kẻ hằn học, chống phá thì dù chính quyền có tốt đến mức nào cũng không thể làm vừa lòng họ.

  • Từ khóa
164315

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu