Thứ 6, 10/05/2024 23:47:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 08:56, 27/03/2023 GMT+7

Hãy biết sử dụng trí óc

H.L
Thứ 2, 27/03/2023 | 08:56:41 605 lượt xem
BPO - Việc Trường THCS Lương Yên, TP. Hà Nội tổ chức lấy ý kiến của học sinh về những nội dung có liên quan trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là việc nên làm, thể hiện đúng tinh thần dân chủ, song lại bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để chống phá.

Chúng cho rằng, đây là một việc làm hài hước, mang tính hình thức, bởi vì “Trẻ con dưới 18 tuổi chưa có quyền sử dụng đất đai các đồng chí ạ. Hỏi ý kiến tụi nhỏ về thứ chúng không sở hữu, không sử dụng để làm gì? Chả nhẽ các đồng chí đem chôn sống dân oan 3 miền rồi sao? Đỉnh cao của sự mị dân, dối trá là đây chứ đâu”. Nói thế thì chúng chẳng hiểu gì về bản chất Nhà nước Việt Nam, chẳng có một tý kiến thức gì về chế độ xã hội chủ nghĩa cả. Tại Điều 14, Chương II, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Chúng ta có cả một thông tư cụ thể hướng dẫn thực hiện lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em (Thông tư số 36/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26-12-2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Về nguyên tắc lấy ý kiến của trẻ em, Thông tư 36 chỉ rõ: “Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản, Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (cơ quan, tổ chức lấy ý kiến của trẻ em) chủ động tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến của trẻ em trên cơ sở sự tham gia tự nguyện của trẻ em; cung cấp đầy đủ thông tin cho trẻ em; nội dung, hình thức lấy ý kiến phải phù hợp với độ tuổi, giới tính, dân tộc, hoàn cảnh, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em”. 

Trẻ em, mà cụ thể ở đây là học sinh THCS là lứa tuổi đã biết nhận thức, thậm chí có những em suy nghĩ, hành động đã rất chín chắn, trưởng thành; các em lại được trang bị những kiến thức về tự nhiên xã hội, tiếp cận thường xuyên với các nguồn thông tin thông qua các trang thiết bị công nghệ hiện đại như máy vi tính, điện thoại thông minh từ sớm nên nhiều em đã có những tư duy độc đáo, sáng tạo. Các em có nhiều quan điểm, cách nhìn, suy nghĩ, đánh giá của riêng mình, mang đậm dấu ấn cá nhân mà ta quen gọi đó là cá tính. Ở tầm tuổi này, nhiều em đã giành được những giải cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và quốc tế. Điều đó cho thấy, trí tuệ, tư duy, nhận thức, kiến thức của các em đã thực sự phát triển, có thể có những góp ý thiết thực đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Có thể những góp ý của các em chỉ xoay quanh phạm vi gia đình, địa phương mình cư trú nhưng đó cũng là một kênh tham khảo quan trọng cho quy trình xây dựng pháp luật. Dự thảo luật cũng rất cần những ý kiến vi mô, cụ thể, rất đời thường chứ không nhất thiết mặc định phải là những ngôn ngữ đao to búa lớn, hàn lâm bác học, mang tính vĩ mô từ các chuyên gia. Có như vậy thì luật mới có tính khái quát cao nhưng đồng thời lại gần gũi, đi vào thực tế cuộc sống. Đó chính là mục đích việc lấy ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này.  

Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có nhiều nội dung liên quan đến nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, đó là trẻ em như: khi Nhà nước thu hồi đất cần đảm bảo những điều kiện thế nào cho trẻ em; các đối tượng nào cần được hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; nếu em là người được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), em có đồng ý để bố và mẹ hoặc người giám hộ cùng đứng tên trên sổ đỏ để giúp em trong quá trình mua bán các tài sản này hay không; khi xây dựng chính sách, pháp luật về đất đai có liên quan đến trẻ em và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có liên quan tới trẻ em, các cơ quan nhà nước có cần các em tham gia ý kiến hay không. Mặc dù chưa có quyền sử dụng đất nhưng các em cũng là một thành viên trong gia đình, có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Vì vậy, hỏi ý kiến tham gia của các em cũng là việc nên làm chứ không phải là cái kiểu cãi cối, cãi chày: “Hỏi ý kiến tụi nhỏ về thứ chúng không sở hữu, không sử dụng để làm gì” của các thế lực thù địch, phản động. Các thế lực phản động, thù địch luôn ra rả giọng điệu Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, rằng trẻ em cần được bảo vệ và tôn trọng. Nhưng, khi chúng ta tổ chức thực hiện lấy ý kiến của học sinh, tức là tôn trọng các em như một công dân có đầy đủ quyền con người, trong đó có quyền được thông tin và tham gia góp ý vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thì chúng lại ra sức tuyên truyền xuyên tạc. Vậy thì còn kêu la nỗi gì, hay làm như thế là quá dân chủ khiến bọn chúng tức lồng lộn? Hay làm như thế là quá đúng đắn khiến bọn chúng không còn gì để chống phá? 

1Chỉ tính riêng số liệu thống kê của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, từ ngày 3-1-2023 đến hết ngày 15-3-2023, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức 12 hội nghị, hội thảo với 230 lượt ý kiến góp ý; Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tổ chức 51.153 hội nghị, hội thảo với gần 1,4 triệu lượt góp ý kiến tâm huyết, sâu sắc vào toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cùng với đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhận được trên 8,3 triệu ý kiến góp ý cụ thể vào từng quy định trong dự thảo luật của các tổ chức, cá nhân.

Cái “đuôi cáo” của bọn chúng rồi cũng lòi ra khi chúng kết luận: “Chả nhẽ các đồng chí đem chôn sống dân oan 3 miền rồi sao? Đỉnh cao của sự mị dân, dối trá là đây chứ đâu”. Thứ nhất, ở Việt Nam không có khái niệm dân oan. Chúng ta chỉ có một khái niệm công dân Việt Nam khi nói đến đồng bào mình. “Dân oan” chính là một con ngáo ộp, một miếng “bánh vẽ” mà các thế lực, thù địch tạo dựng, sử dụng để kích động, nói xấu, xuyên tạc tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. “Dân oan” là một khái niệm mơ hồ, một sự xảo trá trong sử dụng ngôn từ của các thế lực thù địch, phản động nhằm lôi kéo, kích động, tập hợp các thành phần bất mãn trong xã hội Việt Nam đứng lên chống phá chính quyền, lật đổ chế độ, lật đổ Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Bản thân từ “dân oan” cũng không mấy tốt đẹp như bản chất lọc lừa, bịp bợm, trơ trẽn của các thế lực thù địch, phản động. Thứ hai, bọn chúng có lẽ có mắt như mù, có não như không khi cho rằng: trong đợt lấy ý kiến này, chúng ta không cho toàn dân tham gia mà chỉ lựa chọn những đối tượng nhất định để lấy ý kiến. Thực tế ngay từ khi triển khai, chúng ta đã thông tin rộng rãi, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc lấy ý kiến của toàn dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Mọi người dân có thể đóng góp ý kiến cho dự thảo thông qua đường link: bit.ly/gopydtLDD trên mạng xã hội, trên Cổng dịch vụ công quốc gia và của các tỉnh, thành phố. Ngoài ra, chúng ta còn tổ chức lấy ý kiến trực tiếp thông qua các buổi họp dân, thông qua việc tiếp nhận văn bản tại hộp thư góp ý của các cơ quan nhà nước1. Thế thì, trí óc của bọn chúng để ở đâu khi kêu gào rằng chúng ta bịt miệng nhân dân, là mị dân, dối trá?

Những ý kiến của các em sẽ được tổng hợp và gửi Ban soạn thảo Luật Đất đai sửa đổi. Việc lấy ý kiến tham gia của các em vào dự thảo luật rất hữu ích cho cả học sinh và giáo viên nhà trường. Các giáo viên, học sinh được hiểu biết thêm về pháp luật đất đai. Đây là việc nên làm, song có lẽ lại trở nên chướng tai, gai mắt đối với các thế lực thù địch, phản động.

  • Từ khóa
164206

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu