Thứ 6, 10/05/2024 18:03:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:53, 22/03/2023 GMT+7

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Thảo Linh
Thứ 4, 22/03/2023 | 09:53:43 644 lượt xem
BPO - Đã thành chuyện “đến hẹn lại lên”, vào các dịp bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp, Đại hội Đảng hay những hội nghị quan trọng của Trung ương về công tác nhân sự, các thế lực thù địch lại ra sức xuyên tạc tình hình đất nước, tình hình nhân sự cấp cao bằng những phỏng đoán “như đúng rồi”. Họ còn sắp đặt người này vào vị trí này, người kia vào vị trí khác và thao thao bất tuyệt những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, vu khống. Thật lạ là có không ít người tò mò vào đọc, nghe những bình luận xuyên tạc rồi hồn nhiên chia sẻ thông tin tràn lan trên mạng.

Từ phương châm “trăm bó đuốc cũng bắt được con ếch”

Khi thực hiện xuyên tạc tình hình đất nước, trong đó có tình hình nhân sự cấp cao, các thế lực thù địch thường áp dụng phương châm “trăm bó đuốc cũng bắt được con ếch”. Chiêu bài quen thuộc thường được chúng áp dụng là đưa ra những thông tin ngược dòng. Chúng “ném” bừa thông tin lên mạng với vô số câu chuyện hoang đường về tình hình đất nước cùng những phương án vô căn cứ với phương châm thông tin này không đúng sẽ có thông tin khác đúng hoặc đúng một phần. Những câu chuyện thường được nhào nặn, tô vẽ với rất nhiều tình tiết cụ thể. Ví dụ, ông A không thể ngồi ghế này vì dính “phot” và đang bị ngấm ngầm điều tra; bà B sẽ được cất nhắc vì là “đệ” trung thành của ông C. Hay có thể ông C sẽ bất ngờ ngồi vào vị trí cao nhất vì hai phe tranh hùng đang bất phân thắng bại… Những phỏng đoán vô căn cứ có thể diễn ra ở nhiều cấp độ, từ Trung ương đến tỉnh, thành, bộ, ngành hay địa phương cấp tỉnh, huyện… khiến người đọc cảm thấy như thật với suy nghĩ rằng không ai có thể bịa ra những tình tiết cụ thể đến thế. 

Hẳn nhiều người còn nhớ thời điểm Việt Nam thực hiện nhất thể hóa chức danh Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, các thế lực thù địch đã tung ra nhiều chiêu trò chống phá chủ trương của Đảng, Nhà nước ta. Trong khi việc này đã được thực hiện từ thời điểm trước năm 1969. Chủ trương nhất thể hóa cũng được Ban Chấp hành Trung ương khóa X thống nhất cao bằng Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 2-2-2008 về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên với mô hình thí điểm bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND. Đây có thể xem là bước đột phá của hệ thống chính trị, nhằm giám sát quyền lực tốt hơn. Và đến thời điểm hợp lý đã tiến hành ở cấp cao nhất - hợp nhất chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước. Tuy nhiên, nhân sự kiện này, các nhà dân chủ trong nước cùng các trang mạng chống cộng ở nước ngoài đã đồng loạt đưa tin xuyên tạc và phỉ báng, rằng Việt Nam đang “nhập khẩu thể chế chính trị của Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch”; rằng đây là biểu hiện của tham quyền cố vị khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “bắt chước” ông Tập Cận Bình… 

Đến sự “gà mờ” thông tin và tác hại của hiệu ứng đám đông

Trong muôn ngàn thông tin xuyên tạc, bịa đặt hoặc phỏng đoán vô căn cứ mà các thế lực thù địch tung lên mạng, thể nào cũng có thông tin đoán đúng hoặc đúng một phần. Khi ấy, những người tò mò sẽ tiếp nhận nguồn tin không chính thống một cách hào hứng và hồn nhiên cổ xúy, loan tin. Còn những chuyện bịa đặt, quy chụp mà những kẻ chống phá cố tình dựng lên sẽ bị quên đi rất nhanh. Gần đây nhất là việc Quốc hội họp bất thường bầu Chủ tịch nước. Các “hãng thông tấn vỉa hè” đã bàn luận rôm rả ai là ứng viên sáng giá, ai là “phương án dự phòng”. Và khi những thông tin đồn đoán diễn ra đúng với thực tế thì nhiều người tỏ ra hoang mang, chẳng lẽ lực lượng chống phá đã cài cắm sâu vào hệ thống của Đảng, Nhà nước? Rằng vì sao những chuyện “thâm cung bí sử” của các nhân vật lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước lại được thông tin tràn lan trên mạng, trong khi Đảng, Nhà nước chưa có bất cứ thông tin chính thống nào…

Những câu hỏi hoài nghi là hoàn toàn phù hợp về mặt tâm lý, bởi có khá nhiều sự kiện trong đời sống chính trị diễn ra đúng với tin đồn trước đó. Ngay tại Bình Phước cũng đã nhiều lần kẻ xấu loan tin thất thiệt. Điển hình là việc các trang mạng chống phá cùng tài khoản Zalo, Facebook của những kẻ cơ hội đồng loạt đưa tin vụ việc “cụ ông bị công an bắn chết ở Bình Phước” hồi tháng 6-2016. Thực tế thời điểm đó, Công an xã Long Hà (huyện Phú Riềng) truy bắt tội phạm trong vụ đánh bạc và cụ ông 77 tuổi (mắc bệnh tim) trong câu chuyện chính là cha của đối tượng đang bị triệu tập đã ra ngăn cản lực lượng công an. Trong quá trình ngăn cản, ông phát bệnh tim và qua đời đột ngột. Thật may là những tình tiết trong đoạn clip do người dân tung lên mạng đã được cán bộ nghiệp vụ Công an tỉnh Bình Phước dùng để phân tích rõ sự thật rồi cung cấp thông tin cho báo chí và công khai trên mạng xã hội nên đã dập tắt được những xuyên tạc, bịa đặt. Trước đó, vào năm 2010 khi nhân viên Công ty công trình đô thị Đồng Xoài cắt tỉa cây xanh khu vực Quảng trường 23-3 để chuẩn bị tổ chức lễ hội Quả điều vàng thì mạng xã hội xuất hiện thông tin “Bình Phước đốn hạ hàng trăm cây xanh để tổ chức lễ hội”… Dẫn chứng như thế để thấy rằng việc tiếp nhận thông tin không phân biệt được thật - giả, đúng - sai của một bộ phận người dân rồi hào hứng chia sẻ đã vô tình tiếp tay cho hoạt động chống phá đất nước của các thế lực xấu, thù địch, cơ hội chính trị. 

Thông tin chính thống - đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Giữa biển thông tin nhiễu loạn trong đời sống số hiện nay, việc định hướng thông tin, dư luận xã hội không đơn giản. Bởi giới hạn của thông tin đúng - sai, thật - giả rất mong manh, dễ trà trộn và khó kiểm định. Có thông tin đúng lại bị dư luận nghi hoặc, trong khi thông tin sai lại được tiếp nhận và lan truyền. Hiện tượng “gà mờ” thông tin rồi vô tình tiếp tay cho hoạt động chống phá, trước hết thuộc về đối tượng tiếp nhận thông tin. Nhìn rộng ra, xa hơn cũng có nguyên nhân của việc chậm trễ cung cấp thông tin chính thống. Chính sự chậm trễ này đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho những xuyên tạc, đồn đoán vô căn cứ. Bởi những thông tin xuyên tạc, bịa đặt ngẫu nhiên trùng khớp những điều diễn ra trong đời sống xã hội sẽ gây hoang mang trong dư luận, cộng đồng. Vì thế, trước những vụ việc cụ thể, nhất là những vấn đề nhạy cảm, liên quan đến quốc kế, dân sinh, lợi ích cộng đồng, được xã hội quan tâm, cần có phát ngôn chủ động, kịp thời, đúng lúc của cơ quan có thẩm quyền để kịp thời định hướng thông tin, dư luận. Nếu để tin đồn thất thiệt biến thành ngọn lửa tiêu cực bùng cháy, gây bức xúc dư luận mới tháo gỡ thì sự khó khăn sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Bởi thế, thông tin chính thống cần có ngay sau sự việc chứ đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.

  • Từ khóa
163802

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu