Thứ 7, 27/04/2024 23:47:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 08:15, 17/03/2023 GMT+7

“Lưu manh chính trị”

Trần Tú
Thứ 6, 17/03/2023 | 08:15:16 3,655 lượt xem
BPO - Việc ông Võ Văn Thưởng, nguyên Thường trực Ban Bí thư được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước là sự kiện chính trị quan trọng trong thời gian qua. Lợi dụng điều này, các đối tượng xấu đã ra sức xuyên tạc, bóp méo thông tin, lèo lái dư luận nhằm mục đích chống phá Đảng, Nhà nước.

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV đã bầu ông Võ Văn Thưởng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu sự chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong chiến tranh sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình. Lợi dụng sự kiện này, các “nhà bình luận”, “nhà dân chủ”, “nhà báo tự do”… đã ra sức xuyên tạc thông tin nhằm chống phá Đảng, Nhà nước. Đơn cử, Đài Á châu tự do (RFA) đăng tải bài viết “Điều gì sẽ đến sau những xáo trộn trong hàng ngũ của Đảng”. Trong khi đó, Tiếng dân News cũng nhanh chóng “bắt sóng” và tung ra bài viết “Cuộc thập tự chinh đơn độc của Nguyễn Phú Trọng”, “Tân Chủ tịch nước - nhân vật của giai đoạn chuyển tiếp”… Trong những thông tin, bài viết được đưa ra, các đối tượng xấu tiếp tục giở thói “lưu manh chính trị”. Chúng bàn tán, xuyên tạc về thân thế, sự nghiệp, đời tư của lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói chung và ông Võ Văn Thưởng nói riêng. Chúng ra sức chọc ngoáy công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta và lồng ghép những quan điểm sai trái, thù địch, sai lệch bản chất sự việc. Chúng vu khống cho rằng nội bộ Đảng, Nhà nước ta lục đục, không đoàn kết, “đấu đá, tranh giành quyền lực”… Suy cho cùng, việc tung ra những luận điệu sai trái, độc hại này cũng không ngoài mục đích gây nhiễu dư luận, kích động sự hoài nghi trong xã hội, tạo cớ để chống phá đất nước.

Đảng, Nhà nước ta luôn xác định công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược được Đảng ta thực hiện một cách vô cùng thận trọng, đánh giá kỹ và cân nhắc nhiều chiều. Nguyên tắc trong việc thực hiện công tác cán bộ là kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, trong đó xây là nhiệm vụ chiến lược, cơ bản, lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; giữa đức và tài, trong đó đức là gốc; giữa kế thừa, đổi mới và ổn định, phát triển; giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, trong đó tiêu chuẩn là chính. Có lẽ, chưa bao giờ chúng ta chứng kiến công tác cán bộ được thực hiện quyết liệt, bài bản như thời gian vừa qua. Theo đúng tinh thần “có lên, có xuống”, “có vào, có ra”, khi cán bộ có sai phạm đều bị xử lý nghiêm theo đúng quy định. Không chỉ dừng lại ở việc xử lý trách nhiệm cá nhân, trực tiếp, chúng ta còn xử lý cả trách nhiệm liên đới. Ngược lại, với những cán bộ có năng lực, trình độ, đạo đức, uy tín, có tinh thần trách nhiệm, có thành tích nổi trội, có triển vọng phát triển thì đều được tạo điều kiện để bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách và cất nhắc vào các vị trí phù hợp theo đúng quy định. Việc ông Võ Văn Thưởng được bầu giữ chức Chủ tịch nước khi tuổi đời còn rất trẻ là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này.

Liên quan đến việc Quốc hội khóa XV bầu ông Võ Văn Thưởng giữ chức vụ Chủ tịch nước, đây là sự lựa chọn hết sức khách quan. Tại Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã đề ra giải pháp: “Nói chung, cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp trên phải kinh qua vị trí chủ chốt cấp dưới; trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Nhân sự không trúng cử cấp ủy cấp dưới thì không giới thiệu để bầu cấp ủy cấp trên”. Đối chiếu với quy định này, ông Võ Văn Thưởng hoàn toàn phù hợp. Trong quá trình công tác, ông Võ Văn Thưởng đã trải qua nhiều vị trí công tác từ địa phương đến Trung ương như: Bí thư Quận ủy 12, Thành phố Hồ Chí Minh; Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Thường trực Ban Bí thư. Bản thân ông Võ Văn Thưởng là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kinh nghiệm công tác tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những luận điệu xuyên tạc thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đang được các “nhà dân chủ” đưa ra là hoàn toàn phi lý, vô căn cứ, không thể chấp nhận.

Việc ông Võ Văn Thưởng được bầu giữ chức Chủ tịch nước cũng đánh dấu việc chuyển giao thế hệ trong cơ cấu quyền lực đất nước. Đây không phải là điều bất ngờ, bởi ngay tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã chỉ rõ: “Thời gian tới cũng là giai đoạn chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong chiến tranh, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau”. Từ việc nhìn thẳng vào thực tiễn, Đảng ta đã đề ra nhiều giải pháp để bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, hoàn thành mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thực tế, các “nhà dân chủ” đều là những kẻ “lưu manh chính trị”, có những chiếc “lưỡi không xương” nên đã “trăm đường lắt léo”. Khi Đảng ta bầu cán bộ có kinh nghiệm dày dạn, có tuổi đời lớn giữ chức vụ lãnh đạo thì chúng vu cáo là “tham quyền cố vị”. Ngược lại, khi chúng ta lựa chọn cán bộ trẻ thì chúng lại rêu rao là “không đủ sức lãnh đạo đất nước”, “thăng tiến thần tốc”, “chỉ ngồi cho đủ ghế chứ không có quyền hành trên thực tế”. Đúng là không thể chấp nhận!

  • Từ khóa
163428

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu