Thứ 6, 10/05/2024 04:07:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:24, 01/03/2023 GMT+7

Cần biết “gạn đục, khơi trong”

Anh Tú
Thứ 4, 01/03/2023 | 09:24:36 711 lượt xem
BPO - Tại cuộc họp bất thường diễn ra chiều 17-1, sau khi xem xét nguyện vọng của ông Nguyễn Xuân Phúc, Ban Chấp hành Trung ương đã đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh nhiệm kỳ 2021-2026. Sau đó 1 ngày, Quốc hội đã bỏ phiếu kín và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc. Từ đó đến nay, những luận điệu đồn đoán về việc ai sẽ được bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước vẫn là đề tài nóng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Ở Việt Nam, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước đồng thời là thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh. Chính vì vậy, việc ai giữ chức vụ Chủ tịch nước luôn nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.

Thời gian qua, lợi dụng tâm lý tò mò, hiếu kỳ của mọi người, các đối tượng xấu đã đưa ra nhiều thông tin đồn đoán thất thiệt về công tác nhân sự đối với vị trí Chủ tịch nước nhằm gây nhiễu loạn dư luận. Theo kịch bản dựng sẵn, những kẻ này đã đẩy mạnh rêu rao cho rằng “việc lựa chọn nhân sự cho vị trí Chủ tịch nước thực chất là cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái”, “đến nay các phe phái trong Đảng đã phân chia xong ghế Chủ tịch nước”… Dĩ nhiên, những cơ sở để đưa ra phán đoán, nhận định nêu trên chỉ dựa vào các “nguồn tin riêng” không có điều kiện để kiểm chứng. Tuy nhiên, các thông tin thất thiệt đã tạo ra những tác động xã hội tiêu cực, làm nhiễu loạn dư luận.

Việc đồn đoán nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước không phải là hoạt động mới. Trước mỗi kỳ Đại hội Đảng hoặc dịp Quốc hội bầu các vị trí quan trọng, những “thông tin bên lề” liên quan đến nhân sự đều lan tràn trên mạng xã hội. Đã phán đoán thì có thể đúng, có thể sai. Tuy nhiên, các “nhà dân chủ”, “nhà bình luận”, “nhà quan sát” tự phong lại cố tình “thêm mắm, thêm muối”, xào xáo thông tin nhằm lồng ghép những nhận định sai trái. Chúng tích cực chơi lá bài 2 mặt. Khi đồn đoán trở thành sự thật, chúng hí hửng, hô hào rằng mọi vị trí nhân sự đã được “xếp ghế” từ trước, chẳng có gì bất ngờ. Ngược lại, khi đồn đoán không chính xác, những kẻ này lại phớt lờ, không một lời giải thích.

Phải khẳng định rõ, việc lựa chọn nhân sự cho vị trí Chủ tịch nước không phải là hành động tùy nghi, “xếp ghế”, “tranh giành phe phái”. Tại Việt Nam, quyền lực nhà nước là thống nhất. Hơn ai hết, Đảng ta hiểu rõ, nếu chúng ta không lựa chọn đúng và trúng nhân sự cho các vị trí quan trọng thì đó cũng chính là hành động tự “đào hố chôn mình”, làm suy yếu sức mạnh của Đảng cũng như sức mạnh của đất nước, đe dọa trực tiếp đến khả năng lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Công tác nhân sự tác động trực tiếp đến vận mệnh, tiền đồ của Đảng, Nhà nước. Bởi vậy, công tác nhân sự luôn được coi trọng. Đảng Cộng sản Việt Nam xác định rõ cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Do đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. 

Với nhân sự cho vị trí Chủ tịch nước, Đảng đã đưa ra những tiêu chuẩn hết sức chặt chẽ. Tại Quy định số 214-QĐ/TW ngày 2-1-2020 của Ban Chấp hành Trung ương về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã xác định rõ nhân sự với chức danh Chủ tịch nước ngoài bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn, năng lực, uy tín, sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao, là trung tâm đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân. Có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp. Là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước. Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

Việc giới thiệu nhân sự và bầu chức danh Chủ tịch nước được thực hiện một cách khách quan, dân chủ, không ai có thể can thiệp, “xếp ghế” cho một người không đủ năng lực, trình độ, uy tín ngồi vào vị trí này. Theo quy định của pháp luật, Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội. Chẳng ai có thể tác động, hướng lái, mua chuộc hay ép buộc gần 500 vị đại biểu Quốc hội bỏ phiếu theo ý kiến của mình.

Trong bối cảnh thông tin phức tạp như hiện nay, mỗi người cần tự trang bị vốn kiến thức nhất định để có thể “gạn đục, khơi trong”, tránh mắc phải những “bẫy thông tin” do các đối tượng xấu đưa ra. Mặt khác, Đảng ta là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc, bởi vậy mọi quyết định của Đảng đều hướng đến mục tiêu cao nhất là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

  • Từ khóa
162283

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu